An toàn trong thế giới ảo
Một báo cáo của tổ chức UNICEF cho biết 83% trẻ em Việt Nam từ 12 đến 13 tuổi sử dụng internet; con số này là 93% ở độ tuổi 14 - 15. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam dành 5 - 7 giờ/ngày để sử dụng mạng xã hội. Đáng chú ý, chỉ có 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17, được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.
Công nghệ hiện đại, mạng xã hội bùng nổ với rất nhiều tiện ích mang tính tiên phong. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặt trái của nó cũng lại là bóng tối dày đặc với người dùng nếu không được chuẩn bị tâm thế vững vàng. Nhất là với trẻ em, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi rất tò mò và thích khám phá thì rất dễ tiếp cận với nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm...
Một nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho thấy, 10% - 12% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với internet. Việc tiếp xúc internet từ quá sớm trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ khiến trẻ em đối diện nhiều mối hiểm nguy, khi mà một đứa trẻ hoàn toàn có thể lập tài khoản mạng xã hội chỉ với một chiếc smartphone cùng vài thao tác đơn giản.
Mạng xã hội là ảo nhưng những hệ quả nó mang đến là thật. Đã có không ít trẻ em nghiện game, không những bỏ bê học hành, khép kín trong thế giới riêng mình để rồi bị trầm cảm, mà còn tự gây thương tích cho bản thân do học theo mạng xã hội. Đau lòng hơn, có em khi bị cấm cản đã dùng hung khí hành hung người thân trong gia đình chỉ vì địa chỉ đen trên mạng dạy trẻ em cách hành xử bạo lực, trộm cắp, kể cả tự tử.
Hẳn nhiều người chưa quên, tháng 3/2021, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính một YouTuber có tới 8,7 triệu lượt người theo dõi. Sản phẩm của kênh này là các video có nội dung dành cho trẻ em. Ước tính từ Social Blade, YouTuber này nhập khoảng 16 tỷ đồng trong năm 2020, bình quân mỗi tháng thu về hơn 1,3 tỷ đồng. Nhờ liên tục tạo nội dung mới mà đã có hơn 1,7 tỷ lượt theo dõi trong năm 2020, trung bình đạt 144 triệu lượt/tháng.
YouTuber này khiến phụ huynh hoang mang với các nội dung truyền tải nhắm đến trẻ em, vì không chỉ với các nội dung hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, tự làm đồ chơi… mà còn độc hại ở nhiều lĩnh vực khác.
Những tưởng nền tảng YouTube Kids như một cách để tạo môi trường giải trí cho trẻ em, nhưng thực tế cho thấy nhiều khi lại trái ngược do gieo vào người sử dụng những ý tưởng, cách hành xử độc hại.
Trẻ em dễ bị ảnh hưởng khi xem những chương trình có nội dung thiếu lành mạnh. Việc bắt chước các hành vi đó lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu rồi dần trở thành một thuộc tính nhân cách. Khi đó việc uốn nắn và điều chỉnh là vô cùng khó khăn.
An toàn trong thế giới ảo, đã có rất nhiều cảnh báo, khuyến nghị nhưng sự việc vẫn còn đó như một mối lo chung của nhà trường, gia đình, xã hội. Không ít ông bố bà mẹ đã sợ “mất con” khi trẻ chìm đắm, ngập sâu trong mạng xã hội ảo. Từ đó, đổ lỗi cho nhà trường, cho môi trường xã hội mà không nhận thấy trách nhiệm đầu tiên, thường trực và lớn nhất thuộc về mình. Thời gian trẻ ở nhà mỗi ngày rất nhiều, nhưng nhiều ông bố bà mẹ muốn “yên thân” không bị quấy rầy đã “quẳng” cho con chiếc điện thoại di động để chúng muốn làm gì thì làm. Vả lại, chính họ cũng lại đắm đuối với mạng xã hội đến độ “ăn mạng, ngủ mạng” thì không thể trách con cái.
Bất an, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường cần phải cấm học sinh tương tác trên mạng xã hội, cấm tiệt chơi game. Tuy nhiên, điều đó là không thể và vô tác dụng nếu như phụ huynh vẫn để con phiêu lưu và đơn độc với chiếc smartphone. Không được sử dụng ở trường thì các em lại tận dụng triệt để thời gian ở nhà, bỏ học hành, bỏ cả ăn cả ngủ.
Không phủ nhận nguyên lý phải xây dựng môi trường giáo dục toàn diện là Gia đình - Nhà trường - Xã hội, nhưng trước hết và căn bản nhất phải xuất phát từ gia đình. Cha mẹ phải làm gương cho con cái, kiểm soát để con không bị “nghiện”, hướng dẫn con biết cách tìm đến những địa chỉ mạng lành mạnh. Nếu để con cái “tự bơi” thì cái biển cả mênh mông kia sẽ “dìm chết”những đứa trẻ.
Chỉ biết kêu than khi con sa đà vào mạng xã hội, rồi đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội, những ông bố bà mẹ ấy không những không “cứu” được con em mình mà vô tình còn đẩy chúng ra xa hơn, đơn độc hơn, dễ sa vào cạm bẫy độc hại hơn.
Muốn thế giới ảo trở nên an toàn hơn thì trước hết trong mỗi gia đình phải tạo ra sự an toàn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/an-toan-trong-the-gioi-ao-10266112.html