An toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: Đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt kiểm traTin khácTriển khai hóa đơn điện tử: Tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độBồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công

Để quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, siết chặt kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cho đến hỗ trợ hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.'Thời gian tới, chi cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác đảm bảo ATTP trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn'.

Nhằm góp phần đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã (HTX) thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đơn cử, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) thuộc Sở NN&PTNT đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho người dân tại các huyện, thành phố về sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất.

Thành viên HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát kiểm tra sâu bệnh trên rau

Thành viên HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát kiểm tra sâu bệnh trên rau

Cùng với đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân canh tác theo tiêu chuẩn an toàn nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Bà Nông Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Thực hiện đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi xác định trước tiên là tuyên truyền, hướng dẫn người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2021 đến nay, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tổ chức 37 lớp tập huấn lồng ghép cho hơn 1.600 người dân về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Đến nay, có 16,06 ha rau được chứng nhận VietGAP và 23,06 ha rau được người dân sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, chúng tôi tập trung phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, từ năm 2021 đến nay, Chi cục QLCLNLS&TS đã tổ chức 1 lớp tập huấn công tác quản lý chất lượng ATTP cho 48 học viên tham gia. Qua đó, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiêm nhiệm công tác ATTP tại các xã, phường, thị trấn; in và cấp phát trên 40.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về ATTP nông, lâm, thủy, sản cho các cơ sở có địa điểm cố định và cơ sở chế biến nhỏ lẻ.

Cùng với tuyên truyền, tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện thường xuyên, định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Trong đó, chi cục chú trọng lấy mẫy kiểm tra nhanh và lấy mẫu định lượng các nhóm sản phẩm thiết yếu, kiểm tra khâu sản xuất, chế biến tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã tiến hành lấy 904 mẫu để giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm… Qua kết quả kiểm tra và phân tích, có 51 mẫu không đạt ATTP. Đối với các mẫu không đạt quy định, chi cục gửi thông báo đến từng cơ sở, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, hằng năm, chi cục khảo sát, lựa chọn 5 doanh nghiệp, HTX để hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Theo đó, chi cục đã tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản và tiến hành thẩm định các điều kiện từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản cho tới tiêu thụ, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch cho sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX này… Kết quả, đến nay, toàn tỉnh đã có 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy chứng nhận.

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng và tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh ATTP, HTX luôn thực hiện nghiêm ngặt, ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch rau, củ. Hằng năm, Chi cục QLCLNLS&TS đều đến lấy mẫu kiểm tra, giám sát, qua kết quả đánh giá, sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều đảm bảo.

Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hiện nay, nhận thức của các HTX, chủ cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về ATTP ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Công Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS

HỒ DUNG

TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/501847-an-toan-thuc-pham-trong-linh-vuc-nong-nghiep-day-manh-tuyen-truyen-siet-chat-kiem-tra.html