Ấn tượng về Kỳ thi đặc biệt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm đặc biệt: Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi; kỳ thi chia thành 2 đợt; Thí sinh, đội ngũ tham gia thi cùng lúc thực thi 2 nhiệm vụ là thi cử và phòng chống dịch bệnh…

Ấn tượng về Kỳ thi đặc biệt

Ấn tượng về Kỳ thi đặc biệt

Ghi nhận tại địa phương cho thấy: Dù trải qua nhiều biến động, kỳ thi cũng cập bến an toàn, nghiêm túc. Thí sinh tự tin với bài làm của mình.

Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Củng cố niềm tin của thí sinh và xã hội

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Hòa Bình có hơn 9.200 thí sinh dự thi tại 37 điểm thi chính thức/416 phòng thi. Thống kê cho thấy, có gần 100% thí sinh đến dự thi. Đến thời điểm này, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn trên mọi phương diện.

Điểm nhấn của kỳ thi năm nay là: Không có cán bộ, thí sinh vi phạm Quy chế thi. Trong những ngày thi không có sự cố bất thường nào xảy ra, từ vấn đề an ninh trật tự, cho đến phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối đề thi, coi thi… Đây là điểm sáng của kỳ thi năm nay, điều đó cho thấy sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán từ Bộ GD&ĐT đến tỉnh trong công tác tổ chức thi.

Ông Bùi Văn Khánh.

Ngoài ra, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh và sự cố ngoài mong muốn có thể xảy ra trong – ngoài trường thi.

Có thể nói, đến thời điểm này, kỳ thi diễn ra thành công. Các khâu tổ chức đều được triển khai thực hiện theo đúng quy trình và bám sát vào Quy chế thi, đặc biệt là khâu coi thi được thí sinh ghi nhận nghiêm túc, khách quan và công bằng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhiệm vụ tiếp theo là tổ chức chấm thi. Đây là một trong những khâu trọng yếu của kỳ thi do đó, công tác chấm thi phải được thực hiện nghiêm túc, an toàn và tuyệt đối không để xảy ta tiêu cực. Quy chế thi năm nay rất chặt chẽ, từ quy định khâu làm phách, chấm thi… cho đến công bố điểm thi. Chúng tôi rất yên tâm và yêu cầu bộ phận chấm thi bám sát Quy chế cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Chúng tôi xin hứa với Bộ GD&ĐT, Chính phủ sẽ hoàn thành tốt các khâu của kỳ thi, góp phần vào thành công chung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cả nước; đồng thời củng cố thêm niềm tin của thí sinh, nhân dân và xã hội đối với kỳ thi nói riêng và với ngành Giáo dục nói chung. Kết quả của kỳ thi cũng sẽ là căn cứ đáng tin cậy để cơ sở giáo dục đại học xét tuyển.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Nhiều phương án cho kỳ thi… đặc biệt

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Đây là kỳ thi đặc biệt từ trước tới nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp, đề nghị các trường ĐH tính toán cân đối chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường để bảo đảm quyền lợi chung cho các thí sinh thi đợt 2.

Với các tỉnh, thành tổ chức thi theo lịch công bố, Bộ có hướng dẫn, giải pháp để hỗ trợ các địa phương tổ chức tốt kỳ thi an toàn trong tình hình dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Hiếu.

Tại TPHCM, theo ông Hiếu, có gần 75.000 thí sinh dự thi với 115 điểm thi. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ sớm, UBND TPHCM đã quan tâm, chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành cùng phối hợp tổ chức tốt kỳ thi.

"Chúng ta tiếp tục thực hiện chấm thi với tinh thần an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn phòng, chống dịch là điều được chuẩn bị kĩ lưỡng", ông Hiếu nói.

TP đã huy động khoảng 2.000 cán bộ phục vụ công tác chấm thi, riêng cán bộ trực tiếp chấm thi là khoảng 600 người. Năm nay, sở tiếp tục thực hiện chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi của thí sinh (quan tâm đến những bài thi điểm thấp (1 - 2 điểm) và các điểm cao (9 - 10 điểm).

TPHCM đã quen với công tác chấm trắc nghiệm, máy móc thiết bị sẵn sàng. Các phần mềm chấm thi được tập huấn đẩy đủ cho cán bộ tham gia. Ở công đoạn này sẽ có Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT thanh tra; đoàn thanh tra của sở thanh tra tất cả khâu của quá trình chấm. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của PA03 Công an TPHCM giám sát 24/24 giờ. Quá trình quét bài cũng được Công an TP giám sát 24/24 giờ, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Hoàn thành mục tiêu kép kỳ thi

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban chỉ đạo thi thành phố; phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện cùng với sự ủng hộ của xã hội và quyết tâm của đội ngũ, TP Cần Thơ hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép: Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế đồng thời với bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho cán bộ coi thi và thí sinh.

