Ẩn số khó lường trong bầu cử tổng thống Hàn Quốc
Cuộc bầu cử Hàn Quốc ngày 9/3 không chỉ là sự kiện trọng đại với người dân trong nước, mà còn có khả năng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nhiều nước khác.
Trước cuộc bầu cử được nhận định là “rất khó đoán” của Hàn Quốc, nhiều quốc gia đang đón chờ xem liệu ai sẽ là người đứng đầu Nhà Xanh trong 5 năm tới. Foreign Policy nhận định đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau nhiều năm nêu bật sự khác biệt đáng kể về chính sách đối ngoại giữa phe cầm quyền và phe đối lập ở Hàn Quốc.
Hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng thống Hàn Quốc, Lee Jae Myung - đại diện cho đảng cầm quyền và Yoon Seok Youl - đại diện cho đảng đối lập, đều có nhiều bất đồng trong chính sách đối ngoại.
Vì vậy, việc ai sẽ là tổng thống Hàn Quốc sau cuộc bầu cử 9/3 ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại của các nước khác, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bất đồng quan điểm về Mỹ
Trong cuộc bầu cử lần này, hai ứng cử viên hàng đầu bất đồng về nhiều vấn đề quan trọng với Mỹ.
Ứng cử viên Lee Jae Myung của đảng cầm quyền không cam kết rõ ràng về việc nối lại các cuộc tập trận với Mỹ để tránh kích động sự phản ứng của Triều Tiên. Trong khi đó, ứng cử viên của đảng đối lập Yoon Seok Youl sẵn sàng tiếp đón “vị khách tiềm năng” này.
Đảng cầm quyền cũng ủng hộ việc loại bỏ dần ngành năng lượng hạt nhân dân dụng của Hàn Quốc sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, nhưng kế hoạch này bị phe đối lập phản đối.
Nếu ứng cử viên đảng đối lập giành chiến thắng, Hàn Quốc có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc định hình các tiêu chuẩn của thị trường năng lượng hạt nhân dân dụng toàn cầu, không để Nga và Trung Quốc chiếm ưu thế.
Sự khác biệt giữa hai bên thể hiện rõ ràng nhất trong quan điểm về nhóm Bộ Tứ. Theo Foreign Policy, Hàn Quốc từng được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh QUAD đầu tiên vào tháng 3/2021 nhưng đã từ chối.
Đến nay, ứng cử viên Lee Jae Myung vẫn giữ im lặng về việc gia nhập liên minh này. Ngược lại, các nhà lãnh đạo đảng đối lập công khai tuyên bố rằng dưới chính phủ của họ, Seoul sẽ nhanh chóng trở thành thành viên QUAD.
Gỡ bỏ nút thắt với Nhật Bản
Giữa Nhật Bản và Hàn Quốc luôn tồn tại một lằn ranh từ những mâu thuẫn trong quá khứ. Nhiều chuyên gia nhận định tân tổng thống Hàn Quốc có thể gỡ bỏ nút thắt giữa hai nước. Tuy nhiên, hai ứng cử viên hàng đầu đang thể hiện quan điểm đối lập về vấn đề này.
Ứng cử viên Lee Jae Myung từng bị một số phương tiện truyền thông Nhật Bản gọi là “kẻ hiếu chiến”. Lập trường của ông với Nhật Bản không khác gì Tổng thống Moon. Ông Lee khẳng định sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản chỉ khi nước láng giềng thể hiện một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề lịch sử.
Ông Lee cũng kêu gọi Hàn Quốc trừng phạt khắt khe hơn đối với những người thân Nhật đã hợp tác với quân đội nước này trong giai đoạn năm 1910-1945.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng đối lập Yoon Suk Yeol lại thể hiện một quan điểm khác. Ông Yoon từng nói với các phóng viên rằng đã đến lúc cải thiện quan hệ Nhật - Hàn với cái nhìn “hướng tới tương lai”, đồng thời chỉ trích Tổng thống Moon đã phá hủy hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước.
Chính sách mơ hồ với Trung Quốc
Xu hướng bài xích Trung Quốc đang trở nên ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc. Đây là một nhân tố đáng chú ý đối với chính sách đối ngoại của Seoul, theo Diplomat.
Tâm lý đối đầu Trung Quốc gần đây ám chỉ rằng Hàn Quốc đang đứng ở ngã ba đường trong chính sách đối ngoại của mình. Chính quyền tiếp theo sẽ thực hiện chính sách cứng rắn chống lại Trung Quốc hay duy trì sự mơ hồ có chủ ý, bất chấp nguy cơ bị công chúng phản đối.
Trong khi đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) lại đề cao mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ.
Lee Jae Myung, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng thống, được coi là nhân vật thân Trung Quốc. Ông Lee gần đây cũng hứa sẽ kế thừa chính sách đối ngoại mơ hồ chiến lược của Tổng thống Moon nếu thắng cử.
“Mỹ là đồng minh duy nhất của chúng ta, và chúng ta cũng có quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc”, ông cho biết.
Ngược lại, ông Yoon Seok Youl, ứng cử viên đại diện cho PPP, đã thể hiện sự ác cảm đối với Trung Quốc. Ông chỉ trích các biện pháp ngăn chặn Covid-19 của chính quyền Tổng thống Moon và cho rằng chính phủ nên hạn chế khách đến từ Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát.
Theo một nguồn tin thân cận, ông Yoon cũng đang tìm cách nâng cấp cơ chế tham vấn giữa Seoul và Washington, để thảo luận về một chương trình nghị sự liên quan đến chính sách và vai trò của Trung Quốc.
Lập trường khác nhau giữa hai ứng cử viên cho thấy thái độ với Trung Quốc của công chúng Hàn Quốc có thể trở thành một yếu tố quyết định tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc.
Đối phó với Triều Tiên
Cuộc đua giữa hai ứng cử viên hàng đầu đầy những diễn biến kịch tính. Ngoài những vấn đề lớn trong nước như giá nhà đất tăng vọt, bất bình đẳng thu nhập, tổng thống tiếp theo sẽ phải đối mặt với sự thất bại trong chính sách can dự của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In với Triều Tiên.
Các ứng cử viên của đảng đối lập và cầm quyền của Hàn Quốc cho thấy sự khác biệt lớn về cách đối phó với Triều Tiên. Ông Yoon Suk Yeol muốn tăng cường khả năng răn đe đối với Bình Nhưỡng giữa lúc quốc gia này tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa, theo NHK.
Ngoài ra, ông Yoon cho biết sẽ tìm cách phi hạt nhân hóa Triều Tiên, lưu ý rằng Bình Nhưỡng đã thực hiện các hành động khiêu khích, bao gồm cả việc bắn thử tên lửa siêu vượt âm.
Ông nói thêm rằng Hàn Quốc cần có khả năng phát động các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên nếu có dấu hiệu sắp xảy ra xung đột.
Trong khi đó, ứng cử viên của đảng cầm quyền Lee Jae Myung bày tỏ sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều. Ông Lee chỉ trích ông Yoon vì đề xuất một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, khẳng định điều này chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền.
Với những nhận định trên, có thể thấy chiến thắng của ứng cử viên đảng đối lập Yoon Suk Yeol sẽ thuận lợi hơn với chính sách đối ngoại của Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, ứng cử viên Lee Jae Myung có cách tiếp cận “mềm mỏng” hơn đối với Trung Quốc và Triều Tiên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-so-kho-luong-trong-bau-cu-tong-thong-han-quoc-post1298106.html