Ðảng cầm quyền trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam có vai trò và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước. Tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011, đánh giá ba chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000; 2001 - 2010; 2011 - 2020 đòi hỏi ở Ðảng tầm cao trí tuệ để tiếp tục làm rõ những vấn đề thực tiễn, lý luận về đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam có vai trò và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước. Tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011, đánh giá ba chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000; 2001 - 2010; 2011 - 2020 đòi hỏi ở Ðảng tầm cao trí tuệ để tiếp tục làm rõ những vấn đề thực tiễn, lý luận về đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với tư duy chiến lược và tầm nhìn xa, Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định phương hướng phát triển không chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2026 mà cho nhiều năm sau. Bản chất và tính ưu việt của chế độ chính trị phụ thuộc bản chất cách mạng, khoa học, trí tuệ và trách nhiệm của Ðảng cầm quyền. Sự phát triển bền vững của đất nước cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, là thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng cầm quyền.
Con đường xã hội chủ nghĩa đã được Ðảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam lựa chọn từ năm 1930 khi Ðảng ra đời. Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trải qua thử thách của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và đổi mới xây dựng, phát triển đất nước. Trên thế giới, các mô hình chủ nghĩa xã hội cũng đã tỏ rõ bản chất tốt đẹp, sức mạnh, nhưng cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, khuyết tật và ảnh hưởng xấu của chủ nghĩa xét lại, cơ hội, sự phản bội chính trị, dẫn tới khủng hoảng, sụp đổ. Ðó cũng là bài học để phát triển nhận thức, kiên quyết bảo vệ những giá trị đúng đắn, tốt đẹp. Ðảng Cộng sản Việt Nam khẳng định nguyên tắc đổi mới là để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội bằng những nhận thức mới và những hình thức, bước đi và giải pháp thích hợp, chứ không phải xa rời con đường, mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Kiên định những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, đồng thời không ngừng phát triển sáng tạo. Thực tiễn đổi mới đã ngày càng sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sáng tỏ hơn về mục tiêu và mô hình chủ nghĩa xã hội; về những phương hướng và giải pháp căn bản gắn với hình thức, bước đi thích hợp; về nội dung và khả năng bỏ qua chủ nghĩa tư bản và tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Khi tổng kết 30 năm đổi mới, Ðại hội XII của Ðảng (tháng 1-2016) cho rằng: “Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”. Dự thảo Văn kiện Ðại hội XIII tiếp tục sự tổng kết cả thực tiễn và lý luận để làm rõ những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Các quan hệ lớn là những vấn đề đặt ra về lý luận. “Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Ở tầm phát triển cao về lý luận, Dự thảo Văn kiện Ðại hội XIII nhấn mạnh nhận thức về từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với lực lượng sản xuất ngày càng hiện đại. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, khắc phục phân hóa giàu nghèo. Xác định rõ động lực mới của sự phát triển, nhất là nguồn nhân lực và sự phát triển khoa học - công nghệ. Bảo đảm sự thống nhất giữa vai trò của Ðảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân để hoàn thiện, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị, trong điều kiện một Ðảng duy nhất cầm quyền. Rõ ràng xây dựng Ðảng về tư tưởng, lý luận, trí tuệ không chỉ là yêu cầu tự thân của Ðảng mà chính từ yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.
Ðại hội VI của Ðảng (tháng 12-1986) khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu. Năm 1985, GDP của Việt Nam là 14 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 280 USD. Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Năm 2008, ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển đứng vào các nước có thu nhập trung bình. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là 1.159 USD. Năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.750 USD. Tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ qua 35 năm đổi mới, song vẫn ở mức thu nhập trung bình thấp của thế giới. Trải qua 35 năm đổi mới, dân số tăng gấp hai lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần. Với điểm xuất phát quá thấp, lại trải qua nhiều thách thức, đạt được mức như vậy là sự cố gắng phi thường. Ðó sẽ là bệ đỡ để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn trong chặng đường tiếp theo.
Tư tưởng chỉ đạo trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” và cũng là mục tiêu trong văn kiện trình Ðại hội XIII là: đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ðó là mục tiêu rất cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Về thực tiễn và lý luận cần làm rõ tiêu chí của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và nước phát triển. Ðến năm 2030 có thu nhập trung bình cao nghĩa là thu nhập trung bình phải đạt khoảng 30.000 USD, gấp 10 lần hiện nay. (Khung thu nhập trung bình của thế giới là hơn 1.000 USD đến dưới 40.000 USD). Ðến năm 2045 có thu nhập cao nghĩa là hơn 40.000 USD/người/năm.
