Anh chuẩn bị ký hiệp định lịch sử với Nhật Bản, tung kế hoạch đổ bộ nhóm chiến hạm tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong ngày 18/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ ký 'Hiệp định Hiroshima' lịch sử khi ông gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trước thềm Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima.
"Hiệp định Hiroshima" sẽ bao gồm các thỏa thuận mới về quốc phòng, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giải quyết những thách thức toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp định này, Thủ tướng Anh cũng sẽ nhất trí về Quan hệ đối tác không gian mạng mới với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, hai quốc gia cũng sẽ công bố khởi động "quan hệ đối tác về chip bán dẫn" để tăng cường chuỗi cung ứng đối với mặt hàng này trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.
Thủ tướng Anh nói rõ: “Hiệp định Hiroshima sẽ chứng kiến chúng ta tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng vũ trang, cùng nhau phát triển kinh tế và phát triển chuyên môn khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới của chúng ta”.
Trong ngày 18/5, Thủ tướng Sunak cũng sẽ đến thăm một căn cứ hải quân và xác nhận quan hệ hợp tác quốc phòng mới giữa London và Tokyo, trong đó có việc tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Anh trong các cuộc tập trận chung sắp tới.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/5, chính phủ Anh thông báo: "Hôm nay, London sẽ xác nhận rằng Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ quay trở lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2025, sau hải trình đầu tiên đến khu vực này vào năm 2021".
Vào tháng 5/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay của Vương quốc Anh do tàu sân bay Lớp Queen Elizabeth dẫn đầu thực hiện hành trình vòng quanh thế giới kéo dài 28 tuần, trong đó lần đầu tiên nhóm này ghé cảng của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Trong hải trình khi đó, nhóm tàu này đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng vũ trang của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ. Vào tháng 7/2021, nhóm tàu đi qua Biển Đông.