Anh cấm sử dụng khí cười vì mục đích giải trí

Từ ngày 8/11, Chính phủ Anh chính thức cấm sử dụng và sở hữu khí N2O hay còn gọi là 'khí cười' vì mục đích giải trí.

Theo lệnh cấm, N2O sẽ được quy định là thuốc "Loại C" và được phân loại vào loại thuốc "ít gây hại nhất" theo luật của Anh.

Người liên tục lạm dụng khí gây cười có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù 2 năm. Trong khi đó, người bị phát hiện sản xuất, cung cấp hoặc bán loại khí này phải đối mặt án tù dài hạn. Đáng chú ý, hình phạt tù tối đa cho tội sản xuất, buôn bán khí cười trái phép tăng gấp đôi lên 14 năm.

Lệnh cấm miễn trừ việc sử dụng hợp pháp trong chăm sóc sức khỏe, nha khoa và các ngành công nghiệp khác. Chính phủ cho biết sẽ không cần giấy phép trong những trường hợp như thế nhưng những người sử dụng sẽ cần chứng minh rằng họ sở hữu hợp pháp loại khí này và không có ý định hít nó.

Khí cười gây ra cảm giác hưng phấn, thư giãn và tách biệt với thực tế, ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ, nhưng chính phủ Anh cảnh báo việc hít loại khí này thúc đẩy những hành vi phiền toái và gây nguy hiểm cho sức khỏe, theo Reuters.

Theo số liệu của Bộ Y tế Anh, N2O là loại ma túy phổ biến thứ ba được sử dụng trong nhóm những người từ 16-24 tuổi và sử dụng nhiều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể khiến thần kinh tổn thương hoặc tê liệt.

Bộ trưởng Cảnh sát Chris Philp nhận định việc sử dụng loại khí này trong không gian công cộng lâu nay đã góp phần tạo ra hành vi chống đối xã hội, ảnh hưởng xấu đến các cộng đồng và đây là điều không thể chấp nhận được.

Trong tháng 9, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nói rằng người dân đã "ngán ngẩm" với nạn sử dụng bóng cười ở những nơi công cộng, phát hiện nhiều bình N2O nằm rải rác khắp các đường phố ở Anh.

Đáng nói, bên cạnh những hệ lụy sức khỏe, các chuyên gia còn cảnh báo, khí cười cũng có những tác động đến khí hậu và nhấn mạnh - đây không phải là câu chuyện đùa. Khí N2O có khả năng làm ấm gần gấp 300 lần so với khí CO2 (carbon dioxide). Hơn nữa, loại khí này tồn tại trong khí quyển trung bình 114 năm, nơi nó có thể chuyển đổi thành oxit nitơ làm suy giảm tầng ozone tầng bình lưu và khiến trái đất phải hứng chịu nhiều bức xạ mặt trời hơn, từ đó gây thiệt hại cho mùa màng và sức khỏe con người.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Thanh Niên)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-cam-su-dung-khi-cuoi-vi-muc-dich-giai-tri-a635168.html