An vị bàn thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính, tránh điều hung hiểm
Thờ cúng tổ tiên là phong tục lâu đời trong văn hóa tâm linh của người Việt. Nó thể hiện sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái gốc của mình, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái.
Người ta thường nói tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu là như vậy. Bởi vậy khi xây dựng nhà cửa, bàn thờ gia tiên cũng là một trong những yếu tố đầu tiên được các gia chủ chú ý.
Vị trí thể hiện sự thành kính
Bên cạnh bàn thờ gia tiên, nhiều gia chủ theo đạo Phật cũng bài trí bàn thờ Phật tại gia. Trong trường hợp này cần lưu ý, bài vị tổ tiên không được đặt cao hơn bàn thờ Phật, bởi sẽ phạm xung. Nếu bài vị tổ tiên đặt cao hơn tượng Thần, Phật sẽ khiến trong nhà “hạ phạm thượng”, “nô phụ chủ”, “thiên địa điên đảo”, “nữ cường nam suy” vì hiểu một cách đơn giản theo dân gian: Phật đã đạt được sự giải thoát, là bậc Đại giác, không thể ở thấp hơn chúng sinh (cấp cao hơn). Thực ra, chúng sinh cũng là Phật nhưng chưa được giác ngộ, làm vậy để trọng Phật. Người thờ Phật nên quy y để hiểu được những điều căn bản nhất về việc thờ cúng với đạo, không nên tùy tiện hiểu theo suy nghĩ chủ quan của bản thân mà có tà kiến về việc thờ cúng. Nếu không làm được những điều kiện đó thì nên cẩn trọng trong việc lập bàn thờ Phật.
Tín ngưỡng dân gian cho rằng, con người chết là chỉ mất đi phần xác, vong hồn của họ vẫn tồn tại, vẫn có thể viếng thăm, phù hộ người thân, cho dù người sống không nhìn thấy. Cũng vì vậy ở nước ta, việc thờ cúng ông bà là tập tục có từ cổ xưa. Nhiều người khi được hỏi về đức tin tâm linh vẫn nói là mình theo đạo thờ ông bà. Đức tin ấy được cụ thể hóa bằng bàn thờ tổ tiên trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội. Bàn thờ thường là một giá gỗ được gắn ở bức tường trung tâm của ngôi nhà chính, ở tầm cao trên tay với của người lớn, mỗi lần hương khói người ta phải đặt ghế để đứng lên trong tư thế thành kính.
Ở một số vùng, vị trí ấy là chiếc tủ thờ bằng gỗ, cao gần tầm đầu người lớn, được chế tác công phu. Ở những nhà khá giả, tủ thờ được làm bằng gỗ quý, chạm khắc tinh xảo; ở những gia đình bình dân, chiếc tủ thờ vẫn là vật đẹp nhất trong nhà, thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của người đang sống với tổ tiên. Nhiều người cho rằng, vị trí đặt bàn thờ gia tiên thuận lợi nhất là tại đại sảnh đôí̀ diện trực tiếp với cửa chính sao cho mỗi khi bước vào nhà đều nhìn thấy bàn thờ. Tuy nhiên để phù hợp với phong thủy, bàn thờ gia tiên nên đặt ở hướng Tây Bắc của ngôi nhà hoặc của căn phòng. Bởi vì đây là hướng tượng trưng cho trời. Bởi, bàn thờ thuộc âm tính, hướng Tây Bắc là hướng dương tính sẽ tạo nên sự hài hòa âm dương. Lưu ý, phía sau bàn thờ không được dựa vào cửa kính hoặc của sổ mà phải dựa vào tường vững chãi. Đặc biệt, khi đặt bàn thờ nhất thiết phải đặt ở vị trí và hướng tốt so với tuổi của gia chủ.
Theo cách xây nhà truyền thống của người Việt thì ngôi nhà thường có ba hoặc năm gian. Trong đó, gian giữa được xem là gian trung tâm của căn nhà và cũng là vị trí đặt cửa ra vào, mở cửa là nhìn thấy trời đất, âm dương hòa hợp. Bởi vậy, gian giữa cũng là gian được các gia đình đặt bàn thờ. Tuy nhiên hiện nay ở các thành phố đông dân cư, do diện tích nhỏ nên các gia chủ thường mở rộng không gian sống theo hướng xây cao tầng và thường thiết kế một gian phòng thờ riêng biệt ở tầng trên cùng. Vị trí này không chỉ tạo được không khí trang nghiêm mà còn thuận tiện cho gia chủ trong việc cúng bái, hóa vàng ngoài trời. Dù có sự khác nhau về hình thức như vậy nhưng trường hợp nào, bàn thờ cũng phải ưu tiên đặt ở vị trí trang trọng và có độ cao phù hợp thể hiện sự ngưỡng vọng thành kính của mình với gia tiên. Theo đó, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, phía trên là nóc nhà và bầu trời, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên, không đối diện giường ngủ, tránh việc đi từ ngoài cửa vào đã nhìn thấy bàn thờ, hình ảnh tổ tiên…
Nhìn chung, gia chủ nên cân nhắc vị trí đặt bàn thờ ngay khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Ví dụ, muốn đặt dưới tầng một thì bàn thờ nên nằm sát giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng, nằm ở phía sau nhà và không lộ diện ra phòng khách. Khi đặt trên tầng, bàn thờ nên kín đáo với người ngoài và gần gũi với người trong gia đình.
