Ấn tượng Ngọc Chiến

Ngọc Chiến - Một cái tên đẹp luôn gợi sự tò mò trong trí tưởng tượng của tôi. Một xã xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất trong bản đồ huyện Mường La nơi tôi sinh sống, với câu ca chẳng biết có từ bao giờ.

Nếp nhà lợp gỗ trầm mặc màu thời gian

“Muốn nhìn gái đẹp thì đến Mường Trai

Muốn mệt đến chết thì đi Mường Chiến”

Ngày tôi còn nhỏ có lẽ muốn đi Ngọc Chiến chơi một chuyến chỉ là mơ ước hão huyền. Mặc dù nó cách thị trấn chừng 50 km.

Hằng năm cứ đến mùa đào, mùa mận, mùa sơn tra, mùa thóc... tôi lại thấy những đoàn ngựa thồ đi từng tốp xuống huyện bán hàng, nộp thuế... Họ đi bộ, hoặc đi ngựa, gồm người Thái trắng và người H’mông.

Phụ nữ Thái trắng có chồng rồi cũng không búi tóc cao trên đầu (Tẳng cẩu) như phụ nữ Thái đen. Cổ áo cóm hạ thấp, một dải lụa đen viền suốt từ nẹp áo lên đến cổ áo, như kiểu áo truyền thống của người Nhật.

Phụ nữ Thái trắng Ngọc Chiến vóc dáng thấp nhỏ, nhưng có nước da trắng hồng đồng đều hơn phụ nữ Thái đen ở vùng thấp. Có lẽ do khí hậu vùng cao mát mẻ đã ưu đãi các nàng. Họ đi đằng sau chồng và ngựa, đầu vấn khăn len kẻ xanh, đỏ... nhiều màu xen kẽ nom rất vui mắt. Đàn ông Thái trắng Ngọc Chiến ai cũng có một chiếc mũ nồi màu đen, đa phần họ thích mặc áo màu xanh lá cây. Đi xa họ hay đi từng tốp từ năm đến bảy người chứ không thích đi đơn lẻ. Trong con mắt ngày nhỏ của tôi, Ngọc Chiến là vùng đất bí ẩn chứa đựng bao điều khác lạ mà tôi chưa từng được khám phá.

Rồi thuận theo quy luật phát triển của xã hội. Người ta san đồi, xẻ núi mở đường rộng ra giúp việc đi lại của người dân dần thuận lợi hơn. Xe máy và ôtô đã đến được những bản hẻo lánh nhất của người Thái trắng, mà ngày xưa muốn đến chỉ có mỗi cách là cuốc bộ. Đầu thu là lúc người Thái trắng thu hoạch lúa vụ chính. Nghe đồn họ có phong tục cúng cơm mới hay lắm. Giờ phát triển thành lễ hội để thu hút khách du lịch. Tôi quyết tâm đi phượt một mình bằng xe máy lên Ngọc Chiến.

Đường đi ngoằn nghoèo uốn lượn bảng lảng trong mây. Lúc leo cao lên tới đỉnh của đỉnh ngọn núi cao nhất, nhìn ra xung quanh trập trùng núi đá. Lúc đi xuống như xuống động không đáy, hun hút gió nhấp nhô và gập gềnh ổ gà, ổ voi. Cảnh sắc đặc trưng của vùng thấp Tây bắc là nhà sàn, ruộng bậc thang, đồi ngô, đồi hoang gồm lau, hoa xuyến chi và cây chó đẻ... Núi đá, suối khe và thác nước. Thác nước giờ trên đường đi cũng khó nhìn thấy những thác nước đẹp, vì rừng đã lùi quá xa con người. Nước nguồn dần cạn kiệt, chỉ có đồi trọc là ngày càng nhiều. Dù tạm thời nó được phủ bằng những cây lương thực ngắn ngày, hoặc bỏ hoang. Chuẩn bị vượt dốc Sam Síp... (Sam Síp tiếng dân tộc Thái có nghĩa là ba mươi con dốc) liên tục lên cao, lên cao và lên cao hơn nữa... Vượt dốc Sam Síp bằng xe máy số, đi một mình mà phải cài số 2, có lúc số 1 vẫn cảm thấy chiếc xe nóng bỏng và lỳ lợm. Đã thấy thấp thoáng bóng thông và các loại cỏ, cây, hoa miền ôn đới. Không khí loãng dần, không gian trong veo nhuộm màu nắng sớm. Nắng vùng cao mỏng tang, nắng mà vẫn se lạnh... Tôi mê mẩn nhìn theo những bụi cây thân mềm cao chừng 60cm hoa trắng nhỏ nở từng chùm, nhìn là lạ đong đưa theo chiều gió. Chẳng biết tên, nên tôi gọi nó là hoa mắt gió. Gió ở cao nguyên không vướng núi nên cứ lồng lộng suốt ngày đêm...

