Anh - Đức, trận cầu thay đổi bóng đá vĩnh viễn

Dù vô tình hay hữu ý, mỗi cuộc đại chiến giữa Anh và Đức đều thay đổi bóng đá, từng chút từng chút một. Từ bàn thắng ma trên sân Wembley vào năm 1966 đến khoảnh khắc dở khóc dở cười của Lampard giữa Nam Phi, tất cả khiến chúng ta không thể ăn mừng sung sướng khi nhìn bóng bay vào lưới như trước nữa.

Bàn thắng trên vạch vôi

Ở các vòng chung kết World Cup lẫn EURO, không có cuộc đối đầu nào nhiều duyên nợ hơn Anh - Đức. Mỗi khi người Anh mang thế hệ vàng đến trình diễn ở một sân chơi lớn, mọi thứ đều diễn ra trơn tru cho đến khi người Đức xuất hiện và kết liễu họ. Ở chiều ngược lại, cỗ xe tăng luôn nói họ lẽ ra đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối về số lần vô địch World Cup nếu như không có bàn thắng ma trên sân Wembley.

Nước Anh, ngày 30-7-1966. Với người dân trên khắp đảo quốc sương mù, đó là lúc bóng đá thực sự trở về nhà. Đội tuyển Anh thắng như chẻ tre trên hành trình tiến đến trận chung kết, nơi Tây Đức chờ sẵn ngáng đường họ. Chẳng ai ngờ sau khi khép lại 120 phút bóng lăn, người thắng kẻ thua đều lâm vào thế dở khóc dở cười. Trong mắt người Anh, các cầu thủ là người hùng, nhưng người Đức coi họ là những kẻ ăn cắp.

Mọi tranh cãi bắt đầu nổ ra ở hiệp phụ thứ nhất, khi cả hai đội hòa nhau 2-2 sau 90 phút. Geoff Hurst nhận bóng trong vòng cấm địa và tung ra cú sút trái phá ngay trước vạch 5m50. Bóng đập xà ngang, dội xuống đất rồi nảy ra ngoài. Cầu thủ Anh hò reo ăn mừng vì cho rằng bóng đã lăn qua vạch vôi, nhưng đội Đức quả quyết đó không phải một bàn thắng. Cầu thủ 2 đội dồn về phía trọng tài chính Gottfried Dienst và trợ lý Tofiq Bahramov.

Bàn thắng ma của Lampard khiến công nghệ VAR vào cuộc.

Bàn thắng ma của Lampard khiến công nghệ VAR vào cuộc.

Gần 100 ngàn khán giả trên sân Wembley nín thở chờ đợi quyết định được tổ trọng tài đưa ra. Phán quyết sau đó khiến cả Nữ hoàng đang có mặt trên sân Wembley cũng phải nhảy lên vui sướng. Bàn thắng! Nhìn chẳng giống một bàn thắng chút nào, nhưng đó thực sự là một bàn thắng theo phán quyết của trọng tài! Đến phút cuối hiệp phụ thứ 2, Hurst ghi thêm bàn nữa ấn định chiến thắng 4-2 cho người Anh. Nhưng rốt cục tất cả tranh cãi chỉ xoay quanh bàn thắng ma đó.

"Tôi chỉ đứng cách Hurst vài mét trong tình huống đó. Rõ ràng bóng chưa lăn qua vạch vôi", tuyển thủ Helmut Haller bức xúc nói về tình huống họ bị xử ép. Ngoài Haller, những cầu thủ Đức khác nói khi bóng nảy từ dưới đất lên có cả bụi phấn từ vạch vôi. Điều đó có nghĩa bóng chưa hề lăn qua vạch. Luật bóng đá ở thời điểm đó chưa rõ ràng càng khiến mọi chuyện rối rắm hơn. Bóng phải lăn hết qua vạch vôi hay quá 2/3 thân bóng thì được tính?

Nhưng trọng tài biên Tofiq Bahramov lại nghĩ khác. Vị trợ lý người Liên Xô viết trong hồi ký: "Thực ra, tôi không quan sát được hết tình huống bóng nảy xuống đất, nhưng tôi nghĩ bóng không hề dội xà ngang, mà dội từ lưới xuống. Tức là trước khi bóng nảy xuống thì nó đã bay qua vạch vôi rồi. Bóng đá, suy cho cùng, là cuộc đấu đầu những khúc ngoặt không định trước và cả phép màu có thật. Ai lại không muốn trở thành phù thủy trong 90 phút chứ?".

Của thiên trả địa

Lời chia sẻ đầy ẩn ý của Tofiq Bahramov khiến ông trở nên vô cùng nổi tiếng tại Anh. CĐV xứ Ăng Lê gọi ông bằng cái tên trìu mến "Vị trọng tài biên người Nga" và họ gọi nhiều đến mức đôi khi quên cả tên thật của ông. Tên Bahramov được đặt cho SVĐ quốc gia Ajerbaijan không lâu sau khi ông qua đời và ông trở thành trọng tài đầu tiên có vinh dự đó.

Nhiều năm trôi qua kể từ ngày Bahramov rời xa dương thế, áo đấu ĐT Anh mang tên ông kèm con số 66 vẫn bán rất chạy! Dường như đó là cách người Anh thể hiện lòng biết ơn với vị trọng tài đã "giúp" họ có chức vô địch. Nhưng của thiên thì trả địa. 44 năm trôi qua kể từ bàn thắng ma trên sân Wembley, trận cầu Anh - Đức lại chứng kiến một bàn thắng ma khác. Chỉ có điều, nạn nhân lần này là người Anh.

