Cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu đang làm nghẹt thở tầng lớp trung lưu
Giá nhà đã tăng 54% ở Mỹ và gần 15% ở Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2015-2024. Dù một số chính sách đã được thực hiện để tăng nguồn cung và điều chỉnh giá thuê, nhưng tác động của chúng vẫn còn hạn chế.
Cuộc khủng hoảng nhà lây lan khắp thế giới
Tiếp cận nhà ở đã trở thành một vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, khi ngay cả các thành phố có giá nhà hợp lý nhất cũng đang trở nên đắt đỏ một cách điên rồ. Các giải pháp đã được đề xuất, như xây dựng thêm nhà, giới hạn tiền thuê nhà, đầu tư vào nhà ở được trợ cấp và hạn chế người nước ngoài mua bất động sản đã không ngăn chặn được sự lây lan của vấn đề.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), từ năm 2015 đến năm 2024, giá nhà đã tăng 54% ở Mỹ, 32% ở Trung Quốc và gần 15% ở Liên minh châu Âu. Sự gia tăng thậm chí còn lớn hơn ở các thành phố lớn; ở một số thành phố, tiền thuê nhà đã tăng gấp đôi trong cùng kỳ. Gần 9% dân số ở các quốc gia công nghiệp trên thế giới dành hơn 40% thu nhập của họ để trả tiền thuê nhà (ngắn hạn hoặc dài hạn).
Cuộc khủng hoảng nhà ở đang đóng vai trò không nhỏ trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đã đề xuất xây dựng ba triệu ngôi nhà giá rẻ bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân. Trọng tâm trong kế hoạch của bà là khoản trợ cấp lên tới 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu.
Tại Vương quốc Anh, Đảng Lao động cũng hứa sẽ tiến hành một cuộc cách mạng nhà ở trong chiến dịch tranh cử mà họ đã giành chiến thắng vào ngày 4/7. Họ đã cam kết xây dựng 300.000 ngôi nhà mới mỗi năm, tăng lên 1 triệu rưỡi vào cuối nhiệm kỳ lập pháp hiện tại và chính phủ của tân thủ tướng Keir Starmer sẽ cần biến những lời hứa đó thành hiện thực.
Vì đâu nên nỗi?
Vậy khi nào thì cuộc khủng hoảng nhà hiện nay bắt đầu? Nó bắt đầu như thế nào? Không có lời đáp dễ dàng cho những câu hỏi đó. Nhưng theo nhật báo El Pais (Tây Ban Nha) thì người ta có thể truy tìm nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện tại trở lại các chính sách vào cuối thế kỷ 20, khi nhiều chính phủ phương Tây cắt giảm số lượng nhà ở công cộng mà họ đang xây dựng.
Và rồi, việc xuất hiện của những nhà lãnh đạo như Ronald Reagan và Margaret Thatcher báo hiệu một sự chuyển hướng sang chủ nghĩa tự do ở phương Tây. Nhà ở công cộng cũ kỹ, thay vì được bảo trì thường xuyên, đã bị xuống cấp và thường bị phá bỏ mà không được xây dựng thay thế.
Ngay sau đó, nhiều thành phố thấy mình có ít nguồn lực hơn và nhu cầu ngày càng tăng mà họ không đủ khả năng đáp ứng. Ông Marc Roark, giáo sư luật tại Đại học Tulsa, tin rằng các chính sách thắt lưng buộc bụng kể trên đã đóng "một vai trò quan trọng trong sự xuống cấp của những tòa nhà này, đến mức chúng gây nguy hiểm cho các gia đình - như trong vụ hỏa hoạn ở Tháp Grenfell ở London, nơi ngọn lửa lan nhanh qua lớp ốp nhôm và nhựa - và trong sự cô lập của các cộng đồng nghèo đói ở những khu vực có ít cơ hội kinh tế".
Bất chấp bong bóng bất động sản vào đầu thế kỷ 21, nguồn cung nhà ở không đủ vẫn tiếp diễn. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã dừng mọi hoạt động xây dựng và khiến giá cả tăng vọt, chủ yếu là ở các khu vực thành thị. Việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ và việc làm tại các thành phố lớn đã làm trầm trọng thêm tình hình. Tăng trưởng kinh tế tập trung vào một số ít các trung tâm đô thị, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về nhà ở, từ đó tạo ra sự sang trọng hóa.
“Mô hình siêu thành phố được thúc đẩy trên toàn thế giới bắt đầu từ những năm 2000 đã tạo ra niềm tin rằng các thành phố nên thu hút nhân tài và vốn, mà không cân nhắc đến hậu quả mà nó gây ra cho những người đang sống ở đó”, Sergio Nasarre-Aznar, giám đốc Trung tâm nhà ở UNESCO tại Đại học Rovira I Virgili của Tây Ban Nha nói. "Bạn không thể mong muốn trở thành Thung lũng Silicon của Địa Trung Hải và mong đợi giá thuê nhà vẫn ở mức thấp”.
Ngoài ra, nhà ở không còn được coi là quyền cơ bản nữa mà giờ đây được coi là một khoản đầu tư tài chính. Ông Christoph Schmid, giáo sư luật kinh tế tại Đại học Bremen của Đức, cho biết: "Đầu cơ thiên về việc xây dựng các căn hộ cho phép thu được nhiều lợi nhuận nhất, trong khi nhà giá rẻ, vốn là loại nhà cần thiết nhất, lại bị bỏ qua".
Ngoài ra, tiền lương không tăng nhanh theo giá bất động sản. Tại EU, giá thuê nhà trung bình tăng 20% từ năm 2010 đến năm 2022, với giá thuê và giá mua tăng tới 48%, theo Eurostat. Các thị trường không được quản lý chặt chẽ đang gây ra sự tàn phá, và tại Mỹ và Tây Ban Nha, 20% người thuê nhà chi hơn 40% thu nhập của họ cho nhà ở, trong khi ở Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, tỷ lệ đó dao động từ 10% đến 15%, theo OECD.
Nhiều quốc gia đã tạo ra các chương trình nhằm mục đích tăng nguồn cung nhà ở công cộng trong tương lai, nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa được xác định và các nhà phân tích cho rằng kết quả sẽ bị hạn chế nếu không đưa ra các quyết định quy hoạch khu vực thông minh hơn.