An toàn thực phẩm để xuất khẩu

Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu, đòi hỏi phải chuẩn hóa các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Với tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp An Giang, việc tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng VSATTP đối với hàng nông sản xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và gần đây là các hiệp định thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cam kết về biện pháp ATTP và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong các hiệp định này được đánh giá là có phạm vi rộng và mức độ cao đối với Việt Nam. Đặc biệt, khi các dòng thuế đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam được cắt giảm về 0% theo cam kết, thì các yêu cầu kỹ thuật của SPS cũng sẽ ngày càng cao, đòi hỏi cả hệ thống quản lý phải được nâng cấp, kiện toàn đồng bộ. Chính vì thế, việc đẩy mạnh xuất khẩu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính người sản xuất - kinh doanh, cùng với chính sách của Chính phủ, để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới.

An Giang, tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giá trị sản phẩm lúa hàng hóa. Tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nông dân “nói không với hóa chất”, thay đổi tập quán canh tác, hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ưu điểm của mô hình là tạo sản phẩm an toàn cho NTD, từng bước góp phần xây dựng được thương hiệu lúa, gạo sạch An Giang trên thị trường, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu cho địa phương, tăng thu nhập cho nông hộ.

Công ty Antesco xúc tiến thương mại tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống (Worldfood Moscow 2024), Liên Bang Nga

Công ty Antesco xúc tiến thương mại tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống (Worldfood Moscow 2024), Liên Bang Nga

Điển hình như nông dân Nguyễn Hồng Nhã (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) canh tác 1,5ha lúa theo hướng hữu cơ, do Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Kết quả sản xuất, đã giảm 50 - 60% lượng giống gieo sạ, giảm hơn 30% lượng phân bón, thuốc hóa học so canh tác truyền thống, hạn chế được sâu bệnh. Đặc biệt, tăng năng suất lúa, lợi nhuận bình quân tăng hơn 20% so sản xuất đại trà.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) mang thương hiệu Việt tới Hội chợ Quốc tế về thực phẩm đồ uống (Worldfood Moscow 2024), tại Liên Bang Nga và Hội chợ Thương mại quốc tế nhãn hàng riêng về thực phẩm và đồ uống (World of Private Label International Trade Show) tại Chicago (Hoa Kỳ). Tại đây, Antesco đã ký kết nhiều hợp đồng thương mại.

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “Antesco đã hợp tác với 1 đối tác tại Nga đưa mặt hàng, như: Xoài, khóm và chanh dây của công ty vào chuỗi siêu thị X5 - chuỗi siêu thị số 1 và cao cấp nhất của Nga. Với Antesco, việc hợp tác này mở ra cơ hội rất lớn để sản phẩm công ty phủ tại thị trường Nga ngay năm 2024. Còn tại Chicago (Hoa Kỳ), Antesco xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, như: Thanh long đỏ, xoài, đậu nành Nhật… Đây là những sản phẩm đã khẳng định thương hiệu của công ty tại thị trường Hoa Kỳ, với sản lượng xuất khẩu tương đương 12.000 tấn/năm”.

Nhiều năm chinh phục thị trường thế giới, để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng: “Vùng trồng ổn định, doanh nghiệp (DN) mới an tâm đi chinh phục thị trường. Sự đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn nông sản, trong đó có tiêu chuẩn về kiểm soát dư lượng thuốc, buộc DN phải đáp ứng. Điều đáng mừng, nông dân An Giang - vùng trồng của Công ty Antesco ngày càng tham gia và tuân thủ rất tốt quy trình canh tác, bón phân thuốc cho các cây trái, rau do công ty bao tiêu. Điều này, giúp chúng tôi vững tin tiếp tục chinh chiến với các đối thủ trên thế giới với sản phẩm chất lượng và an toàn”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, để đưa ra thị trường những sản phẩm rõ nguồn gốc, cùng với hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, cơ quan chuyên môn cũng chú trọng kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên, sức khỏe NTD bảo đảm. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 495 mã số vùng trồng, với tổng diện tích vùng trồng gần 17.305ha. Trong đó, lúa có 163 mã số, với diện tích 9.623,37ha; cây ăn trái có 322 mã số, với diện tích 7.626,71ha; rau màu có 9 mã số, với diện tích 53,54ha và 1 mã số cây dược liệu (cây chúc) với diện tích 1ha. Nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài các vùng nguyên liệu VietGap, GlobalGAP… ký kết, liên kết bao tiêu với DN, tỉnh còn nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ATTP…

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-toan-thuc-pham-de-xuat-khau-a411583.html