Anh bỏ 20 triệu USD mua xét nghiệm từ TQ, nhưng không dùng được
Chính phủ Anh đứng trước những điều khoản đầy rủi ro từ hai công ty Trung Quốc: 20 triệu USD cho hai triệu bộ xét nghiệm kháng thể tại nhà, tiền trả ngay, người mua tự vận chuyển.
Đó là một mức giá khá cao, trong khi công nghệ xét nghiệm kháng thể vẫn chưa được chứng minh. Nhưng chính phủ Anh vẫn muốn mua hàng.
Sau đó, các quan chức tự tin hứa với công chúng rằng bộ xét nghiệm kháng thể đối với người mắc Covid-19 sẽ sớm bán tại các tiệm thuốc trong vòng chỉ hai tuần tới. “Đơn giản như thử thai”, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố. “Đây là thứ sẽ thay đổi cuộc chơi”.
Nhưng có một vấn đề: Những xét nghiệm trên không dùng được.
Nhanh nhưng "không đủ chính xác"
Đại học Oxford kết luận các bộ xét nghiệm trên không đủ chính xác, nên nửa triệu bộ xét nghiệm đang ngồi bám bụi ở trong kho. Khoảng 1,5 triệu bộ xét nghiệm khác mua từ nguồn khác giờ cũng để không.
“Có lẽ họ đã đi quá nhanh”, giáo sư Peter Openshaw từ trường Imperial College London, một thành viên của nhóm cố vấn chống virus hô hấp của chính phủ Anh, nói với New York Times. “Các chính khách chịu sức ép lớn phải đứng ra và nói những điều lạc quan”.
Một người phát ngôn của cơ quan y tế Anh nói chính phủ đã đặt số lượng bộ xét nghiệm nhỏ nhất mà người bán cho phép, và chính phủ sẽ cố lấy lại tiền, mà không nói rõ như thế nào.
Câu chuyện nói trên cho thấy rủi ro của thị trường thiết bị y tế đầy hỗn loạn trên thế giới, trong đó các chính phủ đều vội vã, “nhanh tay” muốn giành lấy thiết bị để chiến đấu với dịch bệnh ở nước mình, theo New York Times.
Xét nghiệm kháng thể đang được coi là chặng tiếp theo của cuộc chiến chống dịch, cho phép giới chức đánh giá bệnh đã lây lan đến đâu và ai có thể đã có miễn dịch - rất quan trọng để quyết định mở lại kinh tế vào thời điểm nào và như thế nào.
“Chừng nào chính phủ không xét nghiệm trong cộng đồng, chúng ta sẽ còn phong tỏa”, Nicolas Locker, giáo sư virus học tại Đại học Surrey, Anh, nói với New York Times.
Nhưng thương vụ mua xét nghiệm kháng thể từ Trung Quốc gần như “đánh cược” nói trên của chính phủ Anh phản ánh sự lo sợ mà giới chức Anh đang cảm thấy khi sức ép của dư luận lên cao về phản ứng chậm của chính quyền.
Trong khi Đức đã xét nghiệm 50.000 lượt/ngày từ đầu, trước khi có các xét nghiệm kháng thể, và hiện tăng lên 120.000 lượt/ngày, Anh vẫn xét nghiệm chỉ 20.000 lượt/ngày.
Như vậy, Anh đã không đạt chỉ tiêu đặt ra trước đó, là đến giữa tháng 4 phải đạt 25.000 lượt xét nghiệm/ngày. Nhưng các quan chức đang hứa hẹn sẽ lên tới 100.000 vào cuối tháng và 250.000 sau đó.
Các quan chức Anh giải thích rằng họ đã khởi đầu ở đằng sau vì thiếu các công ty xét nghiệm tư nhân lớn như ở Đức và Mỹ, những nơi có thể sản xuất và tiến hành hàng chục nghìn xét nghiệm.
Nhưng khi mà Anh đang đẩy mạnh khả năng xét nghiệm, nước này cũng bị cả châu Âu bỏ lại xa trong cuộc đua tìm kiếm nguồn cung có hạn các hóa chất, ống nghiệm, hay que phết dịch - đều cần thiết để xét nghiệm chẩn đoán virus.
Vì vậy, khi các công ty Trung Quốc ra giá với các lô hàng xét nghiệm kháng thể, chính phủ Anh biết rằng các nước khác cũng đang tìm mua. Trong khi đó, các công ty y tế của Trung Quốc biết mình nắm quân át chủ bài, và thường đòi người mua quyết định có hoặc không ngay lập tức, thậm chí có bên chỉ cho 24 giờ để trả tiền.
Những hứa hẹn không tưởng
Cả hai công ty Trung Quốc nói trên đều khẳng định sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Các quan chức y tế ở Anh kiểm tra các thông số trên giấy tờ, trong khi Bộ Ngoại giao cử người đang trú ở Trung Quốc đến kiểm tra sản phẩm.
Vài ngày sau khi đi tới thỏa thuận, các quan chức y tế Anh ở London hào hứng hứa hẹn về xét nghiệm mới. Một quan chức y tế cao cấp phụ trách bệnh truyền nhiễm, Sharon Peacock, nói với một ủy ban của quốc hội rằng xét nghiệm này chỉ cần chọc vào da lấy máu, có thể thực hiện ở nhà, và sẽ sớm bán ở các hiệu thuốc với giá rẻ.
Nhưng giờ đây, sau khi âm thầm thừa nhận rằng lô hàng trên là một thất bại, giới chức y tế đang bảo vệ vụ mua hàng trên là một bài học quý giá về việc lên kế hoạch cẩn trọng.
