Ấn tượng chỉ số xanh

Trong lần đầu tiên công bố về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Hải Dương đạt thứ hạng ấn tượng. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Dây chuyền sản xuất sản phẩm túi nilon tự hủy thân thiện với môi trường của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An PhátẢnh: THÀNH CHUNG

Kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh

PGI được đánh giá là công cụ hữu ích, bổ trợ cho chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường. Cũng giống như PCI, PGI là đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường trong việc điều hành nền kinh tế của chính quyền. Năm 2022, chỉ số PGI của Hải Dương đạt 16,53 điểm, đứng thứ 6 cả nước sau các tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng sau tỉnh Bắc Ninh.

Chỉ số PGI được tính trên thang điểm 20 gồm 4 chỉ số thành phần đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường từ thực tiễn kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Hải Dương có 3 chỉ số được đánh giá cao, chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng. Đó là chỉ số thành phần về vai trò lãnh đạo của chính quyền trong bảo vệ môi trường đạt 5,15 điểm, đứng thứ 2 sau Hải Phòng. Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 4,61 điểm, đứng thứ 6 sau các tỉnh Bắc Ninh, Trà Vinh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Phước. Chỉ số chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 2,13 điểm, đứng thứ 18 cả nước.

PCI của Hải Dương tụt hạng nhưng PGI lại tạo được dấu ấn là do thời gian qua tỉnh kiên định mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Đây là nền tảng cốt lõi được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tỉnh đặt mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trọng tâm là hướng đến nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh quyết định tạm dừng thu hút đầu tư đối với các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, sản xuất da, giày da, cao su… Tỉnh cũng khuyến khích các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường, quyết liệt quản lý việc khai thác khoáng sản, khuyến khích xây dựng các công trình xanh.

Nhiều doanh nghiệp cũng không ngừng tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sản xuất xanh, điển hình như Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) sản xuất túi nilon tự hủy bằng công nghệ tiên tiến; màng nông nghiệp AnGreen từ chất liệu PE truyền thống hoặc nguyên liệu sinh học tự hủy 100%... góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Hay Công ty TNHH một thành viên Xi măng VICEM Hoàng Thạch đang triển khai xây dựng dự án trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung. Mục tiêu của dự án nhằm tận dụng tối đa các nguồn nhiệt thải dư thừa trong sản xuất, tái sử dụng để sản xuất điện với giá thành rẻ hơn giá điện hiện nay, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Những nỗ lực của Hải Dương trong xây dựng hệ sinh thái điều hành kinh tế xanh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận bằng kết quả PGI. PGI không chỉ là thước đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về quản trị môi trường của chính quyền trong việc định hướng sản xuất xanh mà còn là kênh giúp các địa phương sàng lọc đầu tư.

Hải Dương định hướng thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường

Hải Dương định hướng thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường

Sớm khắc phục hạn chế

Mặc dù lọt tốp đầu cả nước về chỉ số PGI nhưng Hải Dương vẫn còn hạn chế được thể hiện qua chỉ số thành phần bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu khi chỉ đạt 4,16 điểm, dưới mức trung vị. Chỉ số này đo lường mức độ hiệu quả trong việc giám sát, thực thi quy định môi trường, mức độ quyết liệt của chính quyền trong việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, trước đây, Hải Dương có tình trạng doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm không được giải quyết dứt điểm dẫn đến đơn thư vượt cấp, thậm chí trở thành điểm nóng về môi trường. Ngoài ra, chỉ số này cũng phản ánh gánh nặng của doanh nghiệp về các thủ tục môi trường. Hải Dương nằm ngoài tốp 30 trong xếp hạng chỉ số thành phần này, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phân tích thấu đáo, chỉ ra điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Dương còn một số rào cản cản trở mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Đó là còn thiếu cơ chế, chính sách kích thích tích tụ đất đai, thiếu các ưu đãi thu hút đầu tư sản xuất liên kết, nhất là trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Chất lượng quy hoạch hạn chế là "tảng đá" ngáng đường khiến các mục tiêu, định hướng thiếu đồng bộ, không rõ ràng. Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa cao, việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt và nước thải còn bất cập. Quy mô kinh tế nhỏ, khả năng huy động vốn thấp nên việc thực hiện các chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn.

Nhìn thẳng vào hạn chế, Hải Dương đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục. Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, Hải Dương đã lồng ghép, đánh giá và đưa ra các phương án thực hiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh. Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức về tăng trưởng xanh bằng việc tạo đột phá từ các mô hình mới. Nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Từ đó lan tỏa bằng phong trào thi đua thực hiện tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường… Chỉ khi thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp thì mới có thể xây dựng được môi trường đầu tư xanh, thu hút được các dự án xanh. Có như vậy chỉ số PGI của tỉnh mới thật sự ổn định, bền vững và là điểm tựa thúc đẩy, nâng cao PCI.

Phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế, tiếp tục củng cố thứ hạng PGI

Lần đầu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022, Hải Dương đạt được thứ hạng cao. Kết quả này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư thân thiện với môi trường.

Trong 4 chỉ số thành phần của PGI, Hải Dương gây ấn tượng với chỉ số thực hành xanh khi đứng thứ 2 cả nước sau Hải Phòng. Chỉ số này thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng của chính quyền tỉnh giúp các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp có ý thức “xanh hóa” quy trình sản xuất, quan tâm tới tiết kiệm và tái tạo năng lượng.

Mặc dù vậy song qua điểm số, phân tích các chỉ số thành phần, Hải Dương cần cải thiện chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu khi điểm số của địa phương nằm dưới mức trung vị. Việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chấp hành các quy định về môi trường rất cần thiết nhưng bảo đảm công bằng, khách quan trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề về môi trường sẽ giúp tỉnh ghi điểm với cộng đồng doanh nghiệp. PGI là công cụ định lượng việc điều hành, quản trị của chính quyền liên quan tới môi trường tác động tới doanh nghiệp. Vì thế, tỉnh cần phát huy những điểm mạnh và sớm khắc phục những hạn chế nhằm củng cố vững chắc vị trí PGI trên bảng xếp hạng.

Ông ĐẬU ANH TUẤN
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI

Kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường của các dự án đầu tư từ đầu vào

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) luôn tích cực, sát sao trong việc thẩm định để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư.

Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cá nhân, doanh nghiệp, chi cục đã tổ chức các lớp tập huấn về quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời kịp thời xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra, kiểm tra. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm khách quan, minh bạch để các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm, tin tưởng vào việc thực thi chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn Hải Dương.

Ông VŨ MẠNH TƯỞNG
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh

Cần cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xanh

15 năm đầu tư tại Hải Dương, Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam luôn nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Các dự án của doanh nghiệp đều xây dựng báo cáo tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mặc dù ngành nghề sản xuất linh kiện điện tử ít gây ảnh hưởng tới môi trường nhưng trong quá trình hoạt động, công ty thực hiện nghiêm ngặt quy trình để hạn chế tối đa việc xảy ra sự cố đáng tiếc về môi trường; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định về môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị cũng nỗ lực tạo môi trường làm việc xanh, thân thiện để tạo không gian thoải mái cho người nhân viên, người lao động. Công ty còn hỗ trợ nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh cây xanh, thùng đựng rác để góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống. Đối với doanh nghiệp, đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng để nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động trong việc bảo vệ môi trường.

Để doanh nghiệp chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong sản xuất xanh, duy trì nếp sống xanh, tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thực hành xanh. Có như vậy, Hải Dương mới xây dựng được nền công nghiệp xanh bền vững.

Ông NGUYỄN VĂN GIANG
Trưởng Phòng An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/audio-an-tuong-chi-so-xanh-232797