Ấn tượng hành trình trên đất phù sa

Hiện thực hóa ý tưởng tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử, con người… vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm phóng viên Ban đại diện báo Tiền Phong tại ĐBSCL mất hàng tháng đi thực tế khảo sát, nghiên cứu, hoàn thành loạt bài 9 kỳ 'Bên 9 miệng Rồng' – viết về 9 cửa sông Cửu Long, đăng tải trên nhật báo Tiền Phong. Đây là một trong những loạt bài dài nhất, kỳ công nhất của Ban từ trước đến nay…

“4 mũi” hành trình…

Sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam chia làm hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu. Bao đời nay, dòng sông mang phù sa bồi đắp khắp đồng bằng miền Tây trù phú, rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa, gọi là Cửu Long, lần lượt với tên gọi cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc và Trần Đề, thuộc địa phận 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Từ việc lên ý tưởng viết về 9 cửa sông, bàn bạc, trao đổi… đến khi hoàn thiện đề cương cũng ngốn không ít thời gian của đội, bởi mặc dù đứng chân trên khu vực đã nhiều năm nhưng đây vẫn là đề tài “khá mới” với các anh em. Loạt bài hướng tới mục tiêu mang đến độc giả những câu chuyện sinh động về thiên nhiên, lịch sử, về cuộc sống của người dân khu vực cửa sông, những đổi thay qua thời gian và thăng trầm lịch sử vùng đất nơi có 9 “miệng Rồng”.

PV Tiền Phong cùng Chủ tịch UBND xã Long Hòa (phải) khảo sát rừng ngập mặn phía Bắc cửa Cung Hầu

PV Tiền Phong cùng Chủ tịch UBND xã Long Hòa (phải) khảo sát rừng ngập mặn phía Bắc cửa Cung Hầu

Từ Cần Thơ, thủ phủ miền Tây, nhóm phóng viên được chia làm 4 mũi tiến về các cửa sông. Một nhóm đi Tiền Giang, nơi có cửa Tiểu, cửa Đại. Nhóm khác đi Bến Tre tìm hiểu về cửa Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Một nhóm đi Sóc Trăng viết về cửa Ba Thắc, Trần Đề. Tôi vốn theo dõi thông tin của tỉnh Trà Vinh nên đảm nhận hai cửa Cung Hầu và Định An. Để đảm bảo không ảnh hưởng công việc chung của Ban và tin bài thời sự hàng ngày, các hướng hành trình được chia theo từng đợt.

Giữa cái nắng tháng 5 bỏng rát, tôi và phóng viên Trường Phong trên “ngựa chiến” Sirius Yamaha thẳng hướng Trà Vinh. Vượt hàng trăm cây số, nhiều nơi phải lụy mấy lần phà, với sự hỗ trợ, chỉ dẫn nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, chúng tôi đến Long Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) - xã cù lao nằm cuối nguồn sông Cổ Chiên - nơi sông về với biển ở cửa Cung Hầu.

Chất phác miền Tây

Chủ tịch UBND xã Long Hòa Nguyễn Thanh Cần tiếp đón phóng viên Tiền Phong với sự chân thành đặc trưng của người miền Tây. Dù đang dở công việc, anh Cần trực tiếp dẫn chúng tôi đi khảo sát quanh xã, gặp những nhân vật cần thiết để phỏng vấn lấy thông tin, rồi lên tàu làm “hướng dẫn viên” cho phóng viên khảo sát rừng ngập mặn ven biển cửa Cung Hầu. Xong chuyến khảo sát cũng là lúc hoàng hôn ngả bóng, biết anh em chúng tôi chưa có chỗ nghỉ, trong khi chuyến phà cuối ngày sang đất liền sẽ không kịp, anh Cần bảo “sang vuông tôm nhà anh”. Rồi chính anh Cần cầm lái chiếc xuồng nhỏ chở phóng viên vượt sông sang cồn Phụng, không quên trang bị áo phao cho mọi người để đảm bảo an toàn cho anh em chúng tôi, vốn không phải là dân sông nước.

PV Tiền Phong tại chuyến khám phá cửa Cung Hầu

PV Tiền Phong tại chuyến khám phá cửa Cung Hầu

Cập bến an toàn, chúng tôi cùng anh Cần xách đồ đạc, nồi niêu từ dưới xuồng lên nhà (căn nhà lá để trông vuông tôm). Mang theo một con cá ngát khá to, đích thân anh Cần ra tay chế biến, nấu nướng. Chúng tôi phụ giúp anh vài thứ, chốc lát bữa tối đã được bày ra bàn. Đúng chất “cây nhà lá vườn” của miền Tây, ngoài cá kho, canh chua, bữa tối có thêm tôm khô, xoài xanh, một ít ba khía vừa bắt được ở ven vuông tôm… Anh Cần gọi thêm một vài người bạn, hàng xóm cùng nuôi tôm. Cuộc lai rai xóa hết mọi khoảng cách giữa chúng tôi. Những câu chuyện về gia đình, kế sinh nhai, chuyện đời, chuyện người xứ cồn cuối dòng Cổ Chiên kéo dài đến nửa đêm. Tiếng ca vọng cổ của anh Cần và những người bạn ngân lên trong đêm vắng, giữa bao la vuông tôm, mênh mông trời nước, cảm giác yên bình đến lạ…

