Ấn tượng với mô hình Tết sum vầy của nữ sinh ở Sóc Trăng
Với mong muốn giữ lại nét văn hóa xưa của quê hương Nam Bộ, một nữ sinh lớp 12 ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã tái hiện lại hình ảnh ngôi nhà Tết xưa Nam Bộ độc đáo.
Theo em Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (học sinh lớp 12, trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung), sau khi được chiêm ngưỡng nhiều mô hình miền Tây của một nhóm tác giả sáng tạo và ký ức tuổi thơ của mình, em đã lựa chọn mô hình "Tết sum vầy của vùng đất Nam Bộ" với ngôi nhà quen thuộc, không khí của những ngày Tết quê hương.
Mô hình nhà tết của em có kích thước 30×20×17,4 cm. Trong ngôi nhà mô hình này gồm có bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thần tài, bánh chưng bánh tét, những trò chơi giải trí ngày tết như bầu cua tôm cá, lô tô, đánh bài, múa lân và đặc biệt không thể thiếu những cây mai vàng kèm những bao lì xì màu sắc.
Theo Mỹ Xuyên, để thực hiện mô hình ngôi nhà Tết xưa Nam Bộ, em đã có gần 1 tháng chuẩn bị và hai tuần để lắp ráp, hoàn thiện mô hình Tết sum vầy với đầy đủ từng chi tiết, tái hiện lại không khí tết ngày xưa. Mô hình không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là giá trị tinh thần.
Mỹ Xuyên chia sẻ: "Em gửi lời cảm ơn đến anh Nguyễn Phúc Đức và Thế giới Tí hon đã sáng tạo ra nhiều mô hình miền Tây và ký ức tuổi thơ, tạo nguồn cảm hứng cho em theo đuổi được sở thích của mình".
Mỹ Xuyên cho biết thêm, sở dĩ "em lựa chọn mô hình Tết sum vầy này cũng vì muốn tái hiện lại cái không khí Tết xưa, từ hình ảnh khói nhang trên bàn thờ luôn nghi ngút. Trước giao thừa, cúng gia tiên ông bà tổ tiên về ăn cơm, vui tết. Đến ngày mồng ba Tết thì “đưa ông bà”. Cái không khí ấy ngày càng trở nên xa xỉ với nhiều người con xa quê nhà, lại càng hiếm có cơ hội được trải nghiệm hơn đối với các bạn trẻ ngày nay. Em muốn thông qua mô hình này, giúp mọi người phần nào có những ký ức, gợi nhớ lại những khoảnh khắc sum họp bên gia đình, hay giúp các bạn trẻ có thể hình dung được không khí tết xưa ra sao, ấm cúng hơn, vui tươi và đặc biệt là đầy đủ hơn tết thời nay".
Thầy Nguyễn Minh Vương, giáo viên Trường THPT Đoàn Văn Tố nhận xét: “Khi thấy mô hình ngôi nhà tết xưa Nam Bộ của Mỹ Xuyên, tôi rất thích, trước là sự khéo tay của em, sau là gợi cho tôi và nhiều người khác về hình ảnh tết xưa của vùng đất Nam Bộ như hoa mai vàng, bánh chưng bánh tét, múa lân cùng các trò chơi vui. Tôi thích mô hình cũng như thông điệp mà em gửi vào tác phẩm của mình”.