Ăn thịt cừu tái, tiết canh dê, bị ấu trùng sán dây chó chui vào phổi
Sau nhiều lần ăn thịt cừu tái, tiết canh dê, gỏi cá, người đàn ông 38 tuổi ở Hà Nam xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở.
Ngày 11/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nam bị nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi. Đây là trường hợp rất hiếm gặp tại Việt Nam.
Theo lời kể của bệnh nhân, anh đã ăn các thực phẩm tái hoặc sống nhiều lần như: thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai. Thời gian gần đây, anh phát hiện tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở, không sốt, không ho và tìm đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy anh bị tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải, kích thước 12x9x8cm. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt nang dịch cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Văn Hoàng – Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tổn thương trong mổ là một nang dịch kích thước lớn, các bác sĩ bất ngờ khi bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định ấu trùng sán dây chó.
Bệnh sán dây chó là bệnh gây ra bởi các loài sán thuộc giống Echinococcus, có khoảng 10 loài, trong đó 2 loài gây bệnh chính ở người là: E. granulosus và E. multilocularis. Loài E. granulosus gây tổn thương thể nang nước, loài này có vật chủ chính là chó nuôi, chó hoang...; vật chủ trung gian là loài động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu.
Bệnh có đặc điểm là phát triển chậm, trong một thời gian dài có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các nang sán hay gặp ở gan, sau đó là phổi và các cơ quan khác như thận, lách, tim, tổ chức thần kinh hoặc xương.
Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm ấu trùng sán dây chó và có thể bị nhiễm nếu ăn phải trứng sán dây chó. Người mắc bệnh do nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán dây chó, hoặc người sau khi có tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh.
Để phòng bệnh, BS Hoàng khuyến cáo người dân thực hiện tốt ăn chín, uống sôi và tránh tiếp xúc phân chó, chú ý vấn đề rửa tay sạch sẽ.
Cắt đường lây truyền bằng cách không cho chó ăn các phủ tạng chưa được nấu chín; đốt hoặc chôn sâu các phủ tạng của vật chủ trung gian bị chết; tẩy sán định kỳ cho đàn chó có nguy cơ cao, giảm số lượng cá thể đàn.
Đối với người dân từng sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành, ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng Echinococcus, cùng với các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng đôi khi ho máu, cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.