Ông Nguyễn Phúc Tăng.

Có được kết quả trên, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 được tất cả các điểm thi nghiêm túc thực hiện, điều này góp phần tạo tâm lý yên tâm cho cán bộ coi thi và thí sinh. Kỷ luật phòng thi tốt, kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, nghiêm túc. Không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi, có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi ở bài thi môn Toán. Sự nỗ lực, chung tay góp sức của toàn xã hội với ngành Giáo dục để tổ chức thành công kỳ thi. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 1.300 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh, cung cấp trên 500 chỗ ở miễn phí và gần 6.000 suất ăn miễn phí cho thí sinh nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Đề thi, bài thi được lực lượng công an và lãnh đạo các điểm thi bảo vệ, bảo mật an toàn tuyệt đối. Thực hiện nhiệm vụ tận tâm, chuyên nghiệp của Thanh tra thành phố, Thanh tra Sở GD&ĐT và Đoàn Kiểm tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến từ Trường ĐH Cảnh sát nhân dân và Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã hỗ trợ hiệu quả các điểm thi thực hiện nhiệm vụ đúng quy chế, góp phần vào sự thành công của kỳ thi.

Ngay sau khi hoàn thành khâu coi thi, Hội đồng thi sẽ tiến hành công tác chấm thi và sẽ công bố kết quả thi vào ngày 27/8.

Thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT, xin cám ơn các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện đã phối hợp hiệu quả với Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Công bằng cho tất cả thí sinh

Mặc dù kỳ thi được giao cho địa phương chủ trì nhưng Bộ GD&ĐT sớm có những chỉ đạo sát sao, khoa học, bài bản, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Bộ đã có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi rất cụ thể, thuận lợi cho địa phương trong chuẩn bị và triển khai.

Năm nay, Bộ chọn lực lượng thanh tra về địa phương là những người có tâm, tính chuyên nghiệp cao và phần phối hợp rất chặt chẽ trên quan điểm cùng phối hợp với địa phương để kỳ thi được tổ chức tốt hơn. Vì vậy, đã tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện kỳ thi nghiêm túc, an toàn đúng quy chế.

Ông Thái Văn Thành.

Về phía địa phương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt và chu đáo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc chuẩn bị cho kỳ thi một cách tối ưu. Bảo đảm thực hiện 2 mục tiêu: Kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc đúng chất lượng và tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho cán bộ coi thi, thí sinh và phụ huynh ở các trường thi. Chính điều này, thanh tra Bộ cũng đã khẳng định và đánh giá rất cao công tác chuẩn bị phòng dịch của Nghệ An. Đây là thành công lớn nhất của kỳ thi ở Nghệ An năm nay.

Nghệ An có 1 thí sinh thuộc diện F2, sẽ cùng với những thí sinh còn lại trong cả nước tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2. Ngoài ra, Nghệ An cũng có một trường hợp thí sinh muộn giờ thi trong kỳ thi đợt 1 vừa xong. Sở cũng sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép em này được cùng tham gia thi đợt 2.

Thời gian, địa điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do Bộ GD&ĐT quyết định. Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ hỗ trợ hết sức cho thí sinh của tỉnh. Trường hợp kỳ thi diễn ra ở tỉnh khác, Sở sẽ chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường đi cùng với thí sinh, phụ huynh tới điểm thi. Các thí sinh cũng không nên quá lo lắng, yên tâm nghỉ ngơi, thư giãn, ôn tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới.

Từ ngày 11/8, Nghệ An sẽ tiến hành chấm thi. Tổng số bài thi của tỉnh là hơn 250 nghìn. Trong đó, có hơn 30 nghìn bài thi môn Ngữ văn chấm tự luận, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ quét trên máy tính.

Một điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ chức đối sánh điểm thi với điểm học bạ của thí sinh. Từ đó so sánh mặt bằng chung chất lượng giáo dục giữa các tỉnh thành với nhau. Đồng thời, so sánh giữa kết quả thi và kết quả học tập thực của thí sinh trên lớp. Việc đối sánh kết quả thi cũng là một cơ sở để địa phương đánh giá lại chất lượng dạy – học. Qua đó, có điều chỉnh trong kế hoạch, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm học tới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/an-tuong-ve-ky-thi-dac-biet-1597121845967.html