Ăn Tết ở quê
Do hoàn cảnh của xã hội có nhiều thay đổi, cuối năm 1975, gia đình tôi hồi hương. Một ngôi nhà mái lá được dựng lên trong khu vườn yên tĩnh. Những ngày đầu thật buồn vì sống chưa quen, mọi sinh hoạt đều thay đổi đột ngột chưa kịp thích ứng. Đời sống ở xứ vườn thật tẻ nhạt. Sợ nhất là những buổi chiều mưa dầm, ai ở nhà nấy, con đường trước nhà không một bóng người qua lại.
Ở được một thời gian, gia đình tôi quen dần với cuộc sống ở đây và yêu mến hồi nào không hay. Tôi chứng kiến tình làng nghĩa xóm ở nông thôn thật gắn bó. Nhà ai hữu sự bà con trong xóm đều đến giúp đỡ rất tận tình. Những người sinh sống nơi đây rất chơn chất, thiệt tình. Có con cháu về ở gần, nội tôi vui lắm. Đêm nào chị em tôi cũng qua nhà nội chơi, nghe bà tôi kể chuyện, thích nhất là những câu chuyện về cha tôi lúc còn niên thiếu gắn liền với vùng đất này.
Khi cơn gió chướng thổi về, lòng người cảm thấy vui hơn vì thời tiết thay đổi báo hiệu năm cũ sẽ hết. Nghe những tàu lá dừa gió thổi xào xạc theo từng cơn gió, cảm giác thật rộn ràng. Ở nông thôn miền Nam ngày trước, người ta hay quết bánh phồng ăn Tết. Tiếng “cắc cùm” vang đều bên tai nghe thật vui. Điều tôi không ngờ sau này ít nhà còn giữ được chuyện quết bánh phồng ăn Tết vì nhiều lý do! Không khí Tết đã bắt đầu về, mọi gia đình đều bận rộn với công việc. Dù có thêm nhiều việc nhưng trong lòng ai cũng hớn hở khi năm mới sắp đến.
Mấy năm ăn Tết ở quê, tôi không thấy nhà nào dựng cây nêu trước nhà như trong câu ca dao: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Trông mau tới Tết dựng nêu, ăn chè”. Nội tôi cho biết, ngày trước ở đây người giàu ăn Tết chừng một tuần lễ. Ngày xưa mỗi năm làm lúa chỉ có một vụ nên thời gian nông nhàn kéo dài. Dân ở nông thôn tháng này công việc ruộng vườn đã xong đâu có chuyện gì làm. Bởi vậy người xưa mới có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” là như vậy. Một năm có mấy ngày Tết cứ vui chơi thỏa thích.
Khi nội tôi chuẩn bị lá lú để gói bánh tét là tôi thấy hương xuân đã gần đến rồi. Ở vườn cứ ra sau vườn rọc lá chuối không phải mua, chọn cây chuối hột mà rọc lá vì lá chuối này gói bánh ngon hơn lá chuối xiêm. Những đêm cuối năm trời quê lành lạnh, ngồi bên bếp lửa nồi bánh tét cháy bập bùng, hơi ấm lan tỏa, thật yêu khung cảnh đầm ấm của gia đình.
Chợ quê tuy nhỏ nhưng vào dịp cận Tết rất nhộn nhịp, nhà nào cũng sắm sửa đủ thứ nên sức mua bán tăng vọt gấp mấy lần ngày thường. Thời đó, đường bộ chưa phát triển, bà con phần nhiều đi chợ Tết bằng xuồng, nhìn khúc sông trước chợ ghe xuồng đậu dày đặc, trông thật vui mắt. Bà con sắm sửa xong í ới ra về, cùng xuôi ngược trên dòng sông nhỏ vui quá. Những chậu hoa Tết theo chân người mua sắm tỏa đi khắp nơi mang hương xuân đến tận mọi nhà.
Ngày cuối năm, bà tôi chuẩn bị cúng ông bà rất thịnh soạn. Nghĩ lại ngày Tết ăn uống đâu có bao nhiêu nhưng món nào bà tôi cũng làm thật nhiều. Nồi thịt kho nước dừa là món ngon không thể thiếu. Ăn kèm với thịt kho có dưa kiệu, một sự kết hợp rất ngon miệng và thú vị. Ở quê món canh phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn đó là khổ qua hầm thịt. Trái khổ qua còn là vị thuốc, có tính mát. Bà con nhà quê suy nghĩ đơn giản, khổ qua là cái khổ của năm cũ sẽ qua đi. Ước vọng đầu năm ai cũng mong muốn năm mới được tốt đẹp. Thời khắc giao thừa thật thiêng liêng và để lại nhiều kỷ niệm trong đời rất khó quên. Bà cháu ngồi bên nhau chờ đón giao thừa với biết bao câu chuyện cũ chuyện mới đan xen nhau. Ý nghĩa nhân sinh của ngày tết Nguyên đán gói trọn trong khung cảnh sum họp của gia đình và họ hàng, ngày đầu năm bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên qua một nén nhang với tất cả lòng thành kính.
Tôi đã trải qua nhiều cái Tết như vậy. Nhớ lại hồi còn nhỏ, ba ngày Tết đã qua đi tiếc nhớ vô cùng. Chờ thêm hơn 300 ngày nữa thấy thật lâu. Tết mang đến nhiều ước mơ và hy vọng. Con người vui vẻ, hớn hở giữa trời xuân. Mỗi người con dù sống ở đâu cũng đều nhớ về quê hương yêu dấu của mình.
Sau này lớn lên đi và sống ở nhiều nơi, tôi luôn dành nhiều tình cảm về miền quê thân thiết ấy. Ở đó có hình bóng của bà tôi sống cả đời vì con cháu. Càng thấm thía hơn khi nghe câu hát trong bài “Bà mẹ quê” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Bà mẹ quê ngày tháng không ao ước gì. Nhỏ giọt mồ hôi vì đời trẻ vui…”. Tôi nghĩ những bà mẹ hiền có rất nhiều trong cuộc sống. Cứ mỗi lần nghe lại câu hát ấy là tôi nhớ đến lòng thương yêu vô bờ bến của người bà và mẹ tôi.
Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát bà tôi đã mất gần 30 năm. Khu vườn cũ ngày xưa vẫn còn đó nhưng khung cảnh lại trống vắng. Tết nào về quê, lòng tôi cũng luôn bồi hồi khi nhớ đến bao kỷ niệm cũ. Mùa xuân mấy bận cứ trôi qua. Tôi mơ được sống lại những ngày xuân trong gia đình còn đông đủ người thân. Sáng nay, xuân đã về trước ngõ, cây mai già trong vườn đã bắt đầu trổ bông để chào đón mùa xuân. Tôi viết vội mấy câu thơ để mừng năm mới: “Tâm hồn anh là một mùa xuân/Trong ký ức đong đầy hình ảnh Tết/Chiều cuối năm, trời buồn không gió/Tiễn năm cũ đi, sao bỗng thấy se lòng…”.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/an-tet-o-que-61823.html