Đất Ngọc Chiến đây rồi. Đẹp hơn trong tưởng tượng rất nhiều. Tôi như lạc vào miền cổ tích với những rừng thông và những ngôi nhà sàn xinh xinh mà mái nhà lợp bằng gỗ Pơ Mu. Những bà mẹ còn rất trẻ bế con nhỏ ngồi trước cửa nhà đưa ánh nhìn thoảng buồn như làn sương bàng bạc, bảng lảng lan tới tận thung xa...

Mặc dù đường xá đi lại khó khăn và hiểm trở như vậy, nhưng dân buôn tứ xứ đến Ngọc Chiến cũng khá đông. Trung tâm Ngọc Chiến có đủ quán bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Có doanh nghiệp biết được lợi thế của Ngọc Chiến quanh năm mát mẻ, hợp với các loài hoa nên họ mạnh dạn bỏ tiền ra thuê và gom đất ruộng của dân lại thành một cánh đồng lớn, trồng các loại hoa và rau sạch mang về Hà Nội tiêu thụ. Họ mở cả nhà máy nhỏ sản xuất rượu từ quả Sơn Tra. Hoa hồng ở Ngọc Chiến có màu rất đẹp, không quá đậm cũng không nhạt mà nó hồng tươi như cánh môi thiếu nữ tuổi dậy thì... Nhưng nhà máy sản xuất rượu đã phá sản, còn doanh nghiệp trồng hoa và rau sạch cũng đang phát triển cầm chừng.

Lạc vào miền cổ tích.

“Khó lắm đấy”, chị chủ nhà cầm lấy một que củi kều than cho ngọn lửa cháy bùng trở lại, trầm ngâm: “Ngọc Chiến đất rộng, dân đông nhưng thiếu nước, đường xá đi lại khó khăn, dân quen nếp sản xuất nhỏ lẻ cũ, còn lười và ỉ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước cho xã đặc biệt khó khăn. Hầu như hộ nào cũng nợ Nhà nước vài chục, có nhà đến vài trăm triệu. Vay chẳng để làm gì, mà chỉ để chi tiêu sinh sống hàng ngày. Đến hạn đáo nợ lại có người mang tiền đến trả hộ, đương nhiên họ đòi lãi cao. Khoảng chục ngày hoặc một tháng vay lại được của ngân hàng thì trả người cho mình vay cả gốc lẫn lãi...

Một vòng tròn luẩn quẩn từ năm này qua năm khác, từ đời ông - Cha sang đời con”.

Chiều xuống... cánh đồng Mường Chiến dường như xa hơn, nhìn như một bức tranh họa đồ nhiều màu, nhiều sắc thái và đường nét. Hun hút tầm mắt, lãng đãng khói bay lên từ những nóc nhà sàn phía chân núi mờ xanh...

