An toàn bệnh viện vẫn nhức nhối
An ninh, an toàn tại bệnh viện là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, thậm chí đã không ít lần là điểm nóng của dư luận, thế nhưng, những vụ hành hung nhân viên y tế vẫn xảy ra.
Liên tiếp các vụ hành hung nhân viên y tế
Gần đây nhất, tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra vụ việc 2 nữ nhân viên của Trạm Y tế xã bị người nhà bệnh nhân hành hung. Theo xác nhận của lãnh đạo Trạm y tế, khoảng 18h ngày 7/12, trạm tiếp nhận một bệnh nhân nữ có biểu hiện hạ canxi. Người này đi cùng 3 người đàn ông. Lúc này, y sĩ N.T.K.H. (nhân viên y tế của trạm) thực hiện đo huyết áp, lấy thuốc hạ canxi để bệnh nhân uống trong khi nữ điều dưỡng trực chuẩn bị truyền nước biển.
Trong lúc đang tất bật cấp cứu thì Trần Văn M. (người đi cùng bệnh nhân) yêu cầu y sĩ H. lấy một ly nước. Nữ y sĩ đang khám cho người bệnh nên nói M. tự đi lấy nước cho người nhà. Bất ngờ nam thanh niên này xông vào tát y sĩ H.. Quá hoảng sợ, chị H. liền ra ngoài lấy nước đồng thời gọi điện thoại báo công an.
Thấy bệnh nhân khóc lớn, cho rằng nhân viên y tế chậm cấp cứu, M. tiếp tục hành hung y sĩ H., hăm dọa đòi giết hết nhân viên ở đây. Lúc này, Trương Tấn P. là chồng bệnh nhân cũng tham gia vụ hành hung. Nữ điều dưỡng trực vào can ngăn cũng bị đánh. Sau khoảng 10 phút, cả 2 nhân viên y tế chạy thoát ra ngoài, còn M. ở trong phòng bệnh tiếp tục đập phá đồ đạc của trạm.
Được biết, sau vụ hành hung, cả 2 nhân viên y tế đều hoảng loạn, được chăm sóc sức khỏe tại chỗ với vết sưng ở mặt, vùng đầu, vai và chân.
Một vụ việc khác cũng xảy ra trong thời gian gần đây tại Bệnh viện đa khoa Medic Bình Dương, theo thông tin từ bệnh viện, vào khoảng 13h30 chiều ngày 8/11, 1 gia đình gồm bố, mẹ và người chú bé trai 2 tuổi đến bệnh viện Medic để thăm khám do bé bị sốt. Trong lúc nữ điều dưỡng trưởng N.T.P. chuẩn bị khám cho bé thì bất ngờ bị người chú của bé này xô đẩy, dùng tay đánh mạnh vào vùng vai khiến chị P. ngã về phía trước. Thấy vậy, một số người đứng xung quanh đã lại can ngăn, không cho người này tiếp tục hành hung nữ điều dưỡng. Đáng nói, theo lời kể từ nữ điều dưỡng bị hành hung, tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhân viên y tế này và người nhà bệnh nhân chưa có bất kì giao tiếp nào trước đó để dẫn tới mâu thuẫn, nữ điều dưỡng cũng không hiểu lý do vì sao bị hành hung trong khi đang thực hiện đúng quy trình thăm khám bệnh.
Thực tế cho thấy, dù các cơ sở y tế đã dùng không ít các biện pháp tăng cường công tác an ninh bệnh viện, đặc biệt sau rất nhiều vụ việc hành hung nhân viên y tế khiến dư luận quan tâm trong 1 năm gần đây, tuy nhiên, an toàn của các nhân viên y tế vẫn chưa được đảm bảo. Đáng lo ngại hơn khi không ít nhân viên y tế bày tỏ, những vụ việc hành hung được xã hội biết đến mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
TS. BS Lê Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Đúng là những vụ bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung bằng bạo lực gây lên sự quan tâm và bất bình rất lớn trong dư luận, tuy nhiên, thực tế là nhân viên y tế có thể gặp phải bạo hành bằng nhiều cách, có thể bằng hành động, có thể bằng lời nói. Đây đều là những vấn đề không phải là mới và cũng không phải là chỉ ở một vài cơ sở y tế nhất định. Thậm chí những bệnh viện tuyến trung ương cũng đã từng gặp những trường hợp như vậy”.
Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành
Theo thống kê từ Bộ Y tế, về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, 70% bác sĩ là đối tượng bị tấn công chủ yếu và 15% là điều dưỡng. Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%).
PGS. TS Nguyễn Văn Chi - nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Câu chuyện xung đột, hành hung, tấn công nhân viên y tế gần như là câu chuyện thường trực của bác sĩ, điều dưỡng tại trung tâm, khoa Cấp cứu. Sự xung đột dễ xảy ra khi ai cũng lo lắng cho người nhà của mình, mong muốn người nhà được các nhân viên y tế chăm sóc, cứu chữa kịp thời nhưng không hiểu hay không chấp nhận rằng, đối với nhân viên y tế cấp cứu, chúng tôi hoạt động chuyên môn theo nguyên tắc ưu tiên, cách bố trí ưu tiên thứ tự cấp cứu dựa vào phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng nhẹ, không ưu tiên theo thời gian vào viện. Nếu phá vỡ nguyên tắc này, nguồn lực y tế sẽ không được tập trung bởi có những bệnh nhân cần nhân viên y tế can thiệp ngay lập tức, thời gian lúc này là vàng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết triệt để được vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp của rất nhiều cấp ngành, đối tượng, nhưng trước hết vẫn là nâng cao văn hóa ứng xử giữa mỗi người. Bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với các y bác sĩ không nên quá nôn nóng mà có những lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực, bởi hơn ai hết họ biết rõ tình trạng bệnh nhân và sẽ có những chỉ định phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần cải thiện quy trình, thủ tục thăm khám tinh gọn hơn, cải thiện cung cách, thái độ phục vụ. Nhân viên y tế khi giao tiếp với người nhà cần mềm dẻo, linh hoạt… trong các tình huống.
Chuyên gia y tế nhận định, khi xảy ra một vụ việc hành hung nhân viên y tế, đặc biệt tại khu vực cấp cứu thì sẽ là vấn đề vô cùng nguy hiểm tới không chỉ bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng cho tất cả các bệnh nhân đang cần sự trợ giúp y tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-toan-benh-vien-van-nhuc-nhoi-5704684.html