An toàn phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự cố cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch của UBND tỉnh về mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra liên ngành về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao, khu dân cư (KDC), hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD), thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC đối với KDC, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD.

Lực lượng cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Thực hiện Kế hoạch số 151/KH-BCA-C07 ngày 12-4-2021 của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp SXKD trên địa bàn tỉnh. Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác PCCC vận dụng cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đến từng cơ sở, hộ gia đình.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24.109 hộ gia đình không đảm bảo tối thiểu 2 lối thoát nạn, cần phải mở lối thoát nạn thứ 2. Trong đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch số 151 của Bộ Công an, 100% số hộ gia đình trên đã được tuyên truyền, kiểm tra và ký cam kết thực hiện. Đến nay đã vận động được 23.221 hộ gia đình phá dỡ lồng sắt, chuồng cọp tạo lối thoát nạn thứ 2 (đạt tỷ lệ 96,32%); vận động được 76.384 hộ gia đình tự trang bị phương tiện PCCC và CNCH.

Trong quá trình triển khai thực hiện, lực lượng Công an tỉnh đã xây dựng và duy trì, nhân rộng nhiều mô hình bảo đảm an toàn PCCC và CNCH như: “KDC an toàn PCCC”, “Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn về PCCC; phát động các phong trào toàn dân PCCC như: “Cụm doanh nghiệp an toàn về PCCC” tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga, “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Một ngày là lính chữa cháy cho thanh, thiếu nhi”, “Tuyên truyền, vận động người dân tự giác gỡ bỏ lồng sắt, chuồng cọp tạo lối thoát nạn thứ 2”... Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đến từng cơ sở, hộ gia đình. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức về PCCC của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người dân và người đứng đầu cơ sở.

Công tác kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH cũng được đặc biệt quan tâm. Công an các cấp đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD và cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao theo địa bàn quản lý; kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với KDC. Kết quả, từ ngày 15-4-2021 đến ngày 30-3-2022, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 22 cơ sở, yêu cầu thực hiện và khắc phục 92 thiếu sót về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp, phạt tiền 153,6 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện tiến hành kiểm tra 582 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao, đề nghị thực hiện 1.585 nội dung về PCCC, xử phạt 45 trường hợp, phạt tiền 92 triệu đồng; kiểm tra 909 lượt đối với cơ sở nhà để ở kết hợp SXKD, lập 909 biên bản kiểm tra, yêu cầu thực hiện 2.897 nội dung về PCCC, xử phạt 14 trường hợp, phạt tiền 56,4 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cấp xã tiến hành hướng dẫn, kiểm tra 963.431/963.431 hộ gia đình, 34.197/34.197 nhà để ở kết hợp SXKD, lập 997.628 biên bản kiểm tra, yêu cầu thực hiện 41.989 nội dung về PCCC, xử phạt 46 trường hợp, phạt tiền 155,2 triệu đồng.

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với nhà để ở kết hợp SXKD, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC nói chung, PCCC KDC, gia đình, nhà ở kết hợp SXKD nói riêng, trong đó lấy công tác phòng cháy là chính, chiến lược, cơ bản, lâu dài và chữa cháy là trọng tâm, thường xuyên và cấp bách; huy động các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, người dân tham gia PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; rà soát, tổng hợp, nhân rộng mô hình, cách làm hay, bảo đảm đi vào thực chất và có giao chỉ tiêu cụ thể... từ đó ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thấp nhất số vụ và thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.

Bài và ảnh: Quang Nhật

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/an-toan-phong-chay-chua-chay-tai-ho-gia-dinh-nha-de-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh/157288.htm