Ấn tượng từ triển lãm thơ: 'Còn hôm nay ta còn mãi mãi'
'Còn hôm nay ta còn mãi mãi' được coi là triển lãm chuyên nghiệp đầu tiên dành cho thơ ở Việt Nam. Không chỉ công chúng, mà chính những người làm thơ cũng rất bất ngờ và xúc động khi họ có được một không gian nghệ thuật đúng nghĩa để thơ 'bay lên'...
Lâu nay, thơ nếu có được triển lãm thì chỉ một vài dịp ở ngày thơ Việt Nam hoặc lễ hội văn hóa đọc. Không gian triển lãm vẫn theo lối cũ. Nghĩa là thơ được in trên khung giấy và cứ thế xếp hàng lần lượt ở không gian trưng bày. Người đọc sẽ thấy khá nhàm chán, đơn điệu. Vậy nhưng không gian nhàm chán, đơn điệu ấy cũng hiếm gặp trong thường nhật. So với triển lãm tranh, triển lãm ảnh… thì triển lãm thơ có gì đó xa lạ. Thế nên khi triển lãm thơ với hình thái sắp đặt, đa phương tiện "Còn hôm nay ta còn mãi mãi" mới "nhá hàng", rất nhiều độc giả nôn nao, háo hức tự hỏi: không gian đẫm chất thơ sẽ như thế nào? Ngày 4-6 vừa qua, tại studio quận 3, TP Hồ Chí Minh, họ đã có câu trả lời.
Từ trái qua: Rapper Táo, các nhà thơ: Nam Thi, Vi Thùy Linh, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh tại triển lãm.
Triển lãm quy tụ bốn gương mặt nổi tiếng của dòng chảy thơ đương đại gồm Vi Thùy Linh, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Phong Việt, Nam Thi. Riêng rapper Táo là điểm nhấn đặc biệt của chương trình khi những bản rap của anh đều thấm đẫm chất thơ. Mỗi nhà thơ mang đến triển lãm một tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho cá tính của mình. Nếu Ngô Thị Hạnh mang đến "Khoảnh khắc vĩnh cửu" thì Nguyễn Phong Việt là không gian giàu hoài niệm với "Cảm ơn một hơi thở". Nam Thi có "Huy hoàng", còn Táo là "Nhộng".
Thông điệp chính của triển lãm nằm ở bài thơ "Châu thổ giấc mơ" của Vi Thùy Linh. Đây là tác phẩm mới nhất chị sáng tác dành cho cuộc tái ngộ khán giả phương Nam ở triển lãm lần này. Có thể coi đó như một trường ca về tình yêu, nỗi giằng xé, đau xót khôn nguôi mà tác giả dành cho TP Hồ Chí Minh khi chứng kiến nỗi mất mát của thành phố giữa những ngày đại dịch COVID hoành hành: "(…) Sài Gòn đau thương, Sài Gòn mất ngủ/ Cả nước chung tay, cả nước hướng về/ Năm 2021 bão táp không ngờ, đã qua rồi/ Ai đoán biết hết bi kịch đại dịch kéo dài/ Thành phố tiên phong cả khi đương đầu mất mát, chia lìa, đau khổ (…)/ Được thức dậy mỗi ngày, hít thở an bình dưới mặt trời là may mắn/ Còn hôm nay ta còn mãi mãi…".
Khác với các triển lãm thơ thông thường, để làm nổi bật tinh thần của mỗi bài thơ và thông điệp "trân trọng những khoảnh khắc của hiện tại và sống trọn vẹn mỗi ngày", ekip phụ trách nội dung đã sử dụng nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thị giác cùng các loại hình nghệ thuật đa phương tiện cho mỗi không gian tác phẩm.
Không gian studio rộng 600 mét vuông được các nghệ sĩ sắp đặt, đồ họa 3D và ánh sáng biến hóa thành không gian của giấc mơ thơ với những vần thơ treo cao, bay bổng trên nền trời đêm. Đó là ánh trăng rọi chiếu mặt nước ở khu vực thơ Nam Thi, lóng lánh những vần thơ nghiêng mình trong ánh ngà, trên bờ lau trắng: "Khi bốn bề trăng soi tráng lệ/ Trăng cúi đầu tụng một cành hoa/ Khi bốn bề thấm đẫm phôi pha/ Tôn mong manh thành niềm tha thiết nhất/ Xin nhìn nghiêng cho thời gian lật ngược/ Thấy không gian không phân biệt cao sâu/ Ngọn ở đâu và đáy ở đâu?/ Ở một giây trong vị trà sau cuối/ Ở một giây quên mất mình bao tuổi/ Và trăng lên ngút ngàn buổi tàn hoa…".
