An Thịnh - vùng quê đổi mới

Đầu năm 2024, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 5, trực thuộc huyện. Một cuộc sống mới, tư duy mới trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây đang hướng đến một vùng quê đáng sống.

Nhân dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên ra quân nâng cấp, sửa chữa, mở rộng mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã.

Nhân dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên ra quân nâng cấp, sửa chữa, mở rộng mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã.

Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh Nguyễn Văn Chi phấn khởi bày tỏ: Khi bước vào thực hiện xây dựng NTM, An Thịnh có xuất phát điểm thấp, xã đã chú trọng học hỏi, nghiên cứu và tập trung vào phát triển thế mạnh của địa phương với mục tiêu đưa nền kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; từng bước hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Quan trọng là đã xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, NTM nâng cao. Người dân nỗ lực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Khi đời sống ổn định và nâng cao người dân tích cực tham gia đóng góp công, của để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa… Nhờ vậy, năm 2023 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đầu năm 2024 này xã đạt chuẩn đô thị loại 5.

Cụ thể, trong phát triển kinh tế, xã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và thị trường, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa phương và nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên mỗi héc - ta đất canh tác.

Các hình thức tổ chức kinh tế không ngừng đổi mới, phát triển phù hợp với phong tục, tập quán địa phương và kinh tế thị trường. Các dịch vụ nông nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đầu vào, đầu ra cho hầu hết các sản phẩm nông nghiệp. Đối với cây lúa nước, ngoài việc đầu tư thâm canh, xã còn vận động nhân dân xây dựng cách đồng một giống lúa, liền ô, liền thửa để sản xuất hàng hóa.

Từ một địa phương gần như không có gì, nay mùa nào thức ấy, mỗi năm người dân bán ra thị trường hàng trăm tấn lúa gạo đặc sản nào là Chiêm hương, Séng cù mang thương hiệu An Thịnh; hàng trăm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật cho giá trị thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước; từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình và sự đóng góp của nhân dân, đến nay, 100% trục đường liên xã, liên thôn và đường xóm đã được bê tông hóa, nhiều tuyến đường còn có cống rãnh, điện chiếu sáng và được trồng hoa hai bên đường, tạo môi trường cảnh quan đẹp đẽ.

Toàn xã có 58 tuyến đường với tổng chiều dài gần 27 km; trong đó, đã có 18 km đường đã được trồng cây xanh, hoa, điện chiếu sáng, tỷ lệ tuyến phố văn minh trên tổng số đường chính đạt trên 64% - một con số không phải địa phương nào, xã nào cũng có được. Không chỉ vậy, các tuyến chính của đường nội đồng cũng được bê tông hóa; mạng lưới thủy lợi, kênh mương được đầu tư bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa, hoa màu.

Sự chung sức, đồng lòng xây dựng xã An Thịnh ngày một giàu mạnh, phát triển đã giúp An Thịnh là một trong hai xã vừa được công nhận xã đạt chuẩn đô thị loại 5. Đồng thời, đó cũng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Thịnh nhằm nhân lên sức mạnh để An Thịnh ngày một phát triển hơn nữa, trở thành đô thị loại IV trong tương lai.

Thanh Phúc

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/323377/an-thinh---vung-que-doi-moi.aspx