Ăn rừng, ngủ rừng 'săn' nấm lim xanh
Trong chuyến chinh phục cánh rừng già ở Quảng Nam, chúng tôi có dịp theo chân người dân bản địa luồn rừng sâu 'săn' nấm lim xanh.
Mấy năm nay, nấm lim xanh nổi lên như một thứ “thần dược”, cứu mạng những người ung thư, hoặc có bệnh về gan. Muốn khai thác được loài nấm lim quý này phải băng rừng hàng giờ đồng hồ, vượt qua hàng chục con suối và núi cao mới đến được xứ sở loài nấm lim.
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với sâm Ngọc Linh mà còn được thiên nhiên ưu ái cho những dược liệu quý khác, trong đó, nấm lim xanh là một trong những vị thuốc có tác dụng chữa bệnh được nhiều người lựa chọn. Trong chuyến chinh phục cánh rừng già, chúng tôi có dịp theo chân người dân bản địa luồn rừng sâu “săn” loại đặc sản này.
Săn lùng nấm lim xanh
Theo chân ông Nguyễn Ba (trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) - người có kinh nghiệm săn lùng nấm lim xanh nhiều năm nay, chúng tôi mới thấm được cái nghề tưởng đơn giản nhưng lắm công phu này.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, mỗi người thợ sơn tràng sẽ mang theo một chiếc balo với những nhu yếu phẩm như gạo, muối, thức ăn khô,….cùng các loại thuốc, võng ngủ,…khá đầy đủ. Người thợ sẽ hạn chế tối đa một số vật dụng, chủ yếu tận dụng khả năng sinh tồn trong rừng rậm.
Theo ông Ba, nấm lim mọc nhiều nhất tập trung ở 2 huyện là Tiên Phước và Nam Giang, vì ở đây còn rất nhiều cây gỗ lim. Nhất là ở trong khu vực lòng hồ thủy điện, nhiều cây gỗ khi ngập nước đã chết, rồi mục nát nên nấm dễ mọc hơn các nơi khác.
Sau gần 1 giờ băng rừng, lội suối nhóm cũng đến được khu rừng lim ở xã Nam Giang, nơi được người dân đây mệnh danh là thiên đường nấm lim. Trước đây, cả khu rừng là những cây lim cổ thụ lừng lững, nhưng bây giờ nhiều cây đã bị lâm tặc chặt hạ, chỉ còn trơ gốc. Những cây lim con mới được trồng lại.
Tiếp đó, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn vào khu rừng keo của người dân, hai bên đường có lác đác những gốc lim đã chết. Nấm bắt đầu mọc nhưng còn rất nhỏ. Thấy chúng tôi thích thú và muốn hái cây nấm. Ông Ba ngăn cản và cho hay Nấm lim xanh đang mọc cao chừng 7cm và mới chỉ khoảng 5 ngày và chưa thể thu hái.
“Nấm lim xanh chỉ mọc ở gốc cây lim đã chết, từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch là thời điểm nấm mọc nhiều. Ở khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6, dù là gốc lim trong rừng trồng hay rừng tự nhiên đều có Nấm lim mọc. Nấm đã trưởng thành chúng tôi mới thu hoạch” - ông Ba nói.
Là một thợ sơn tràng săn nấm lim chính hãng khá "mát tay", ông Ba mô tả về việc tìm nấm lim quý: “Muốn tìm thấy một cây nấm lim hoàn toàn không phải việc dễ dàng, bởi rừng ở Quảng Nam nay đã ít, cây nấm lim hiếm quý như thế bị khai thác nhiều cho nên càng lúc càng hiếm. Rừng gần đã hết nay phải đi tìm ở những rừng xa, giáp biên giới Lào. Một chuyến đi rừng tìm nấm lim thường phải đi thành nhóm, bởi rừng thiêng nước độc nhiều hiểm nguy rình rập nên người ta không thể đi một mình hay một hai ngày được”.
Theo ông Ba, mùa “săn” nấm lim xanh thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 7 Dương lịch hàng năm. Nấm lim xanh chỉ mọc ở gốc cây lim đã chết.
