Giám tuyển nghệ thuật – cơ hội và thách thức
Chưa có trường lớp đào tạo chính thống, cũng chưa có tên trong danh mục nghề nghiệp, 'giám tuyển' là một danh vị còn khá mới mẻ đối với nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ngay cả trong giới chuyên môn, không ít người vẫn còn mơ hồ về khái niệm về vai trò của 'giám tuyển'. Và để thực hành giám tuyển thật sự trở thành một nghề chuyên nghiệp và phát triển được trong bối cảnh hiện nay thì bên cạnh cơ hội cũng còn nhiều thách thức.
Mặc dù danh vị "giám tuyển" đã được dùng trong cộng đồng nghệ sĩ từ khá lâu, hay xuất hiện nhiều trong các triển lãm nghệ thuật, nhưng "giám tuyển" lại là khái niệm tương đối mới mẻ và chưa thật sự được chuyên nghiệp hóa tại Việt Nam. Trong khi đó, việc các bảo tàng sở hữu một đội ngũ thực hành giám tuyển chuyên nghiệp là điều rất cần thiết để có thể phát huy được tối đa công năng và giá trị của những thiết chế văn hóa này.
Gần đây, với sự phát triển đa dạng của nghệ thuật, những tọa đàm nghiên cứu thảo luận về lĩnh vực này đã được tổ chức nhiều hơn mở ra những góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về thực hành giám tuyển. Tuy nhiên giám tuyển vẫn chưa được quan niệm như một nghề chuyên nghiệp, chưa được đưa vào chương trình đào tạo bài bản. Đây có thể xem là mặt hạn chế đối với lĩnh vực này.
Với sự nỗ lực của những người làm công tác sáng tạo cùng với sự quan tâm của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, hi vọng tương lai gần sẽ có thêm nhiều hướng đi mới cho những người làm văn hóa, giúp khái niệm "giám tuyển" trở nên rõ ràng hơn; qua đó góp phần chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật, cũng như thúc đẩy cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam./.
Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/giam-tuyen-nghe-thuat-co-hoi-va-thach-thuc-243159.htm