Anh điều thêm 2 tàu tuần tra đến ADD-TBD, thực hiện sứ mệnh mới kéo dài 5 năm

Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đang leo thang, Anh đã điều thêm hai tàu tuần tra mới đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thực hiện một sứ mệnh hàng hải có thể kéo dài năm năm.

Tờ South China Morning Post ngày 7-9 dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Anh cho biết nước này đã lên kế hoạch cử thêm HMS Tamar và HMS Spey - hai trong số các tàu tuần tra ngoài khơi mới nhất đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo thông báo, hai tàu này đã khởi hành từ Portsmouth ở miền nam nước Anh trong một nhiệm vụ có thể kéo dài trong "năm năm hoặc hơn nữa".

Tàu tuần tra HMS Spey sẽ rời Portsmouth để triển khai đến Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN HOÀNG GIA ANH

Tàu tuần tra HMS Spey sẽ rời Portsmouth để triển khai đến Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN HOÀNG GIA ANH

Các tàu được trang bị một súng phòng không tầm ngắn, các vũ khí cần thiết để phòng thủ trước tên lửa tầm ngắn, rocket, lựu đạn và chất nổ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hiện đang trong đợt triển khai kéo dài 7 tháng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngày 4-9 nhóm tàu đã cập cảng Nhật để thực hiện các cam kết ngày càng tăng của Anh đối với an ninh hàng hải trong khu vực. Dự kiến, tàu sẽ rời Nhật và tiếp tục cuộc hành trình vào ngày 9-9 tới.

Vào cuối tháng 8, Anh đã cùng với Hà Lan, Mỹ và Nhật tập trận hải quân ở Thái Bình Dương để chứng minh khả năng tương tác của lực lượng các nước.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết Bắc Kinh từ lâu đã là nguyên nhân chính cho việc Mỹ tăng cường tập trung chiến lược vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Zhou Chenming - nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh cho biết Mỹ đang tìm cách kêu gọi các đồng minh thân cận như Anh tham gia tuần tra hải quân để tăng cường sự hiện diện ở khu vực.

Theo ông, các tàu tuần tra của Anh có khả năng phòng thủ yếu hơn so với Mỹ, vì vậy nó sẽ không gây ra các thay đổi đáng kể trong cán cân sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, ông lưu ý việc Anh cử thêm các tàu đến khu vực lại có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị.

"Anh muốn chứng tỏ rằng mình vẫn có ảnh hưởng toàn cầu, và họ cũng đang phối hợp với Mỹ về định vị chiến lược" - ông nói.

"Cũng có thể Anh đang cố gắng tạo ra một số vấn đề mới để tìm 'cơ hội' để thảo luận với Trung Quốc về các vấn đề Hong Kong" - ông nhận định.

Trước đó, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Anh Zheng Zeguang đã kêu gọi thiết lập lại quan hệ giữa hai nước, khi căng thẳng gia tăng liên quan tình hình Hong Kong và vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong - một thuộc địa cũ của Anh đã dẫn đến việc London quyết định mở cửa và trao quyền công dân cho những người mang hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO) ở Hong Kong.

Trong khi đó, ông Ni Lexiong - chuyên gia quân sự ở Thượng Hải cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi các hoạt động triển khai của Anh - vốn là một phần trong cam kết hỗ trợ các lực lượng Mỹ ở khu vực, kể cả trong một cuộc xung đột ở Biển Đông.

Theo ông Ni, Mỹ và Anh đang cố gắng thể hiện thái độ này đối với Trung Quốc và thế giới, nhằm gia tăng sức ép và thể hiện khiêu khích đối với các hành động của Trung Quốc ở khu vực.

"Về cơ bản, một tàu sân bay của Anh tiến vào khu vực không phải là một mối đe dọa lớn, nhưng động thái này lại có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, một ý nghĩa về góc độ ngoại giao và chính trị" - ông nói thêm.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/anh-dieu-them-2-tau-tuan-tra-den-addtbd-thuc-hien-su-menh-moi-keo-dai-5-nam-1013819.html