Tìm điều mới trong cái cũ

Sau khi hoàn thành xong 2 bài viết thuộc địa bàn Trà Vinh gồm: “Nội lực Cung Hầu” (Kỳ 6) và “Trăn trở Định An” (Kỳ 7), tôi được “tăng cường, phối hợp” cùng phóng viên Nhật Huy thực hiện 2 kỳ về cửa sông Ba Thắc và Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đáng nhớ hơn cả là chuyến đi “tìm” cửa sông Ba Thắc ở huyện đảo Cù Lao Dung. Nói thêm một chút, trong 9 cửa sông Cửu Long, cửa Ba Thắc là cửa sông đặc biệt nhất, bởi nó được xem như đã bị mất do hiện tượng bồi lấp rất nhiều năm trước. Thậm chí có ý kiến hay tài liệu còn cho rằng Cửu Long thực tế hiện nay chỉ còn 8 cửa, vì không còn cửa Ba Thắc.

Để “mục sở thị” cửa Ba Thắc, chúng tôi lên tàu đi khám phá. Vừa chạy từ sông nhánh ngược ra sông Hậu đi tìm cửa Ba Thắc, trận mưa cực lớn ập xuống. Tôi lo “trời không độ” như này, nguy cơ không hoàn thành được bài viết. Nhưng tài công vẫn hướng mũi tàu lao đi, ông động viên “mưa này không lâu đâu”. Cơn mưa kéo dài gần cả tiếng, rồi tài công cũng đưa chúng tôi đến nơi cần đến.

Từ thực tế khám phá, tìm hiểu những câu chuyện, tư liệu được biết, khu vực cù lao nơi đây vốn là một cửa sông “hoàng kim một thuở”, nhưng do tình trạng bồi lấp mấy chục năm nay, cửa sông Ba Thắc thu hẹp dần trong tiến trình Cù Lao Dung “đẻ đất” để lớn dần ra phía biển. Như đoạn cuối bài “Đâu rồi Ba Thắc” (Kỳ 8), tôi đã viết: “Sông Ba Thắc (xưa là sông An Thạnh Nhì) vốn rất rộng lớn, xẻ đôi cù lao rồi đổ thẳng ra biển gọi là cửa Ba Thắc. Lần theo dấu vết thực địa và những thông tin có được từ chính quyền, cư dân nơi đây, chúng tôi cũng may mắn tìm ra được một số bản đồ xưa từ Thư viện Quốc gia Pháp online về mảnh đất cù lao cuối nguồn sông Hậu. Từ bản đồ, sông An Thạnh Nhì, cửa Ba Thắc hiện ra. Và rồi, theo dòng thời gian, Cù Lao Dung như một dải phù sa được bồi đắp từ sông mẹ bao đời, tạo nên một hòn đảo xanh cứ lớn dần vươn ra biển”.

Bõ công sau những chuyến đi xuyên nắng mưa, 9 kỳ “Bên 9 miệng Rồng” được đăng tải trên nhật báo Tiền Phong. Tôi viết trên facebook, đây là loạt bài có lẽ là dài nhất từ trước đến nay chúng tôi từng thực hiện. Đếm sơ qua, 9 bài viết đã lên tới khoảng gần 20.000 chữ. Tôi cũng nghe nói, sau chúng tôi, có những đơn vị báo chí cũng đang lên kế hoạch triển khai loạt phóng sự tìm hiểu thêm về 9 cửa sông. Hy vọng, những trải nghiệm của chúng tôi sẽ góp phần nhỏ vào kho tàng thông tin, tư liệu bổ ích về thiên nhiên, vùng đất, con người nơi miền mênh mông sông nước Cửu Long.

Những câu chuyện về gia đình, kế sinh nhai, chuyện đời, chuyện người xứ cồn cuối dòng Cổ Chiên kéo dài đến nửa đêm. Tiếng ca vọng cổ của anh Cần và những người bạn ngân lên trong đêm vắng, giữa bao la vuông tôm, mênh mông trời nước, cảm giác yên bình đến lạ…

Sông Cửu Long (hay Cửu Long Giang) là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam. 9 nhánh sông như 9 con rồng uốn lượn, trước khi “nhả ngọc” ra Biển Đông. Bao đời nay, các dòng sông bồi đắp đồng bằng nuôi sống hàng triệu người dân, bồi lắng những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử trong công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc…

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-tuong-hanh-trinh-tren-dat-phu-sa-post1587006.tpo