Anh cảnh báo lệnh cấm xuất khẩu vắc xin của EU phản tác dụng

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

* Trung Quốc, Nepal, Cuba đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng COVID-19

Anh ngày 21/3 đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm xuất khẩu vắc xin COVID-19 của AstraZeneca nếu khối này không nhận đủ lượng cung cấp đã cam kết, cho rằng động thái như vậy của Brussels sẽ "phản tác dụng".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định "thế giới đang theo dõi" cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin từ hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển, và rằng danh tiếng của Brussels đang bị ảnh hưởng.

Bình luận của ông được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen một lần nữa cảnh báo sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vắc xin đã cam kết trong quý I/2021. Bình luận trên nhiều chương trình thời sự chính trị, ông Wallace cho rằng việc tìm cách "phân chia hoặc xây tường" quanh việc sản xuất vắc xin sẽ ảnh hưởng xấu đến công dân của cả Anh và EU.

Tranh cãi tiếp diễn giữa Anh và EU liên quan dến vắc xin AstraZeneca diễn ra trong bối cảnh chương trình chủng ngừa của Anh đã đạt mức cao mới trong khi EU gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng cũng như làn sóng dịch thứ ba đang khiến nhiều quốc gia thành viên phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế.

Cũng trong ngày 21/3, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức EU cho biết Brussels đã bác đề nghị của chính phủ Anh về việc chuyển giao vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sản xuất tại một nhà máy ở Hà Lan.

Theo đó, nhà máy đặt tại Leiden của nhà thầu phụ Halix được coi là nhà cung cấp vắc xin trong cả 2 thỏa thuận AstraZeneca đã ký với Anh và EU.

Theo quan chức EU nói trên, "những gì sản xuất tại Halix sẽ được chuyển cho EU" và động thái này không vi phạm bất kì thỏa thuận nào. Tuy nhiên, London hiện kêu gọi các bên cần phải tôn trọng thỏa thuận đã ký.

Cho đến nay, EU vẫn chưa phê chuẩn nhà máy Halix ở Hà Lan là địa điểm sản xuất vắc xin của AstraZeneca, tuy nhiên các nguồn tin cho biết dự kiến Brussel sẽ phê chuẩn đề nghị này vào ngày 25/3 tới. Theo luật định, nếu chưa được phê chuẩn, vắc xin sản xuất tại Halix sẽ không được sử dụng trong các nước EU.

Hiện, 2 nhà máy tại Anh cũng được liệt vào danh sách các nhà cung cấp cho EU theo thỏa thuận với AstraZeneca, song đến nay chưa có lô vắc xin nào sản xuất tại đây được chuyển đến EU, bất chấp nhiều đề nghị trước đó của Brussels.

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Phát biểu họp báo ngày 21/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) - ông Mễ Phong, cho biết, tính đến sáng 20/3, hơn 74,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở Trung Quốc.

So với con số khoảng 65 triệu liều vắc xin tính đến ngày 14/3 vừa qua, đã có thêm gần 10 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân chỉ trong chưa đầy một tuần.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Công ty Sinovac Biotech cho hay, đến thời điểm hiện tại, hơn 70 triệu liều vắc xin do hãng này sản xuất đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới.

Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc thực thi các chính sách khác nhau liên quan đến vấn đề cấp thị thực, triển khai các chuyến bay và kiểm soát số người từ nước ngoài nhập cảnh dựa trên tiến độ tiêm chủng cũng như tình hình dịch COVID-19 ở các nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo trên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc - ông Phùng Tư Kiên, thông báo, ở thời điểm hiện tại, nước này sẽ vẫn yêu cầu làm xét nghiệm và cách ly đối với những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc sẽ lưu tâm đến những tiến bộ đạt được trên thế giới trong việc phát triển "hộ chiếu vắc xin" và có thể điều chỉnh các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt tỉ lệ tiêm chủng cao trong dân số.

Nepal cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 của Bharat Biotech

Cục Quản lý dược phẩm thuộc Bộ Y tế Nepal vừa cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 của Công ty dược phẩm Bharat Biotech (Ấn Độ) trong trường hợp khẩn cấp.

Đây là vắc xin thứ ba được cấp phép tại Nepal. Trước đó, cơ quan chức năng Nepal đã cấp phép cho vắc xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và vắc xin của hãng AstraZeneca.

Nepal đã bắt đầu chương trình tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 27/1 vừa qua. Đến nay, sau 2 giai đoạn đã có 1,67 triệu người tại quốc gia Nam Á này được tiêm một mũi vắc xin.

Trong giai đoạn 1, Nepal ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế, nhân viên an ninh, một số quan chức, nhà báo và những người làm việc trong ngành quản lý chất thải.

Trong giai đoạn 2, những người trên 65 tuổi cũng được tiêm phòng.

Cuba tiêm vắc xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Ngày 21/3, Cuba thông báo kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 150.000 nhân viên đang tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đây cũng là một phần trong giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm loại vắc xin tiềm năng Soberana 02 mà nước này đang nghiên cứu.

Theo thông báo, các liều tiêm sử dụng vắc xin Soberana 2 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/3 và những đối tượng được ưu tiên là các nhân viên y tế và những người tham gia tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, qua Twitter, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca cho biết: "Cuba có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 150.000 người và trong thời điểm giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu vắc xin cho thấy nó rất an toàn".

Trước đó, Cuba thông báo có 44.010 người trong độ tuổi từ 19-80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng của vắc xin Soberana 02.

Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 02 sẽ trở thành vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung.

Chính phủ Cuba trước đó cũng thông báo nước này có năng lực sản xuất 100 triệu liều kế hoạch tiêm chủng vắc xin cho toàn bộ 11 triệu dân, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu và cung cấp cho khách du lịch. Ngoài Soberana 02, Cuba cũng đang tiến hành phát triển 4 dự án vắc xin ngừa COVID-19 khác bao gồm Soberana 01, Soberana 01-A, Abdala và Mambisa.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253605/anh-canh-bao-lenh-cam-xuat-khau-vac-xin-cua-eu-phan-tac-dung.html