Những cây bút không chuyên lan tỏa nét đẹp 'vườn hoa' người tốt, việc tốt Thủ đô
Sau 10 năm triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn TP Hà Nội, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến đã được phát hiện và nhân rộng. Những tấm gương tốt, việc làm hay đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trên khắp địa bàn thành phố. Có được những thành tích kể trên, không thể không nói đến sự góp công, góp sức của những người làm báo không chuyên.
Từ một cuộc thi viết
Phát huy truyền thống là một trong những địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, từ năm 2015, TP Hà Nội đã kịp thời triển khai, tổ chức Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Số lượng các tác phẩm dự thi dành cho đối tượng chuyên và không chuyên đều tăng suốt 10 năm phát động và tổ chức. Số lượng đơn vị tham gia cuộc thi cũng tương tự. Nếu như năm 2017 có 85 địa phương, cơ quan, đơn vị gửi bài viết tham dự thì đến năm 2023 đã có 112 địa phương, cơ quan, đơn vị gửi bài tham gia dự thi cấp thành phố. Đáng chú ý, cuộc thi đã nhận được sự tham gia của đông đảo đối tượng dự thi là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên thuộc các trường trên địa bàn; và xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tác giả là cán bộ cơ sở, người dân ở tổ dân phố, khu dân cư…
Bên cạnh việc phản ánh chân thực, khách quan, người thật, việc thật, rõ người, rõ địa chỉ nơi điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt cư trú hoặc học tập, công tác. Nhiều bài dự thi trình bày đẹp, công phu, sáng tạo, có nhiều hình ảnh, số liệu minh họa phong phú; nhiều bài dự thi được viết tay thể hiện cảm xúc trân trọng đối với đối tượng được viết và sự tâm huyết của tác giả đối với cuộc thi viết. Đáng mừng, có nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là các nhân tố mới được phát hiện, có sức lan tỏa ở đơn vị, địa phương, trong những năm qua trên cơ sở tiếp nhận, tổng hợp bài viết dự thi và thông tin giới thiệu của các đơn vị về các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, Ban Thi đua - Khen thưởng đã rà soát, thẩm định kịp thời đề xuất Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu người tốt, việc tốt cho 4.286 cá nhân, tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 15 hộ gia đình; tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho 11 cá nhân; trình Thủ thướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 hộ gia đình, 5 cá nhân; trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân.
Tổng số gương người tốt, việc tốt của thành phố được lựa chọn tuyên truyền và giới thiệu Trung ương truyên truyền trong 10 năm qua lên đến gần 400 gương và cùng với đó là trên 600 gương được lựa chọn viết sách “Những bông hoa đẹp” của Thủ đô từ tập XXI (xuất bản năm 2015) đến tập XXIX (xuất bản năm 2023). Đó là những điển hình tiên tiến, những gương tiêu biểu nhất được lựa chọn trong số hàng nghìn gương người tốt, việc tốt được phát hiện, khen thưởng qua các năm. Chính từ cuộc thi viết đã phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của thành phố, góp phần tạo dựng nên “Những bông hoa đẹp” trong “vườn hoa” muôn sắc của Thủ đô.
Xuất hiện những phóng viên không chuyên “thường trú” tại cơ sở
Trong thành công của cuộc thi viết, không thể không kể đến những tác giả không chuyên. Họ là những cán bộ hưu trí, giáo viên, công an, bộ đội, cán bộ trung tâm văn hóa... - tất cả đều có một điểm chung - niềm đam mê viết lách. Họ là những người trực tiếp làm việc tại cơ sở, nắm rõ địa bàn. Chúng tôi vẫn gọi họ là những phóng viên không chuyên “thường trú” tại cơ sở. Anh Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Thường Tín, người từng có nhiều năm là cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Thường Tín là ví dụ.
Là cán bộ bám và nắm chắc địa bàn, anh Nguyễn Xuân Tiến đã phát hiện nhiều tấm gương đẹp, việc làm tốt tại cơ sở. Năm 2023, anh đã đoạt giải Ba cuộc thi với bài viết: “Những người xuyên đêm vá đường” kể về câu chuyện anh Phạm Văn Hiếu và những người bạn ở huyện Thường Tín không quản ngày đêm, mưa nắng “vá lành” những “ổ gà” trên những con đường, đảm bảo giao thông an toàn... Năm nay, anh một lần nữa giành giải cao nhất với bài viết: “Vượt lên nỗi đau hiến tạng cứu người của đôi vợ chồng yếu thế”. Với góc nhìn chân thực của mình, anh Tiến đã phản ánh câu chuyện về gia đình anh Đặng Trịnh Bộ và chị Nguyễn Thị Hòa (ở xóm 2, thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín). Khi anh Bộ mắc bệnh hiểm nghèo, chị Hòa đã tình nguyện hiến tạng của chồng mình để cứu sống và mang lại hạnh phúc người khác. Đến nay, cuộc sống của anh Đặng Trịnh Bộ đã kết thúc nhưng lại mang đến sự sống, hạnh phúc cho bao gia đình. Hành động hiến tạng không chỉ là việc cứu người, mà còn là sự lan tỏa của tình yêu, tình người và hy vọng. Điều đó chắc chắn sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, suy nghĩ của nhiều người về một xã hội đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Tương tự, với Trung tá Dương Hồng Nhật, dù mang đặc thù công việc của một chiến sĩ Công an quận Tây Hồ nhưng anh vẫn dành những khoảng lặng trong tâm hồn và ngòi bút của mình để khắc họa nên những nhân vật với việc làm đẹp đẽ mà anh tiếp xúc. Để rồi, bài viết: “Người hùng đầu trọc và sứ mệnh trên sông Hồng” của anh đã lay động biết bao độc giả và giành giải Nhì cuộc thi viết người tốt, việc tốt năm 2024. Bài viết của Trung tá Dương Hồng Nhật đã khắc họa nên chân dung về anh Nguyễn Văn Dũng, một người hùng thầm lặng gắn bó với con sông Hồng và nghề vớt xác. Anh Dũng đã dành phần lớn cuộc đời của mình để mang lại hy vọng và tình thương cho những người đã ra đi. Suốt hơn 30 năm, anh đã vượt qua những thách thức khắc nghiệt của môi trường làm việc đầy nguy hiểm và khó khăn, để đưa hơn 600 thi thể về nơi yên nghỉ cuối cùng. Anh Nguyễn Văn Dũng, người mang theo niềm tin, hy vọng và lòng nhân ái, là một biểu tượng tuyệt vời cho sự đẹp đẽ của tâm hồn con người. Trung tá Dương Hồng Nhật chia sẻ: “Tôi đã biết đến anh Dũng gần 10 năm nay. Do tính chất công việc đặc thù, những việc làm của anh Dũng đã giúp chúng tôi rất nhiều, chúng tôi luôn coi anh như một cộng tác viên đặc biệt của đơn vị. Qua bài viết của mình, tôi không chỉ muốn góp một phần lan tỏa hành động đẹp đẽ của anh Dũng, mà còn là lời tri ân đến anh Dũng, đến những việc làm thầm lặng của anh”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Thế nên, cần lắm những người như anh Tiến, anh Nhật và rất nhiều những người viết báo không chuyên khác, cần mẫn, ghi lại những hình ảnh, kể lại những câu chuyện về những cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, để từ đó lan tỏa sâu rộng những giá trị chân - thiện - mỹ, làm nên nét đẹp của “vườn hoa” người tốt, việc tốt Thủ đô.