An toàn giao thông cho xe máy: Cần quy định 'cứng' và kỹ năng 'mềm'
Khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT), người ngồi trên xe máy vẫn là nạn nhân tử vong chủ yếu. Tình trạng này đòi hỏi cấp thiết phải tiếp tục có các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) với người điều khiển xe máy.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Trảng Bom kiểm tra nồng độ cồn người lái xe máy trên đường Nguyễn Hoàng (thị trấn Trảng Bom). Ảnh: Minh Thành
Hiện nay, xe máy đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân với hơn 77 triệu xe được đăng ký trên toàn quốc.
Vẫn còn chủ quan khi ra đường
Hàng ngày, khi di chuyển bằng xe ô tô trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa như: Phạm Văn Thuận, Võ Thị Sáu…, nhiều tài xế không ít lần “thót tim” khi có người điều khiển xe máy đột ngột sang đường hoặc chuyển hướng. Thậm chí, tình trạng người điều khiển xe máy chạy lấn vào làn dành cho xe ô tô trên đường Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 51 (đều có dải phân cách tách riêng làn xe máy và ô tô) không phải là điều hiếm gặp. Việc này gây mất ATGT và tiềm ẩn nguy cơ TNGT với chính người điều khiển xe máy cũng như các phương tiện xung quanh.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, dù là phương tiện đi lại chính và có nhiều ưu điểm nhưng xe máy cũng có những nhược điểm như: độ tiện nghi và tính năng an toàn không cao như xe ô tô... Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65-70% số vụ TNGT trên toàn quốc.
Trên thực tế, tại Đồng Nai, trong thời gian gần đây đã có không ít vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra liên quan người điều khiển xe 2 bánh với phần lớn là các tình huống chuyển hướng đột ngột hoặc đi từ trong đường nhánh ra.
Gần đây nhất, sáng 6-2, xe máy biển số 60B9-635.02 chuyển hướng đột ngột tại vòng xoay ngã tư Tân Phong (thành phố Biên Hòa) rồi va chạm với xe tải biển số 92H-006.19 đang đi thẳng khiến một phụ nữ ngồi trên xe máy tử vong tại chỗ. Trước đó, vào trưa 5-2, trên đường Thân Nhân Trung (thành phố Biên Hòa), xảy ra vụ TNGT giữa 2 xe máy biển số 60F3-996.66 và 60V2-5097, khiến người đàn ông điều khiển xe máy biển số 60V2-5097 tử vong tại chỗ.
Ngoài ra, thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25-1 đến ngày 2-2), lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tạm giữ hơn 1,4 ngàn xe máy vi phạm. Một số hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy nổi lên là: vi phạm nồng độ cồn (hơn 300 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (gần 200 trường hợp)…
Vào ngày 12-2, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động chiến dịch tuyên truyền “Đã uống rượu bia không lái xe” và “Không giao xe cho người chưa đủ điều kiện”. Chiến dịch nhằm tuyên truyền đến các bậc phụ huynh bảo đảm chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện, kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn; đồng thời, gửi gắm một lời nhắc nhở cấm lái xe khi đã uống rượu bia và cảnh tỉnh mạnh mẽ về cái giá phải trả cho việc lái xe khi uống rượu bia.
Chú trọng kỹ năng lái xe máy an toàn
Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Lê Kim Thành, xe máy hiện nay là phương tiện đi lại chủ yếu của phần lớn người dân Việt Nam. Do sự phổ biến của loại phương tiện này, việc gấp rút triển khai các giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy là vấn đề có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao ATGT tại Việt Nam.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa kiểm tra người điều khiển xe máy di chuyển qua khu vực cầu Bửu Hòa (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Chính vì vậy, ngày 12-2, tại Thủ đô Hà Nội, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam - những thách thức và bài học kinh nghiệm. Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã nêu lên các yếu tố rủi ro chính gây thương tích khi va chạm xe máy như: không đội mũ bảo hiểm, xe đang di chuyển tốc độ cao, người điều khiển sử dụng rượu bia…
Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh kiến nghị các cơ quan quản lý giao thông cần cải thiện điều kiện tham gia giao thông cho người đi xe máy (hạ tầng giao thông, tăng cường kiểm soát giao thông, đào tạo kỹ năng lái xe an toàn…); đồng thời, cập nhật chương trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe máy sát thực tế. Đặc biệt, ngành giáo dục cần nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định, quy trình giáo dục, đào tạo về ATGT trong trường học đối với học sinh.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đang tăng cường tuần tra kiểm soát, thực hiện cao điểm đảm bảo ATGT kéo dài từ ngày 15-12-2024 đến hết ngày 14-2-2025. Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, lực lượng chức năng cũng tích cực tuyên truyền đến người điều khiển xe máy các quy định mới khi tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt là mức phạt mới theo Nghị định số 168/NĐ-CP/2024 ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (có hiệu lực từ ngày 1-1).