Anh đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang trong thế 'tiến thoái lưỡng nan' về quyết định mức tăng lãi suất khi kinh tế Anh đang đối mặt với hai nguy cơ lớn là lạm phát hai con số và suy thoái kinh tế.

Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Nền kinh tế Anh đang “vật lộn” dưới áp lực từ hai nguy cơ lớn - lạm phát hai con số và khả năng suy thoái kinh tế, đẩy Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quyết định về mức tăng lãi suất.

BoE đã tăng lãi suất năm lần kể từ tháng 12 năm ngoái và dự kiến sẽ công bố quyết định chính sách tiếp theo vào ngày 4/8. Ngân hàng trung ương này cho biết sẽ hành động “mạnh mẽ”, nói cách khác là tăng lãi suất mạnh hơn, nếu áp lực lạm phát kéo dài. Nhưng đồng thời BoE cũng dự đoán kinh tế Anh sẽ gần như không tăng trưởng trong ba năm tới.

Dưới đây là những thách thức đầy mâu thuẫn mà Thống đốc BoE Andrew Bailey và Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đang phải đối mặt.

* Lạm phát và những dự báo về lạm phát

Giá tiêu dùng tại Anh trong tháng Năm đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua, và BoE dự đoán lạm phát sẽ lên đến 11% trong tháng Mười khi giá năng lượng tiếp tục tăng lên.

Hồi tháng 4/2022, mức trần giá năng lượng ở Anh đã tăng từ 1.277 bảng Anh/năm lên 1.971 bảng Anh/năm, phần nào tạo ra gánh nặng tài chính cho khoảng 22 triệu người tiêu dùng. Cơ quan quản lý năng lượng của Anh cho biết mức trần giá năng lượng ở nước này có thể sẽ tăng lên khoảng 2.800 bảng Anh/năm vào tháng Mười tới.

BoE cho biết ngân hàng này hầu như không thể làm được gì để chặn đứng lạm phát trong ngắn hạn và ưu tiên của ngân hàng này là ngăn chặn để đà tăng giá không đẩy cao các dự báo về lạm phát trong dài hạn, điều có thể khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn.

Một trong những thước đo các dự báo lạm phát được theo dõi nhiều nhất là khảo sát của Citi/YouGov đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, nhưng cũng đã cho thấy dấu hiệu ổn định dần hoặc giảm xuống.

* Tăng trưởng tiền lương nhanh hơn

Các mức dự báo cao hơn về lạm phát có thể tác động mạnh đến nền kinh tế thông qua các thỏa thuận tiền lương cao hơn. Tiền lương của người lao động tại Anh đang gia tăng nhanh hơn thường lệ, chủ yếu là vì các khoản tiền thưởng một lần của giới chủ trong nỗ lực nhằm giữ chân và chiêu mộ nhân viên trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.

Tổng tiền lương, bao gồm cả thưởng, đã tăng gần 7% trong các con số thống kê chính thức gần đây nhất cho ba tháng tính đến tháng Tư, cao hơn nhiều so với mức khoảng 3% ngay trước đại dịch COVID-19, trong khi lương cố định chỉ tăng hơn 4%.

Cả hai thước đo trên đều thấp hơn tỷ lệ lạm phát, qua đó cho thấy thu nhập thực tế của hầu hết người lao động đang giảm xuống.

Số liệu khác từ công ty cung cấp dữ liệu tiền lương và nhân sự XpertHR cho thấy mức tăng tiền lương theo năm được đồng thuận tại các công ty Anh đang ổn định ở mức cao lịch sử.

* Tình trạng thiếu hụt lao động

Sự cộng hưởng giữa đại dịch COVID-19 và việc nước Anh rời khỏi (Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit), đã khiến nhiều công ty tại Anh ở nhiều lĩnh vực phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên trầm trọng. Đây là một điều đáng lo nữa đối với BoE vì nó sẽ làm gia tăng áp lực đối với tiền lương.

Số vị trí công việc còn trống tại Anh liên tục chạm các mức cao kỷ lục, dù tốc độ tăng đã chậm lại. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sức nóng lạm phát trên thị trường việc làm đã bắt đầu hạ nhiệt.

BoE cũng đang theo dõi có bao nhiêu người đang đứng ngoài thị trường việc làm. Tỷ lệ người không có nhu cầu tìm việc này đã giảm xuống, góp phần khiến tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tăng lên kể từ cuối năm 2020 trong những con số thống kê gần đây nhất, qua đó có thể xoa dịu áp lực lạm phát trên thị trường việc làm.

* Đà phục hồi chững lại

Thông thường, lạm phát gia tăng phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, nhưng lần này lại không như vậy.

Giá cả đang tăng lên trên toàn thế giới khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau khi nhiều nơi bị phong tỏa do đại dịch COVID-19. Sau đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm tình hình trở nên phức tạp hơn khi đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao hơn nữa.

Kinh tế Anh đã suy giảm trong tháng Ba và tháng Tư, sau khi không tăng trưởng trong tháng Hai. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế của “xứ sở sương mù” không thể tăng trưởng trong ba tháng liên tiếp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán kinh tế Anh sẽ không tăng trưởng trong năm 2023 và trở thành nền kinh tế yếu nhất trong số thành viên của OECD, trừ Nga, quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Sunak hồi tháng Năm đã công bố thêm một đợt hỗ trợ cho các hộ gia đình trong cơn “bão giá”. Ông Sunak thông báo một gói biện pháp hỗ trợ khoảng 8 triệu gia đình nghèo nhất ở nước này, trong đó có khoản trợ cấp 650 bảng Anh (816 USD) cho mỗi hộ gia đình.

Tuy nhiên, chuyên gia Keith Baker, nhà nghiên cứu về chính sách năng lượng và nghèo đói tại Đại học Glasgow Caledonian, Scotland, cho rằng các biện pháp này sẽ không thực sự tác động đến một số lượng lớn người dân đang rơi vào tình cảnh nghèo đói nghiêm trọng nhất.

Ông Baker cảnh báo các gia đình trung lưu tại Anh đang có nguy cơ rơi vào ngưỡng nghèo đói do hóa đơn điện, nước tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt./.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/anh-doi-mat-voi-nguy-co-lam-phat-va-suy-thoai-kinh-te/249234.html