Giáo sư Chris Whitty, quan chức y tế hàng đầu trong chính phủ, nói đây là vụ đổ bể trong dự kiến.
“Sẽ rất ngạc nhiên nếu ngay từ đầu chúng ta đã tìm được những thỏa thuận tốt nhất cho những xét nghiệm kiểu này”, ông nói. “Mua hàng sớm là điều nên làm”.
Nhưng Greg Clark, chủ tịch một ủy ban trong Quốc hội đang giám sát phản ứng đối với virus corona, nói những hứa hẹn của chính phủ ban đầu là không tưởng. “Chưa nước nào trên thế giới có thể tiến hành xét nghiệm kháng thể quy mô lớn”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi nghĩ bài học đã rõ ràng”, ông nói thêm, “rằng lẽ ra chúng ta nên hành động sớm hơn và đầy đủ hơn để tận dụng mọi cơ sở xét nghiệm mà chúng ta có”.
Sau vụ đổ bể, các công ty Trung Quốc lại đổ lỗi cho các quan chức Anh vì hiểu sai và nói quá về tác dụng của xét nghiệm. Wondfo BioTech, một trong hai công ty, nói với Global Times, phụ bản của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng sản phẩm của công ty chỉ để “dùng bổ sung” cho các bệnh nhân đã dương tính với virus.
Công ty còn lại, AllTest, ra thông cáo nói xét nghiệm chỉ “dành cho chuyên viên sử dụng”, chứ không phải để bệnh nhân dùng ở nhà.
Các bác sĩ cũng nói mô tả của chính phủ về xét nghiệm kháng thể có thể dẫn đến hiểu lầm.
Việc so sánh xét nghiệm kháng thể với thử thai dễ gây hiểu lầm rằng xét nghiệm kháng thể sẽ xác định xem người bệnh có nhiễm virus hay không. Nhưng trên thực tế, lượng kháng thể trong cơ thể có thể không tăng đến mức phát hiện được trong giai đoạn đầu nhiễm virus, có thể mất đến 20 ngày, tức trong thời gian đó, xét nghiệm kháng thể sẽ âm tính.
“Mọi người đều đang hứa quá lên”
Một phòng thí nghiệm quân đội Anh cũng đang phát triển bộ xét nghiệm kháng thể, nhưng chủ yếu để giúp quan chức y tế Anh đánh giá diễn tiến của dịch bệnh, bằng cách xét nghiệm mẫu dân số, thay vì để đánh giá từng bệnh nhân đơn lẻ. Chính phủ Anh đang hy vọng tận dụng các xét nghiệm từ Trung Quốc cho mục đích trên.
Những xét nghiệm theo kiểu chọc da tay như loại mà chính phủ Anh đặt hàng từ Trung Quốc phức tạp hơn nhiều và vẫn còn sơ khai so với các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, theo các nhà khoa học.
Và vẫn chưa rõ bệnh nhân từng nhiễm virus sẽ được miễn dịch đến mức nào hay trong bao lâu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/4 đã cảnh báo các xét nghiệm nhanh xác định kháng thể như trên “có ý nghĩa hạn chế” đối với bệnh nhân. WHO nói những xét nghiệm này vẫn chưa phù hợp cho mục đích lâm sàng vì chưa được kiểm chứng về tính hiệu quả và chính xác.
Các quan chức Anh đã quá chờ đón và lạc quan về một điều đột phá, New York Times.
Để bù đắp thiếu hụt khả năng xét nghiệm, các phòng lab nghiên cứu đã tìm cách chuyển thành các cơ sở xét nghiệm quy mô nhỏ, để đáp ứng nhu cầu các bệnh viện.
Chẳng hạn Cancer Research UK, một tổ chức phi lợi nhuận, đang chuyển thành phòng thí nghiệm xét nghiệm 2.000 lượt/ngày. Nhưng hiện nay, nơi này vẫn chỉ giới hạn ở vài trăm lượt/ngày vì thiếu các nguyên liệu đang khan hiếm.
Que phết chất dịch để lấy mẫu xét nghiệm cũng đang khan hiếm, theo giáo sư Charles Swanton, giám đốc phụ trách lâm sàng của tổ chức trên. Phòng thí nghiệm của ông phải trả 6 USD cho mỗi que, tức khoảng 100 lần chi phí bình thường, và phải mất 10 ngày mới nhận được hàng.
Chi nhánh ở Anh của tập đoàn dược AstraZeneca bắt đầu lập cơ sở xét nghiệm vào tháng trước, để xét nghiệm cho các nhân viên của mình. Theo đề nghị của chính phủ Anh, AstraZeneca và đối thủ cạnh tranh GlaxoSmithKline đã hợp tác chuyển phòng thí nghiệm tại Đại học Cambridge thành nơi có thể xét nghiệm 30.000 lượt/ngày từ đầu tháng 5.
AstraZeneca cũng hy vọng phát triển xét nghiệm kháng thể, nhưng sẽ cần tới giữa tháng, trong khi xét nghiệm tại nhà như loại mà chính phủ Anh đặt hàng từ Trung Quốc sẽ phải mất lâu hơn nhiều để phát triển, theo Mene Pangalos, giám đốc của AstraZeneca phụ trách các dự án trên.
“Mọi người đều đang hứa quá lên vào lúc này”, ông nói với New York Times. “Tôi không muốn muốn hứa quá lên như thế”.