An toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh
Hiện nay, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất không bảo đảm, cùng với ý thức của tiểu thương và thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân còn hạn chế… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) thực phẩm đã qua chế biến được bày bán cùng thịt lợn sống. (Ảnh chụp ngày 6.7.2021)
Chợ Ché thuộc địa phận xã Dị Chế (Tiên Lữ) là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong xã và các địa phương lân cận. Chợ được chia thành nhiều khu bán hàng, từ khu bán hoa quả, rau củ, đồ khô đến thực phẩm tươi sống và chế biến... Do được xây dựng từ lâu nên chợ đã xập xệ, nền chợ ẩm thấp, đọng nước khi trời mưa. Khu vực bán thịt lợn được chia thành từng quầy có lắp chậu inox và vòi nước, song ít tiểu thương dùng đến, cáu đen vì bụi bẩn và mỡ bám lâu ngày; thực phẩm đã qua chế biến như giò, chả, mọc, xúc xích… được đặt ngay cạnh thịt sống mà không có tủ bảo quản riêng hay lớp bọc bảo vệ bên ngoài. Tại khu bán cá, hải sản, nhiều loại hải sản đông lạnh phải bảo quản trong tủ đông với điều kiện nhiệt độ ổn định mới bảo đảm an toàn cho sản phẩm lại được trưng bày trên thùng xốp, với nhiệt độ ngoài trời nóng bức, ruồi bu, nhặng đậu... Khu bán hàng ăn sẵn như bún, chè…, không gian chật hẹp, vệ sinh dụng cụ chứa thức ăn chưa được các chủ hàng quan tâm. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều người tiêu dùng là muốn mua những loại gia cầm, thủy, hải sản đã được làm sẵn nên hầu hết chủ hàng đều có dịch vụ làm ngay tại điểm bán. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mất ATTP. Tại khu vực bán gia cầm ở chợ Chiều (Tiên Lữ), dù được bố trí ở cuối chợ nhưng mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm bốc lên khó chịu. Anh Tuyến, người chuyên kinh doanh gia cầm tại chợ cho biết: “Việc giết mổ gia cầm tại chợ tất nhiên không thể sạch sẽ như ở nhà vì diện tích chật hẹp, nước dùng hạn chế. Nhưng nếu chúng tôi không làm thì không thu hút được người mua”.
Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hưng Yên như chợ Hiến Nam, chợ Gạo, chợ Phố Hiến; chợ đầu mối Trần Cao (Phù Cừ), chợ Trương Xá (Kim Động)… những mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, gia vị, cá, tôm khô… thường được đóng trong các bao nilon không nhãn mác, người mua cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán.
Bên cạnh đó, nhiều người dân có thói quen mua thức ăn đã chế biến sẵn tại các chợ bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý và nhanh chóng, như vịt, gà nướng, thịt quay, nem, chạo, dưa, cà muối… Các mặt hàng này thường được chế biến và bày bán ở khu vực không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như vỉa hè, mặt đường, thu hút khá đông thực khách.
Không ít người chủ quan: “Chợ bán đa dạng thực phẩm, hàng hóa, giá cả phải chăng. Gia đình tôi bao nhiêu năm ăn thực phẩm mua tại chợ chưa thấy ngộ độc hay vấn đề gì nguy hiểm. Quan trọng là khi mua chú ý chọn lựa thực phẩm tươi, không ôi thiu”, anh Nguyễn Đức Cương ở xã Giai Phạm (Yên Mỹ) cho biết.
Hưng Yên hiện có 107 chợ (chưa kể chợ tạm, chợ cóc), tỷ trọng cung cấp hàng hóa chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại như: Hàng hóa tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng; thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Trong quá trình bán, nhiều người bán hàng không dùng bao tay khi chế biến, không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách khi giao tiếp với khách hàng; các loại rau, củ bày dưới nền đất...
Để bảo đảm vệ sinh ATTP tại các chợ, không chỉ cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của các tiểu thương; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm… mà người tiêu dùng cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng thực phẩm an toàn...
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202107/an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-dan-sinh-5da359f/