Những năm tháng đầu tiên của công cuộc đổi mới, động lực của sự phát triển chính là lợi ích kinh tế của người lao động, của cơ chế thị trường đã làm cho sản xuất bung ra, nhất là khi lực lượng sản xuất được giải phóng khỏi cơ chế hành chính, bao cấp. Ðộng lực còn là sự ổn định của chế độ chính trị, của sự đoàn kết đồng thuận xã hội. Ngày nay, để đất nước phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu đã đề ra cho thời kỳ mới, cần thiết phải chú trọng các khâu đột phá, tạo nên động lực mới. Ðổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa, thể chế hóa trong hệ thống chính sách pháp luật. Nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra năng suất lao động cao, lợi nhuận lớn, nhất định phải là một động lực chủ yếu cho đất nước phát triển. Các quy luật của kinh tế thị trường văn minh như quy luật giá trị và lợi nhuận, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật sản xuất và tiêu dùng thông minh, quy luật xây dựng kinh tế tự chủ và hội nhập quốc tế được nhận thức và vận dụng đúng đắn, chắc chắn tạo động lực mạnh mẽ.
Sự phát triển của đất nước không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là sự hoàn thiện chế độ chính trị, phát triển xã hội, phát triển văn hóa, con người. Chế độ chính trị được Ðảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và không ngừng được hoàn thiện đến ngày nay là nền chính trị văn minh, mang giá trị của chiều sâu văn hóa. Ðó là nền chính trị hướng tới vấn đề trung tâm là nhân dân, con người, là quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân và quyền sống thật sự của con người, là sự thống nhất giữa quyền dân tộc và quyền con người. Ðó là nền chính trị đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đoàn kết toàn dân tộc để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên Ðảng Cộng sản cầm quyền 1945-1946, Ðảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chân thành mong muốn tập hợp cả những nhân vật đối lập, vì lợi ích dân tộc mà hợp tác với Nhà nước cách mạng. Giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước (30-4-1975), Ðảng tuyên bố ngay chính sách hòa hợp dân tộc. Ngày nay vẫn là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðó là nền chính trị của ý chí tự lực, tự cường dân tộc, phải chống lại các thế lực ngoại xâm hùng mạnh và tàn bạo, vì chân lý Không có gì quý hơn độc lập tự do, đồng thời nêu cao chủ nghĩa nhân văn vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác với cả những thế lực một thời là địch thủ.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc văn hiến - sự hội tụ của văn hóa, học thức, đạo đức và cái đẹp. Truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn là: “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” (Nguyễn Trãi) và “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” (Hồ Chí Minh). Tư tưởng sáng ngời đó đã và mãi mãi soi sáng hoạt động chính trị đối ngoại của Ðảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Ðảng Cộng sản ở tất cả các nước đều tuân theo chủ nghĩa quốc tế trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và chủ nghĩa xã hội. Bản chất của chủ nghĩa quốc tế của Ðảng Cộng sản là hòa bình, hữu nghị, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau vô tư, chân thành. Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam biết ơn và không bao giờ quên sự giúp đỡ của đồng chí, bạn bè quốc tế trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đồng thời sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh xương máu để cứu bạn lúc hoạn nạn. Hiện nay, trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp, khó lường, Ðảng chú trọng hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự, quốc phòng, đồng thời có đường lối đối ngoại đúng đắn nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để đất nước ngày càng phát triển bền vững.
Ðảng cầm quyền chú trọng chiến lược an ninh quốc gia, an ninh truyền thống, đồng thời xây dựng chiến lược, chính sách bảo đảm an ninh phi truyền thống. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai; bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường; bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh. Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 và chống thiên tai, bảo vệ môi trường vừa qua cho thấy an ninh phi truyền thống có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng luôn luôn là vấn đề then chốt bảo đảm cho đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng Ðảng, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng. Nắm vững và thực hiện đúng đắn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng.
Hiện nay, Ðảng nhấn mạnh quan điểm: Xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Kiên quyết chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực khác. Chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Thực tiễn Ðảng lãnh đạo Nhà nước, cầm quyền từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã không ngừng phát triển nhận thức về Ðảng cầm quyền, về quyền của Ðảng cầm quyền. Ðó là quyền quyết định Cương lĩnh, đường lối để phát triển toàn diện đất nước; quyền quyết định chế độ chính trị bảo đảm thực hiện mục tiêu chiến lược là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quyền quyết định tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Ðảng thành chính sách pháp luật; quyền bố trí cán bộ và thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị; quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước, hệ thống chính trị bảo đảm thực hiện tốt nhất Cương lĩnh, đường lối của Ðảng cầm quyền. Vai trò và trách nhiệm của Ðảng cầm quyền đã được quy định trong Ðiều 4 Hiến pháp năm 2013. Ðảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. “Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. “Các tổ chức của Ðảng và đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Với vai trò và trách nhiệm lớn lao đó, mọi cán bộ, đảng viên của Ðảng phải thật sự mẫu mực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và có uy tín trong Ðảng và trong nhân dân. Với một Ðảng được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với đội ngũ cán bộ, đảng viên như thế bảo đảm cho Ðảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.