Đi “săn” nấm lim xanh là công việc rất vất vả, khó khăn, thường phụ nữ hoặc người nơi khác đến khó lòng mà làm được. “Giữa chốn rừng thiêng nước độc luôn tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Bất kỳ người nào hành nghề này cũng từng gặp nạn khi đi rừng. Bị rắn rít cắn, sâu bọ tấn công như cơm bữa. Không ít người trong lúc vượt các ghềnh đá đã trượt chân té ngã, may là chỉ bị thương chứ không mất mạng” – ông Ba bộc bạch.
Ăn ngủ trong rừng tìm nấm
Ông Ba nhớ lại hơn 10 năm trước, chạy theo giấc mơ vàng, ông lăn lộn ở “thánh địa vàng” Phước Sơn. Thời gian đầu, khi vàng còn trúng đậm nên ông sa vào những cuộc ăn chơi, ma túy. Làm được bao nhiêu rồi cũng “nướng” vào ma túy. Cả 10 năm trời chẳng tích cóp được gì, ông đành từ bỏ về sống cuộc sống nhẹ nhàng nơi quê nhà.
Về quê, ông theo bạn bè vào rừng hái nấm. Và rồi, công việc lội suối, băng rừng săn loại thảo dược quý cũng gắn với ông từ đó. Đến nay ông cũng có thâm niêm gần 10 năm "ăn ngủ trong rừng" tìm nấm.
Ông Nguyễn Văn Hoan (một thợ "săn" nấm lim xanh có tiếng ở Quảng Nam) kể, cách đây hơn 10 năm, mẹ ông không may bị bệnh ung thư thận, di căn biến chứng qua gan nên bệnh viện khuyên nên đưa về nhà.
Khi đưa mẹ về nhà, ông nghe một số người dân bảo nấm lim xanh có thể chữa bệnh gan nên ông Hoan đã lên rừng hái về cho mẹ uống thử. Nào ngờ, 2 tháng sau mẹ tôi khỏe hẳn ra, bà có thể đi lại được và làm được một số việc lặt vặt trong nhà.
Nhận thấy công dụng mà lấm lim xanh mang lại, từ đó vào mùa ông lại lên rừng tìm về cho mẹ uống. Khi nấm lim xanh được nhiều người biết đến và có giá cao nên ông Hoan thu mua nấm từ người dân đi rừng hái về rồi bán lại cho những người có nhu cầu.
Theo ông Ba, nấm lim xanh là một trong những loài thuộc họ nấm linh chi. Loại thảo dược này có tác dụng giải độc cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh gan. Người Cơ Tu thường thái mỏng nấm linh chi, sau đó ngâm rượu uống. Nấm lim có ba loại, trong đó quý nhất là lim xanh. Nấm lim xanh chỉ mọc trên thân lim cổ thụ bị mục rỗng hoặc những rễ cây lớn nhô ra. Đặc biệt, nấm sẽ mọc nhiều sau những trận mưa giông lớn.
Tùy theo từng loại nấm: Nấm già, nấm non, nấm nụ, nguồn gốc nấm và cả quá trình thu hái, chế biến mà nấm lim xanh có những mức giá khác nhau. Tuy nhiên, giá nấm dao động từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng/kg. Những loại nấm lim xanh già giá từ 4-6 triệu đồng/kg. Nấm lim xanh tự nhiên nguyên cây từ 3-4 triệu đồng/kg. Nấm lim xanh thái lát hoặc loại trung có giá từ 2-3 triệu đồng/kg. Ngoài ra, những loại nấm lim xanh loại hàng xô là những loại nấm non, nấm nụ chưa có tai thường rẻ vì mọc trên cây hỗn tạp chứ không phải cây lim xanh. Loại nấm này chỉ có giá từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Để khai thác có hiệu quả nấm lim, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH nấm linh chi Quảng Nam và một đối tác từ Hàn Quốc triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị nấm lim xanh Quảng Nam.
Dự án được tiến hành tại các huyện miền núi của tỉnh nhằm hướng tới việc giúp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số biết cách trồng, chăm sóc, khai thác nấm lim xanh để tăng thu nhập; đồng thời tiến hành xây dựng vườn ươm, lưu giữ nguồn gen nấm lim xanh cũng như chế biến sâu một số sản phẩm có giá trị từ nấm lim xanh Quảng Nam.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/an-rung-ngu-rung-san-nam-lim-xanh-ar737752.html