Nam Phi, vòng tứ kết World Cup 2010. ĐT Anh đang chơi như lên đồng nhờ bàn gỡ hòa sau khi sớm bị dẫn trước 2 bàn. Từ giữa sân, Lampard tung ra cú lốp bóng đầy bất ngờ về phía khung thành Neuer. Bóng lại đập xà ngang nảy xuống, nhưng lần này không rơi ngay trên vạch vôi nữa, mà vào trong khung thành gần 1 mét. Cầu thủ Anh nhìn thấy. Cầu thủ Đức nhìn thấy. Khán giả, cả trên sân lẫn qua truyền hình đều thấy. Chỉ có các trọng tài không thấy.

Thoát bàn thua hú vía, Đức sớm lấy lại thế trận ở hiệp 2 và giành thắng lợi chung cuộc 4-1. Mang tâm thế của kẻ thất bại, dĩ nhiên người Anh không thể không ấm ức. Họ làm lớn chuyện tới mức FIFA phải đưa ra lời xin lỗi, nhưng đó chỉ là bề nổi câu chuyện. Phía sau những tranh cãi xoay quanh bàn thắng ma bị từ chối của Lampard, một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn bóng đá hiện đại dần diễn ra.

Công nghệ goal-line được đưa vào áp dụng từ World Cup 2014 hóa ra chỉ là bước đệm để tiến tới VAR ở kỳ Cúp Thế giới tiếp theo. Rất nhiều tranh cãi, rất nhiều lời phản đối, nhưng FIFA vẫn kiên quyết một mực sử dụng VAR trong các trận đấu chính thức. Họ thà bẻ vụn niềm hứng khởi của khán giả khi xem một trận bóng còn hơn chịu thêm tai tiếng vì những bàn thắng ma. Lý do? Có lẽ vì tiền. Rất nhiều tiền được đổ vào bóng đá và những nhà đầu tư có quyền đòi hỏi những tình huống rạch ròi.

Southgate kiếm tiền đậm nhờ làm tội đồ đại chiến Anh - Đức

Tại EURO 1996, HLV Gareth Southgate, khi đó còn là một cầu thủ trẻ của ĐT Anh, đã tự biến mình trở thành tội đồ quốc gia. Ông chính là người đá hỏng quả phạt đền khiến Anh bị Đức loại ở vòng bán kết. Nhưng chỉ trích nhắm vào Southgate cuối cùng lại trở thành công cụ để ông xây dựng thương hiệu cá nhân và kiếm tiền. Không lâu sau khi chiến dịch EURO kết thúc, Southgate xuất hiện trong quảng cáo của Pizza Hut.

Xuất hiện với chiếc mũ trùm kín đầu làm từ túi giấy, Southgate như một kẻ phải lén đi ăn trong nhà hàng vì sợ người khác nhìn thấy. Đóng quảng cáo cùng Southgate trong đoạn phim đó là Stuart Pearce và Chris Waddle, những người... đá hỏng phạt đền ở bán kết World Cup 1990. Đội bóng đánh bại họ ngày đó cũng chính là ĐT Đức. "Này đồ đá hỏng phạt đền, ăn nữa, ăn nữa đi", Pearce và Waddle liên tục đưa miếng pizza về phía Southgate và châm chọc.

*Eden Hazard và Kevin de Bruyne có thể lỡ hẹn trận gặp Italia. Bộ đôi này dính chấn thương ở vòng 1/8 và buộc phải rời sân sớm. Cơ hội ra sân của họ ở trận tứ kết vẫn còn bỏ ngỏ, khi cả hai vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

*Harry Maguire gần như chắc chắn sẽ đá chính ở trận gặp Đức. Ngoài ra, 2 tuyển thủ Anh là Mason Mount và Ben Chillwell nhiều khả năng sẽ được đặc cách ra sân trước 1 ngày so với lệnh cách ly. Họ sẽ là những nhân tố chủ chốt giúp Southgate đánh bại ĐT Đức.

*ĐT Anh hiện đã tính đến phương án giải quyết thắng thua với Đức trên chấm phạt đền. Thủ môn Jordan Pickford có thể sẽ là một trong 5 người lên sút ở lượt đầu tiên. Ở chiều ngược lại, Đức thậm chí còn không tập đá phạt đền vì tin họ có thể thắng Anh trong thời gian thi đấu chính thức.

*Bất kể trận đấu với Đức kết thúc bằng thắng lợi hay thất bại, HLV Southgate vẫn sẽ được gia hạn hợp đồng. FA coi ông là lựa chọn lý tưởng cho chiến dịch vòng loại World Cup 2022 sắp tới, đặc biệt khi Southgate đã thể hiện rất tốt kể từ World Cup 2018 đến nay.

*Để át đi tiếng huýt sáo nhắm vào các cầu thủ trước khi trận đấu tại EURO diễn ra, FA yêu cầu ban tổ chức sân Wembley phải bật nhạc thật lớn. Việc này được cho sẽ giúp cầu thủ không bị mất tinh thần bởi những lời xúc phạm từ một vài kẻ ác ý.

An Khánh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-quoc-te/anh-duc-tran-cau-thay-doi-bong-da-vinh-vien-647711/