Đó là những chiếc tivi, catset cũ kỹ thập niên 90 chậm rãi hiện lên dòng thơ Nguyễn Phong Việt; là phù sa bồi đắp bờ bãi phương Nam với những chiếc nệm êm để người đọc thưởng lãm "Châu thổ giấc mơ" của Vi Thùy Linh… Đó là chiếc kén, là hàng rào gỗ kìm chân để người ta hiểu nỗi niềm Táo ký thác trong "Nhộng": "Và tôi biết được bình minh là lúc ngày bắt đầu/ Ánh nắng xuyên qua cửa sổ đã bị chấn song sắt cắt sâu/ Có khi nó lại chỉ trôi qua như cái cách mà nó đã đi mất/ Sống với những cơn ác mộng, có khi giả và khi thật/ Là dị tật của loài người/ … Chiếc lá cuối cùng lại lâu rơi/ Nụ cười ơi chờ tao với/ Mày là thứ cuối cùng tao muốn trước khi chạm đất, tay tao với…".
Không gian triển lãm của nhà thơ Ngô Thị Hạnh và rapper Táo.
Ngoài không gian triển lãm, các nhà thơ còn giao lưu với độc giả và trình diễn thơ với âm nhạc và ánh sáng. Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam… cùng góp mặt trong các phần trình diễn của mỗi nhà thơ để nâng thơ bay cao, chạm vào cảm xúc của khán giả. Đến với triển lãm, công chúng có thể đứng đọc, ngồi đọc, thậm chí nằm đọc. Sự thú vị của không gian thơ đặc biệt đã thu hút hơn 2.000 lượt khán giả đến tham quan và thưởng thức.
Làm nên bữa tiệc thơ đa giác quan này có sự đóng góp rất lớn của Nam Thi. Bên cạnh vai trò là một nhà thơ tham gia triển lãm, Nam Thi còn đóng vai trò giám tuyển nội dung cho chương trình. Anh chia sẻ: "Tôi luôn tự hỏi: Tại sao âm nhạc, hội họa hay nghệ thuật thị giác nói chung có thể đi vào rất nhiều hình thái khác nhau mà ngôn ngữ, thi ca lại không làm được điều đó? Rõ ràng thi ca thừa sức làm được điều đó vì chất thơ xuất hiện trong tất cả các môn nghệ thuật. Thế nên tôi quyết định làm không gian triển lãm giúp mọi người vừa đọc được, vừa ngắm được, nghe được, sờ được.... Chúng ta không còn đọc thơ trên mặt giấy nữa mà chúng ta đón nhận thơ bằng tất cả các giác quan và thưởng thức nó một cách trọn vẹn. Đó là cách để dòng chảy thơ được chuyển động không ngừng".
Chứng kiến sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, các nhà thơ rất xúc động. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt thừa nhận đây là lần đầu tiên thơ mình được xuất hiện ở một không gian sắp đặt giàu chất nghệ thuật đến vậy. Riêng nhà thơ Vi Thùy Linh thì vô cùng ấn tượng với những vần thơ được ban tổ chức treo trên cao. "Tôi coi thơ không phải là một cuộc chơi mà là một lý tưởng sống để lao động tiếng Việt, để khuếch tán vẻ đẹp tiếng Việt. Sự thượng tầng nghệ thuật của thơ đã được triển lãm tôn vinh bằng cách treo cao. Điều đó buộc người đọc phải ngước lên thơ. Cái ngước lên về mặt cơ học vật lý này giống như chúng ta đến nhà thờ và ngước lên thánh đường. Đó là điều thiêng liêng, trân trọng" - chị đánh giá.
Triển lãm "Còn hôm nay ta còn mãi mãi" không chỉ tôn vinh thơ mà quan trọng hơn đã mở ra một hướng tiếp cận mới của thơ đến độc giả. Nhà thơ nào cũng ao ước tổ chức một cuộc triển lãm chuyên nghiệp như thế. Nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ". Nam Thi thú thật: "Nếu không có công ty Sun Life đứng ra tổ chức cho các nhà thơ, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới có được một không gian thơ hoành tráng, đỉnh cao như thế này. Bản thân chúng tôi đều rất hạnh phúc khi chứng kiến không gian đậm chất nghệ thuật dành cho riêng mình. Ngày trước, văn chương chữ nghĩa thường đặt ở ngôi cao. Còn với thời đại Internet và sống nhanh như hiện nay, thi ca đang tạm lùi về phía sau. Nhưng tôi tin vị thế và vai trò của thơ trong đời sống chưa bao giờ mất đi. Công chúng yêu thơ vẫn còn đó. Chỉ là cách chúng ta tiếp cận với họ thế nào".
Đồng quan điểm, nhà thơ Vi Thùy Linh cho rằng, ngày nay thi ca không phải là một cuộc đọc tuyến tính với cái cách người ta gọi là gối đầu giường. Thi ca cũng không phải là cuộc loan báo như thằng mõ loan tin trong làng. Trong thời đại công nghiệp 4.0, thi ca cần phải được khuếch tán, lan tỏa bằng các phương tiện thông tin hiệu quả và nhanh nhạy. Do đó độc giả có quyền đòi hỏi sự đổi mới, sự chuyển động của các thi sĩ trong việc tích hợp các ngôn ngữ nghệ thuật, trong việc sử dụng đa phương tiện để biểu đạt ngôn ngữ. Triển lãm "Còn hôm nay ta còn mãi mãi" là một minh chứng điển hình cho sự đổi mới, tích hợp đó.