Anh đẩy mạnh chiến dịch toàn cầu vạch trần thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Trong chiến dịch truyền thông mới, Chính phủ Anh đưa ra thông điệp cảnh báo người nhập cư những rủi ro và thực tế khi di cư vào Anh bất hợp pháp. Thông điệp đăng tải trực tuyến trên mạng xã hội tập trung vào những người dùng mạng xã hội từ Việt Nam và người Kurd từ Iraq.

Theo tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, tiếp nối thành công của Chiến dịch truyền thông toàn cầu hồi tháng 3, từ tuần thứ 3 của tháng 12, Chính phủ Anh tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông với mục tiêu vạch trần chi tiết các thủ đoạn của tội phạm vận chuyển người di cư trái phép, nhằm đẩy lùi nạn nhập cư trái phép bằng thuyền hơi, kết hợp với các biện pháp tăng cường an ninh biên giới.

Phát biểu tại hội nghị của INTERPOL, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác của cảnh sát quốc tế để chống lại tội phạm mua bán người.

Phát biểu tại hội nghị của INTERPOL, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác của cảnh sát quốc tế để chống lại tội phạm mua bán người.

Đồng thời, Chính phủ Anh cũng tăng cường hợp tác với các nước Đức, Bỉ, Pháp và Hà Lan trong công tác truyền thông, trên cơ sở thực hiện kế hoạch 5 điều về phòng, chống tội phạm vận chuyển người di cư trái phép mà các nước thuộc Nhóm làm việc Calais đã đồng thuận gần đây.

Cụ thể, Bộ Nội vụ Anh sử dụng mạng xã hội đưa các thông điệp tới người Việt và người Kurd từ Iraq, cảnh báo hậu quả khi nhập cư vào Anh trái phép và phơi bày sự thật đằng sau những lời hứa của các nhóm tội phạm. Thông điệp sử dụng những câu chuyện có thật để cảnh báo về hậu quả khi tin vào những nhóm tội phạm đưa người di cư trái phép. Các thông điệp cũng theo sát hành trình của người di cư nhằm cảnh báo, tác động đến quyết định và thay đổi hành vi. Những người nhập cư hiện đang ở Anh cũng được cảnh báo về những hiểm nguy mà gia đình và bạn bè của họ có thể đối mặt và ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch.

Thứ trưởng phụ trách an ninh biên giới và tỵ nạn, Bộ Nội vụ Anh Angela Eagle nhấn mạnh: “Chiến dịch truyền thông này tập trung vào những đối tượng mua bán người, vạch trần thủ đoạn của chúng và cắt đứt nguồn cung. Chúng tôi cảnh báo những người di cư về hành trình nguy hiểm khi vào Anh bất hợp pháp, sử dụng các câu chuyện có thật. Việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế giúp chúng tôi đẩy lùi các nhóm tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần thực hiện Kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Anh. Dưới bàn tay của bọn tội phạm, đã có quá nhiều người đã thiệt mạng trong hành trình di cư vượt biển, và chúng ta cần làm hết sức để đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý”.

Thông điệp truyền thông mới của Chính phủ Anh cảnh báo người nhập cư những rủi ro và thực tế khi di cư vào Anh bất hợp pháp.

Thông điệp truyền thông mới của Chính phủ Anh cảnh báo người nhập cư những rủi ro và thực tế khi di cư vào Anh bất hợp pháp.

Còn Tổng tư lệnh An ninh Biên giới Anh Martin Hewitt cho hay: “Chúng tôi đang thực hiện những biện pháp mới trong kế hoạch bảo vệ biên giới và tăng cường hợp tác quốc tế. Truyền thông là một mắt xích quan trọng. Những người di cư cần cần nhận thức được rằng các đối tượng tội phạm đều không đáng tin cậy. Các băng nhóm tội phạm phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người vô tội. Chúng tôi sẽ đập tan những băng nhóm này, đưa chúng ra trước công lý và ngăn chặn chúng làm giàu từ các thủ đoạn bóc lột và lừa dối”.

Trước đó, tại hội nghị của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) ở thành phố Glasgow (Anh), Thủ tướng Anh Keir Starmer đã mô tả các mạng lưới buôn người đang trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu, đồng thời khẳng định, London sẽ áp dụng cách tiếp cận chống khủng bố để đối phó thách thức này.

Việc Anh thời gian qua tăng cường hợp tác với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm đẩy lùi các băng nhóm buôn người di cư cho thấy đây không chỉ là lời nói suông. Trong năm nay, chiến dịch truy quét tội phạm buôn người quy mô lớn do INTERPOL thực hiện đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng tình nghi. Hàng nghìn nạn nhân và những người có nguy cơ bị những kẻ buôn người nhắm tới được giải cứu.

Những người di cư nhảy xuống nước từ một chiếc thuyền gỗ đông đúc khi họ được các thành viên của một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ trong một hoạt động cứu hộ ở Biển Địa Trung Hải, cách Sabratha, Libya khoảng 20 km về phía Bắc. Ảnh chụp ngày 29/8/2016.

Những người di cư nhảy xuống nước từ một chiếc thuyền gỗ đông đúc khi họ được các thành viên của một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ trong một hoạt động cứu hộ ở Biển Địa Trung Hải, cách Sabratha, Libya khoảng 20 km về phía Bắc. Ảnh chụp ngày 29/8/2016.

Trong khi đó, theo nhận định của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tình hình thế giới đang đầy biến động càng dấy lên những lo ngại về sự gia tăng của các tổ chức tội phạm, cũng như số phận của những người bị trở thành món hàng trong các đường dây xuyên biên giới.

Báo cáo toàn cầu về nạn mua bán người năm 2024 của UNODC thu thập dữ liệu từ 156 quốc gia ở hầu hết các khu vực và tiểu vùng cho thấy, tổng số nạn nhân của nạn mua bán người trên thế giới năm 2022 là hơn 69.600 người, tăng 43% so với mức của năm 2020, thời điểm số trường hợp được ghi nhận giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dữ liệu sơ bộ của năm 2023 cho thấy, xu hướng này còn tiếp diễn. Điều này chứng tỏ, nạn mua bán người đang len lỏi đến mọi ngóc ngách của thế giới.

H.Chi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/anh-day-manh-chien-dich-toan-cau-vach-tran-thu-doan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-i754075/