Làm sao để bảo hiểm nông nghiệp thực sự là bệ đỡ cho nông dân Việt?

Phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm bảo vệ nông dân trước thiên tai và rủi ro đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Bảo hiểm Agribank (ABIC). Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều thách thức cần tháo gỡ để bảo hiểm nông nghiệp thực sự phát huy vai trò 'tấm lá chắn' của mình.

Tại Hội thảo “Để bảo hiểm nông nghiệp đồng hành bền vững cùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn” vừa qua, ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank (ABIC) nhận định: “Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, nhưng cả bảo hiểm thương mại lẫn bảo hiểm có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Điều này khiến lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang đối mặt với những rủi ro lớn khi phải chịu tác động nặng nề từ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Những con số biết nói

Ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2006, ABIC đã không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, khai thác lợi thế của hệ sinh thái Agribank để phát triển hơn 100 sản phẩm bảo hiểm hướng tới khu vực Tam Nông (nông nghiệp – nông dân – nông thôn). Các sản phẩm này bao gồm bảo hiểm tính mạng, tài sản thế chấp và bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, doanh thu phí bảo hiểm của ABIC đạt trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm, với 95% khách hàng là các hộ nông dân, tương đương 3 triệu hộ gia đình.

Điều đáng chú ý là mỗi năm ABIC chi trả hơn 700 tỷ đồng bồi thường thiệt hại do thiên tai, giúp hàng trăm nghìn hộ dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng chung, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp vẫn ở mức rất thấp.

Một minh chứng rõ ràng là thiệt hại từ cơn bão Yagi vừa qua. Theo thống kê của Agribank, 28.200 khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng từ bão với tổng dư nợ bị thiệt hại trực tiếp lên tới 14.600 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 130 khách hàng được bồi thường bảo hiểm, tương ứng với 0,65% tổng dư nợ bị thiệt hại.

“Điều này đồng nghĩa với việc hơn 99% dư nợ thiệt hại chưa được bảo vệ, dẫn đến nguy cơ lớn trở thành nợ xấu và đặt gánh nặng lên ngân sách nhà nước khi phải hỗ trợ tái thiết sản xuất”, ông Đỗ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Tỉ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp vẫn ở mức thấp

Tỉ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp vẫn ở mức thấp

Chính sách chưa đủ hấp dẫn

Một trong những nguyên nhân chính khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa phát huy được vai trò là do chính sách hỗ trợ hiện hành còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP, các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm, nhưng các tổ chức sản xuất quy mô lớn chỉ nhận được mức hỗ trợ 20%. Điều này chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Hơn nữa, phạm vi đối tượng bảo hiểm vẫn còn hạn chế, chỉ tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi như lúa, cà phê, trâu, bò, tôm và cá tra. Các yếu tố quan trọng khác như tài sản, máy móc hay con người vốn là nền tảng của sản xuất bền vững lại không nằm trong danh mục được hỗ trợ.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, thủ tục tham gia bảo hiểm cũng là một rào cản lớn. Để nhận được hỗ trợ, nông dân phải nộp nhiều giấy tờ chứng minh thuộc diện nghèo, cận nghèo và chờ đợi xét duyệt. Quá trình này vừa mất nhiều thời gian vừa không đảm bảo kịp thời khi thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, nhận thức của nông dân về bảo hiểm còn chưa cao. Khi gặp rủi ro, họ thường trông chờ vào các gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn là chủ động tham gia bảo hiểm. “Chúng ta cần thay đổi tư duy này. Bảo hiểm không chỉ là công cụ chia sẻ rủi ro mà còn là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định.

Không chỉ người dân, theo ông Đỗ Minh Hoàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp nhiều thách thức khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Chi phí quản lý cao, thủ tục giám định thiệt hại phức tạp, và mức phí thu được thấp khiến các công ty bảo hiểm e ngại đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.

Phạm vi đối tượng bảo hiểm còn hạn chế

Phạm vi đối tượng bảo hiểm còn hạn chế

Trước thực trạng trên, ông Đỗ Minh Hoàng đề xuất cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm, mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hiểm, bao gồm cả tài sản, máy móc và con người. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị, để khuyến khích hiện đại hóa nông nghiệp.

Một giải pháp quan trọng khác được đưa ra là xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro thiên tai. Quỹ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khi xảy ra các sự cố vượt ngưỡng tài chính của họ, từ đó giảm bớt áp lực và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Hoàng cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc tối ưu hóa quy trình bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cần ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để tự động hóa quy trình giám định, giảm chi phí quản lý và tăng tính minh bạch. Việc phát triển các ứng dụng di động cũng sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin bảo hiểm và thực hiện các thủ tục nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, việc tăng cường liên kết chuỗi giá trị cũng là giải pháp cần thiết. Ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, nhà cung cấp vật tư và các đơn vị chế biến cần phối hợp chặt chẽ để tạo thành một hệ sinh thái khép kín, đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định cho nông dân. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp người dân yên tâm tham gia bảo hiểm.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ bảo hiểm nguồn vốn Agribank từ 18% lên 30-50% trong 5 năm tới, ABIC kỳ vọng sẽ bảo vệ khoảng 5 triệu cá nhân, hộ gia đình và hơn 10.000 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn tín dụng được bảo hiểm lên tới 1 triệu tỷ đồng.

“ABIC cam kết đồng hành bền vững cùng Tam Nông, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn thúc đẩy chính sách tín dụng nông nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Đỗ Minh Hoàng chia sẻ.

Phùng Xuân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/lam-sao-de-bao-hiem-nong-nghiep-thuc-su-la-be-do-cho-nong-dan-viet-132629.html