Anh bị cáo buộc vi phạm quy định của WTO trong thỏa thuận thương mại với Mỹ

Thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và Mỹ đang khiến Brussels lo ngại về khả năng London vi phạm các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong bối cảnh EU và Anh vừa ký kết một hiệp định tái thiết quan hệ hậu Brexit.

Washington và London vừa nhất trí giảm thuế ô tô, thép và mở rộng tiếp cận thị trường thịt bò. Ảnh minh họa: Getty Images.

Washington và London vừa nhất trí giảm thuế ô tô, thép và mở rộng tiếp cận thị trường thịt bò. Ảnh minh họa: Getty Images.

Theo tờ Politico ngày 22/5, thỏa thuận được ký giữa Anh và Mỹ trong tháng 5 bao gồm việc cắt giảm thuế đối với ô tô và thép xuất khẩu từ Anh, mở rộng quyền tiếp cận thị trường lẫn nhau đối với mặt hàng thịt bò và để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán trong các lĩnh vực như dược phẩm. Tuy nhiên, do đây không phải là một hiệp định thương mại tự do đầy đủ, giới chức châu Âu và các chuyên gia thương mại quốc tế cảnh báo Anh có thể vi phạm nguyên tắc “đối xử tối huệ quốc” của WTO - quy định yêu cầu các thành viên phải áp dụng ưu đãi thương mại tương tự đối với tất cả đối tác nếu đã dành cho một quốc gia bất kỳ.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Matthias Jorgensen - Trưởng bộ phận phụ trách quan hệ thương mại với Mỹ của Ủy ban châu Âu - khẳng định EU sẽ theo dõi chặt chẽ nhằm bảo đảm thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và Mỹ tuân thủ đầy đủ các cam kết của London trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một nội dung đáng chú ý trong thỏa thuận là việc điều chỉnh hạn ngạch thuế quan, cho phép Anh nhập khẩu 13.000 tấn thịt bò từ Mỹ với thuế suất bằng 0, đồng thời thay thế mức thuế 19% đối với ethanol bằng một hạn ngạch miễn thuế lên tới 1,4 tỷ lít.

Mối lo ngại cũng được đặt ra tại Hạ viện Anh, khi các chuyên gia cảnh báo những điều khoản trong thỏa thuận có thể vi phạm nghiêm trọng quy tắc thương mại đa phương. Giáo sư Michael Gasiorek thuộc Đại học Sussex nhận định một số điều khoản, đặc biệt là liên quan đến thay đổi thuế suất và hạn ngạch, rõ ràng không tương thích với quy định WTO. Ông cảnh báo nếu các thỏa thuận tiếp theo tiếp tục theo hướng này, chính phủ Anh có thể mắc “sai lầm nghiêm trọng”.

Chuyên gia tư vấn thương mại Dmitry Grozoubinski cũng cho rằng thỏa thuận có thể “vi phạm một phần nhỏ” quy định WTO, cụ thể là tạo ra hạn ngạch ưu đãi riêng biệt dành cho Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Kinh doanh Hạ viện Anh, ông Liam Byrne, đề nghị Chính phủ tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu nhằm duy trì các nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu. Ủy ban cũng khuyến nghị Anh nên cân nhắc tham gia Cơ chế phúc thẩm tạm thời (MPIA) do Tổ chức Thương mại Thế giới khởi xướng, nhằm đảm bảo hoạt động giải quyết tranh chấp được duy trì trong bối cảnh cơ quan phúc thẩm của WTO hiện không thể vận hành do tình trạng thiếu thẩm phán từ năm 2017.

Hiện tại, Anh vẫn chưa tham gia MPIA, trong khi cơ chế này đã có 27 thành viên, bao gồm EU, Canada, Australia và Trung Quốc - nhưng không có Mỹ. Hai quan chức nội bộ WTO cho biết London đang thận trọng cân nhắc nhằm tránh gây căng thẳng với Washington, trong bối cảnh MPIA được xem là sáng kiến do Brussels thúc đẩy.

Đại sứ Anh tại WTO, ông Simon Manley, cho biết việc gia nhập MPIA đang được “xem xét tích cực”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh khẳng định: “Chúng tôi là những người ủng hộ mạnh mẽ vai trò của WTO - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự ổn định và khả năng dự báo cho doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu. Thỏa thuận với Mỹ là bước khởi đầu cho một Hiệp định Thịnh vượng Kinh tế có tính ràng buộc pháp lý, với các vòng đàm phán tiếp theo đang được xúc tiến”.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-bi-cao-buoc-vi-pham-quy-dinh-cua-wto-trong-thoa-thuan-thuong-mai-voi-my-20250522155936197.htm