An toàn thực phẩm Vấn đề hệ trọng

Những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã phanh phui nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh nguyên liệu làm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều này đang khiến người tiêu dùng hoang mang và là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng trong công tác đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Lợn nhiễm bệnh, chân gà không rõ nguồn gốc… làm thực phẩm

Ngày 22-7, Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Yên phối hợp tiêu hủy 81 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 21-7-2024, tổ công tác - Trạm Cảnh sát Giao thông Hàm Yên, thuộc thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa (Hàm Yên), thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông đã phát hiện xe tải mang biển số 29F-060.05 đi theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang vận chuyển 81 động vật (lợn thịt) có trọng lượng khoảng từ 70 - 90kg/con có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến hàng hóa, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan chuyên môn. Điều đáng nói là trong tổng số 81 con đã có 13 lợn con đã chết, bốc mùi hôi thối. Tổ công tác đã báo cáo Phòng Cảnh sát Giao thông để phối hợp Công an huyện Hàm Yên, Cục Quản lý thị trường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản lập biên bản và lấy mẫu hàng hóa gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương phân tích và xử lý. Kết quả 3/3 mẫu gửi đi đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho công nhân của Công ty TNHH May xuất khẩu MSA - YB Khu công nghiệp Long Bình An được giám sát chặt chẽ.

Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho công nhân của Công ty TNHH May xuất khẩu MSA - YB Khu công nghiệp Long Bình An được giám sát chặt chẽ.

Trực tiếp có mặt chứng kiến quy trình kiểm kê, vận chuyển, tiêu hủy tang vật, nhóm phóng viên không khỏi rùng mình. Bởi hầu hết số lợn đã có những biểu hiện rất rõ của bệnh dịch tả lợn châu Phi, là: xuất huyết trên các vị trí mắt, dưới bụng, sau tai, chảy, thoi thóp thở, nhiều con đã chết bốc mùi hôi.

Thông tin khai thác từ lái xe số hàng được mua tại 1 hộ dân ở xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) để đưa về Hà Nội chế biến thực phẩm như: Xúc xích, thịt lợn quay…cung ứng ra thị trường và bán tại các khu công nghiệp đông công nhân, người lao động. Riêng những con đã chết sẽ bán cho trang trại chăn nuôi cá sấu. Một câu hỏi đặt ra liệu những con lợn chết kia có chắc chắn để làm thức ăn cho cá sấu?

Trước đó, ngày 20-6, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh ông Nguyễn D.T tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Qua kiểm tra phát hiện 4.610 kg chân gà đông lạnh đã rút xương và 370 kg chân gà đông lạnh chưa rút xương không có tem, nhãn hàng hóa, không có thông tin, căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Chủ hộ kinh doanh cho biết: Hàng được nhập về để bán xỉ cho các quán ăn trong và ngoài khu vực. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ nguồn hàng và tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó ngày 18-3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên tiến hành kiểm tra xe tải do ông Phùng Văn Anh, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) điều khiển. Trên phương tiện này, lực lượng chức năng phát hiện có 31 bao tải dứa chứa tổng số 1,4 tấn mỡ lợn đông lạnh. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không xác định được nguồn gốc.

Theo Thống kê của Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tính riêng từ đầu năm đến nay lực lượng đã bắt giữ, xử lý 18 vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn thực phẩm - Vấn đề hệ trọng

Đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - người trực tiếp tham gia chỉ đạo, xử lý rất nhiều vụ vi phạm hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm cho biết: Mặc dù lực lượng chức năng rất tích cực đấu tranh quyết liệt với tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn bất chấp lương tri, đạo lý để thực hiện. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đào Lương Nhân dẫn chứng: Ngay vụ vận chuyển lợn nhiễm bệnh, lợn chết ngày 21-7 vừa qua, đối tượng vận chuyển khai nhận hàng được thu mua theo đầu con, với giá từ 100 - 500 nghìn đồng/con tùy theo dấu hiệu của lợn. Nếu vận chuyển trót lọt, cùng quy trình chế biến thành các sản phẩm thực phẩm “hot” như hiện nay như: xúc xích, thịt quay, thịt nướng... thì lợi nhuận gấp 5 gấp 10 lần, thậm chí gấp cả trăm lần.

Sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo số liệu của Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, với 31 người, trong đó 11 người phải nhập viện điều trị.

Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, hằng ngày chúng ta đều phải ăn để tồn tại và không ai biết đã mang chất độc gì vào người, ngộ độc thực phẩm chỉ là phản ứng ban đầu, lâu dài thực phẩm không đảm bảo còn là tác nhân lớn nhất gây ra bệnh ung thư.

Đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định: đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan như: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm. Đơn vị luôn sẵn sàng, nhận sự hợp tác của quần chúng Nhân dân nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Theo đồng chí Lê Xuân Vân, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân, chất lượng giống nòi. Do vậy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, buôn bán thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm, đừng đánh đổi sức khỏe, sự sống của cộng đồng để lấy lợi nhuận về cho riêng mình. Người tiêu dùng cũng thông thái lựa chọn thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình, gia đình.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/an-toan-thuc-pham-van-de-he-trong-195857.html