An sinh, an dân và an toàn
'Việc nhân nghĩa cốt để yên dân', câu mở đầu trong áng hùng văn bất hủ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã thể hiện tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời, tất cả vì sự bình an, no ấm của người dân; tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay và đặc biệt trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Chúng ta sẽ làm tất cả vì sự bình an của người dân.
Dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Với tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của biến thể Delta, Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm ngàn trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hàng ngàn người đã không qua khỏi. Cùng với đó là những tác động về mặt xã hội khi hàng triệu người dân điêu đứng, khó khăn do mất việc làm. Nhìn hình ảnh người dân nối nhau bất chấp hiểm nguy, vượt ngàn cây số về quê, chúng ta không khỏi suy tư, trăn trở.
Thời gian qua, thực hiện Công điện ngày 31-7 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31-7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép". Các tỉnh, thành khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, đã tập trung triển khai các gói an sinh xã hội khá nhanh chóng, kịp thời.
Nhiều cách làm hay sáng tạo, nhiều hoạt động thiện nguyện của các cá nhân, tập thể đang chung tay cùng chính quyền, các đoàn thể góp phần hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trong những ngày giãn cách.
Chúng ta đều biết công tác phòng, chống dịch Covid-19, ý thức chấp hành của người dân có yếu tố quyết định, nhưng việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khá dài đã gây khó khăn rất nhiều cho đời sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, người lao động nhập cư. Vì thế, công tác an sinh xã hội cần được quan tâm đặc biệt để tạo sự an tâm cho người dân trong việc thực hiện chỉ đạo “ai ở đâu ở yên đó”.
Thời gian qua, trong các chỉ đạo về phòng, chống dịch của Trung ương và các tỉnh, thành đều đề cập “không để người dân nào bị thiếu ăn”. Vấn đề là sự quán triệt, triển khai thực hiện từ cơ sở sao cho quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Bởi vì, lý do nào đó chậm triển khai các gói an sinh xã hội thì tác dụng của nó sẽ không còn.
Cùng với công tác khoanh vùng truy vết, điều trị giảm ca F0, hạn chế tử vong, công tác an sinh xã hội là một giải pháp quan trọng trong "chuỗi liên kết" phòng, chống dịch. Có làm tốt công tác này thì người dân mới an tâm thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, góp phần mở rộng vùng an toàn, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, khi các tỉnh, thành phía Nam đang siết chặt việc giãn cách xã hội để tầm soát diện rộng. Làm thế nào để người dân an tâm ở nhà và không thiếu ăn là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Địa phương nào, vùng nào người dân được an tâm, đó là vùng chúng ta cần mở rộng. Phải an sinh tốt thì mới an dân và khi đã an dân sẽ mở rộng được vùng an toàn, góp phần tạo ra sức mạnh to lớn của sự đoàn kết, tiến tới giành chiến thắng với giặc Covid-19 vốn nhiều biến hóa.
Các tỉnh, thành thực hiện giãn cách đang tập trung chỉ đạo vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cho Quân đội, Công an vào cuộc hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam trong thực hiện quyết liệt việc giãn cách; đặc biệt là lo bữa ăn cho người dân, đảm bảo tốt công tác an sinh để người dân an tâm ở yên tại nhà.
Một số tỉnh, thành phía Nam đã qua 2 tháng thực hiện giãn cách. Có thể nói đây là "trận đánh" cuối cùng quan trọng trong chiến dịch khống chế, đẩy lùi Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Với sự quyết liệt từ Chính phủ, cùng sự chung sức đồng lòng của các địa phương, sự đồng thuận của người dân; chúng ta quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202108/an-sinh-an-dan-va-an-toan-932922/