An toàn cho không gian xanh ở TP HCM: Chuẩn hóa quy định, kỹ thuật chăm sóc cây xanh

Rà soát, định hướng chủng loài cây trồng, chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố, xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh... để hệ thống cây xanh đô thị an toàn, mỹ quan và bền vững

Hiện một số quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa phù hợp; cách trồng, chăm sóc cây chưa được chuẩn hóa… là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị.

Quy định chưa đầy đủ

Theo PGS-TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị - Trường Đại học Lâm nghiệp, việc trồng, chăm sóc cây xanh đô thị hiện nay căn cứ quy định tại Thông tư số 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý cây xanh đô thị và Tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị (TCVN 9257:2012). Tuy nhiên, các văn bản này chỉ mới quy định khoảng cách vị trí gốc cây khi trồng tới các công trình. "Hướng dẫn như vậy là chưa đủ để bảo đảm sự an toàn đối với cây xanh trong mối liên hệ giữa cây xanh và công trình trong đô thị" - PGS Hà nói.

Để bảo đảm an toàn cả về cây xanh và công trình, PGS-TS Đặng Văn Hà cho rằng khi thiết kế trồng cây trong đô thị, không chỉ quan tâm khoảng cách tối thiểu của vị trí gốc cây mà còn phải quan tâm chiều cao và đường kính tán tối đa của cây, chiều cao phân cành, hướng phân cành, đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây trồng đó. Đây là cơ sở cho công tác duy trì, chăm sóc cây xanh sau này.

Việc chỉ mới quy định khoảng cách vị trí gốc cây khi trồng tới các công trình là nguyên nhân cây bóng mát trong các đô thị ở nước ta sau khi trồng khoảng 20 năm trở lên dễ phát sinh những vấn đề liên quan an toàn. Bởi chiều cao cây quá cao, tán lá quá lớn, cây phát triển không cân đối.

Cũng theo PGS-TS Đặng Văn Hà, đối với cây đường phố trồng mới, để cây có bộ rễ phát triển khỏe mạnh cũng cần có quy định về đất trồng cây phải bảo đảm yêu cầu về dinh dưỡng, độ tơi xốp để rễ cây dễ phát triển.

Theo kinh nghiệm trồng cây đường phố ở nước ngoài, dải đất trồng cây ven đường cần có độ rộng tối thiểu 2 m, đất cần bảo đảm dinh dưỡng, tơi xốp, không bị ảnh hưởng bởi lu lèn làm bề mặt vỉa hè. Những cây có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 10 m, cự ly gốc cây khi trồng cách mép vỉa hè tối thiểu 1 m; cây có chiều cao 10 - 15 m, cự ly gốc cây khi trồng cách mép vỉa hè tối thiểu 1,5 m; cây có chiều cao từ trên 15 - 20 m, cự ly gốc cây khi trồng cách mép vỉa hè từ 2 - 2,5 m. Cây đường phố chiều cao không nên quá 25 m, đường kính tán nên duy trì từ 10 - 15 m.

Các cây xanh lâu năm trong Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) được tổng kiểm tra, tỉa nhánh vào giữa tháng 8-2024 Ảnh: ÁI MY

Các cây xanh lâu năm trong Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) được tổng kiểm tra, tỉa nhánh vào giữa tháng 8-2024 Ảnh: ÁI MY

Rà soát, định hướng chủng loài cây trồng

Sở Xây dựng TP HCM cho biết trong Chương trình Phát triển công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND TP HCM ban hành, mục tiêu đối với hệ thống cây xanh đô thị là an toàn, mỹ quan và bền vững. Đơn vị này cho biết yếu tố an toàn được chú trọng đặt lên hàng đầu. Để đáp ứng các mục tiêu này, Sở Xây dựng đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như: rà soát, định hướng chủng loài cây trồng các tuyến đường trên địa bàn thành phố; tổ chức chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh; xây dựng, điều chỉnh một số hướng dẫn, quy định kỹ thuật chuyên ngành.

Cây xanh phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của thành phố. Trong đó, tập trung lựa chọn các loài cây phù hợp với không gian hẹp. Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của một số loài cây xanh để lựa chọn loài cây phù hợp điều kiện, đặc điểm, mục tiêu của từng khu vực cần trồng.

Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý cây xanh đường phố. Theo đó, đối với công tác quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng các dự án trong đô thị phải đặc biệt chú trọng và lưu ý xét đến việc bảo tồn, giữ gìn hài hòa cây xanh đường phố. Cần định hướng các kế hoạch cải tạo, chỉnh trang cây xanh đường phố để thay thế dần cây hư hại, khiếm khuyết, cây thuộc danh mục cấm trồng, trong đó lưu ý việc cải tạo, thay thế dần hệ thống cổ thụ với tuổi đời già cỗi có xét đến giải pháp bảo tồn phù hợp đối với một số cá thể, quần thể cây xanh đặc trưng, tiêu biểu của thành phố.

Cũng theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, cần chuẩn hóa kỹ thuật chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đường phố, chuẩn hóa quy định pháp lý… là các giải pháp quản lý hữu hiệu trong điều kiện hiện nay. Điển hình như tập huấn chuyên môn chăm sóc cây xanh, tăng cường trang thiết bị chuyên ngành, thực hiện số hóa đối với công tác quản lý...

(Còn tiếp)

Làm sao để trồng cây đúng cách?

Theo PGS-TS Đặng Văn Hà, để trồng cây đúng cách, đầu tiên là chọn được loài phù hợp với đặc điểm môi trường và không gian của nơi trồng, ưu tiên những loài có phân bố tự nhiên trong vùng sinh thái đó. Tiếp theo, cây giống nên được ươm tạo ở vườn ươm có bộ rễ khỏe mạnh, tán lá cân đối, chiều cao phân cành phù hợp, cành phân bố đều, đường kính chỉ nên từ 6 - 10 cm, chiều cao vút ngọn từ 4,5 - 5,5 m.

Cây giống trước khi đưa ra trồng được bứng ươm trong bầu nhựa khoảng 6 tháng đến 1 năm. Hạn chế trồng cây lớn (có đường kính hơn 15 cm) được đào trực tiếp từ vườn hoặc từ rừng, cành lá không có, chỉ có thân chính đưa vào trồng trong đô thị như hiện nay. Những cây như vậy sau khi trồng một thời gian nguy cơ dẫn đến rủi ro sẽ cao.

Khoảng cách trồng cây được xác định linh hoạt theo đặc điểm không gian của nơi trồng, sinh trưởng của cây và thiết kế quy định chiều cao, kích thước tán lá khi cây trưởng thành. Đối với cây đường phố, khi trưởng thành tán lá giữa các cây nên có sự đan xen vào nhau để tăng khả năng cho bóng mát và chống chịu với gió bão.

LÊ VĨNH - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/an-toan-cho-khong-gian-xanh-o-tp-hcm-chuan-hoa-quy-dinh-ky-thuat-cham-soc-cay-xanh-196240822203306467.htm