Bài trí bàn thờ
Bàn thờ là nơi linh thiêng, thanh khiết, nên ngoài các đồ đạc dùng để tế tự và trang hoàng, nhất thiết không được để vật dụng gì lên đó. Trung tâm của bàn thờ là bát nhang, phía sau bát nhang là di ảnh của những người đã khuất. Cách bài trí bàn thờ gia tiên cũng rất phong phú, tùy vào điều kiện gia chủ để thể hiện lòng thành với người đã khuất. Nếu nhà khá giả, trước di ảnh có thể bài trí đỉnh đồng để đốt trầm vào mỗi dịp lễ tết, cúng giỗ. Đỉnh thường được chạm khắc long, lân, mai, trúc. Hai bên bát nhang phía trước là đôi chân đèn để thắp nến, có ý nghĩa tượng trưng cho đôi vầng nhật nguyệt, cũng để nói lên người chết nhưng linh hồn của họ thì không tắt. Ở một số nơi, vị trí đôi chân đèn người ta dùng hai ngọn đèn dầu để thay thế. Tường sau không gian bàn thờ có thể bài trí hoành phi, liễn đối bằng Hán tự sơn son thếp vàng, có nội dung nói lên công đức của người đã khuất. Nếu không có điều kiện bài trí hoành phi, liễn đối thì có thể treo tranh thờ, thường là tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, cá chép vượt vũ môn hay các chữ như Phúc, Lộc, Thọ (bằng Hán tự).
Bàn thờ gia tiên theo phong tục người Việt xưa có Ngai thờ và Khám thờ. Ngai thờ cao ngang ngực đặt trước khám thờ cao ngang mặt, trên Ngai thờ đặt Ngũ sự hoặc Thất sự. Ngũ sự gồm bát hương để ở giữa, hai chân đèn đặt hai bên, phía sau là độc bình cắm hoa đặt sau chân đèn bên trái và khay quả đặt sau chân đèn bên phải. Thất sự là gồm Ngũ sự cộng thêm đỉnh hương và đèn Thái cực, cách bày biện có khác chút ít là đỉnh hương nằm giữa ngang chân đèn, bát hương đặt trước đỉnh hương và đèn Thái cực đặt sau đỉnh hương. Khám thờ có cửa mở ra đóng lại bên trong đặt các linh vị tổ tiên, ngay chính giữa khám thờ viết hai chữ “Thần Chủ”. Ngày nay, phần lớn các gia đình không lập bàn thờ, tất cả ngai thờ và khám thờ được thay thế bằng tủ thờ. Tủ thờ có độ cao ngang mặt, đặt sát vách phía trên bày biện đồ thờ tự, phía dưới trong tủ chứa các vật dụng liên quan rất tiện dụng. Nếu nhà trệt ít phòng thì đặt tủ thờ ngay phòng khách đối diện cửa ra vào, nếu có phòng thờ riêng thì bố trí cạnh phòng khách, đối diện tủ thờ phải có cửa sổ để lấy dương khí. Còn với nhà lầu thì đặt trên tầng cao nhất, đối diện tủ thờ cũng phải có cửa. Trên tủ thờ bày biện Ngũ sự hoặc Thất sự, sát vách đặt một ngai cao có bài vị Cửu Huyền Thất tổ, hai bên ngai đặt di ảnh của người thân.
Bát hương làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng tốt nhất vẫn là bằng kim loại: đồng, vàng, bạc. Khi bốc bát hương mới phải hết sức cẩn thận, nhất tâm nhất niệm, trong lòng thư thái, không có ý nghĩ vẩn đục. Trong bát hương chỉ có cát trắng khô sạch, vàng bạc, đá ngũ sắc, ghi rõ tổ họ. Ngày 23 tháng Chạp sau khi đưa ông Táo chầu trời thì gõ các chân hương đem ra sân đốt thả ra sông, sau đó dọn dẹp vệ sinh lại tủ thờ, nhưng không được dùng nước rửa vì bàn thờ mệnh Hỏa - Hỏa khắc Thủy. Đến trưa ngày 30 tháng Chạp mới cúng rước ông bà và bắt đầu thắp hương lại. Điều cần lưu tâm là nếu bày biện Thất sự thì ngọn đèn Thái cực luôn sáng. Khi bát hương tự hóa không được vội vàng đổ nước vào mà từ từ chuyển các vật dụng dễ cháy ra. Khi bát hương cháy hết, chuyển các vị trí về như cũ. Bát hương cháy có hai loại: Hóa dương - tốc độ cháy nhanh, hóa âm - cháy từ từ. Tùy theo mức độ cháy mà có thể dự báo cát hung. Nếu bát hương cháy bị hỏng, cháy lan ra bàn thờ thì tùy theo tình hình kinh tế của gia chủ mà thay bàn thờ và bát hương mới.
Việt Hà (ghi)