An toàn dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại sự kiện Vietnam Security Summit 2023 ngày 2-6 tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, gần đây, lực lượng chức năng đã khởi tố 5 vụ với hàng tỷ thông tin cá nhân bị mua bán. Những dữ liệu bị thu thập, mua bán chứa thông tin về cá nhân người dùng như: Họ tên, ngày sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, đơn vị công tác...Từ những thông tin cá nhân nêu trên, tội phạm sử dụng vào mục đích lừa đảo; đòi nợ thuê, đòi tiền chuộc; làm bàn đạp tấn công, đe dọa, chiếm đoạt dữ liệu chứa nội dung bí mật nhà nước về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Có thể thấy, thông tin cá nhân đang là một thứ tài sản quý, một loại hàng hóa hấp dẫn mà rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức tội phạm, những kẻ xấu muốn mua bán, khai thác, sử dụng để trục lợi. Việc lộ, lọt các thông tin, dữ liệu cá nhân tưởng như chỉ gây hại cho cá nhân, nhưng cũng có thể tạo ra rủi ro lớn cho cơ quan, đơn vị, cộng đồng, quốc gia nếu những cá nhân bị lộ, lọt thông tin giữ cương vị quan trọng. Thậm chí câu chuyện sẽ trở thành vấn đề an ninh quốc gia khi toàn bộ dữ liệu dân cư bị lọt ra nước ngoài.

 Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân. Ảnh: dangcongsan.vn

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân. Ảnh: dangcongsan.vn

Dự thảo Luật Căn cước vừa được trình ra Quốc hội quy định 24 thông tin của công dân sẽ được tích hợp từ họ tên, ngày sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, nhóm máu cho tới các thông tin về cha mẹ, vợ, chồng, con, tình trạng hôn nhân, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử và các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành... Như vậy, các trường dữ liệu này bao gồm những thông tin khá cơ bản về một con người, đặt ra việc những đối tượng nào được khai thác các thông tin này, khai thác trong trường hợp nào, công tác kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Theo dự thảo Luật Căn cước thì các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, phải chăng quy định như vậy là rộng, khá chung chung và có nguy cơ tạo ra rủi ro, vì có rất nhiều cá nhân trong các cơ quan, tổ chức nói trên sẽ có quyền truy cập thông tin của bất cứ ai trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Do vậy, có lẽ cần phải có những quy định cụ thể về người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức được truy cập hoặc cho phép truy cập dữ liệu quốc gia về dân cư, việc khai thác dữ liệu cũng nên ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất công việc của cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, cần phải có cách kiểm tra, kiểm soát nhằm biết được là ai đã truy cập dữ liệu để xác định được nguyên nhân khi dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, gây tác động xấu.

Bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư là vấn đề cơ bản của quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Chính vì thế, các khía cạnh liên quan đến nội dung này cần được bàn thảo thận trọng, toàn diện để có quy định phù hợp.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/an-toan-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-730127