Lễ hội cúng cơm mới của xã Ngọc Chiến được tổ chức vào hai ngày 9 – 10/9 dương lịch hàng năm. Thầy mo đại diện cho bản bày cơm mới, cốm, hoa quả, gà trống luộc nguyên con... lên một chiếc mâm, đặt vào nơi trang trọng nhất trong nhà văn hóa xã, bản... Gia chủ cũng mời thầy Mo thắp nén hương thơm quỳ lạy cảm ơn trời đất, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội cúng cơm mới giờ nhờ công nghệ 4.0 đã được quảng bá rộng rãi. Với kỳ vọng tổ chức như một sự kiện văn hóa lớn của huyện, của tỉnh, mang lại luồng sinh khí mới nhờ du lịch cho một vùng đất thâm sơn cùng cốc của miền Tây bắc.

Trong dòng người đông đúc chen chúc nhau. Tôi chợt có cảm giác lâng lâng của tuổi mới lớn. Có bạn bảo “Người đi ngắm người thôi cũng thấy vui và thích mắt”. Trai thanh, nữ tú và cả các ông bà già đều diện những bộ quần áo đẹp nhất, mắt ánh lên niềm vui mùa gặt. Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt cá, đi cầu khỉ qua ruộng nước, thi giã cốm, rồi bóng đá, bóng chuyền... Chỗ nào cũng rộn ràng tiếng reo hò cổ vũ.

Đêm ấy Mường Chiến không ngủ đất trời cũng như nghiêng ngả trong men say... Say tình hay say rượu, trai gái kéo tay nhau đi xem múa, nghe hát; có đôi chẳng xem gì cả chỉ tìm cách đứng thật gần để nghe hơi thở dồn dập của nhau, để được chạm vào những cảm xúc say đắm ngọt ngào... Các ông các bà lớn tuổi cũng nhìn nhau tình tứ hơn. Trên sân khấu các nàng như những bông hoa núi đua nhau khoe sắc trong những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Tiếng tính tẩu hòa cùng giọng hát dìu dặt tràn qua đêm hòa vào dòng thác trôi miên man đến tận mây trời...

“Con mắt không đau ngắm nhau thỏa nhớ

Bàn tay chạm lòng đan cài vấn vương...”

“Ngọc Chiến xưa đẹp lắm…”

Chị chủ nhà lại cời than cho ngọn lửa cháy bùng lên: “Rừng thông mà em thấy là rừng mới trồng năm năm nay thôi, rừng cũ phá hết rồi. Ngọc Chiến hy vọng vào cây táo mèo để xóa đói giảm nghèo, nhưng số phận của nó cũng như bao thứ quả khác, được mùa thì mất giá. Ngày xưa chè Ngọc Chiến có thương hiệu, nhưng người dân vì (tham bát bỏ mân) mà làm dối, làm ẩu, giờ những nương chè đã không còn”. Tôi thở dài đồng cảm với chị. Nhìn bản mường đã vắng dần những mái nhà lợp bằng gỗ Pơ Mu đặc trưng, mà thay dần bằng nhà mái bằng và mái ngói fibro xi măng tôi chợt buồn và nhớ những cái tết thiếu cành đào phai được tỉa từ thân đào cổ thụ mốc trắng nhưng màu hoa phơn phớt hồng rất đẹp, như má các thiếu nữ rực lên dưới trời nắng hanh của mùa đông. Dân buôn đến từng nhà ngã giá bèo bọt và gia chủ đã đồng ý đào cả gốc chất lên xe mang về dưới xuôi... Có cô gái bị lừa bán sang bên kia biên giới mà cũng chẳng buồn, về thăm nhà lại lừa tiếp bạn đi cùng... Tôi rời Ngọc Chiến với bao nhiêu tâm trạng, màu hoa hồng và ánh mắt buồn của người thiếu phụ trẻ ôm con ngồi trước cửa nhà mênh mông gió ám ảnh tôi...

Ngọc Chiến mong đến một ngày không xa và sẽ thấy được sự thay đổi tích cực từ hướng đi mới.

Lương Mỹ Hạnh - Ảnh: Internet

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/an-tuong-ngoc-chien.html