Anh em tỷ phú Ấn Độ - người giàu nhất châu Á, kẻ phá sản suýt đi tù
Trong khi Mukesh Ambani trở thành người giàu nhất châu Á với khối tài sản gần 72 tỷ USD, em trai Anil Ambani rơi vào cảnh phá sản và suýt phải đi tù nếu không được anh giải cứu.
Theo South China Morning Post, cùng là những người thừa kế đế chế Reliance Industries từ cha, anh em nhà Ambani - Mukesh và Anil - lại có cuộc đời rẽ theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Người anh Mukesh Ambani trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á với khối tài sản gần 72 tỷ USD, còn người em Anil rơi vào cảnh phá sản và suýt phải đi tù.
Năm 2002, khi cha của họ - ông Dhirubhai Ambani - qua đời mà không để lại di chúc, cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã nổ ra. Cuối cùng, mẹ của họ - bà Kokilaben - phải vào cuộc và chia gia sản làm đôi. Mukesh được nhận các công ty dầu mỏ, khí ga, hóa dầu, chế xuất và sản xuất, còn em trai Anil nhận mảng điện, viễn thông và dịch vụ tài chính.
Anil Ambani từ người hùng thành kẻ thất bại
Theo thống kê của tạp chí Forbes năm 2008, Anil Ambani là người giàu thứ 6 thế giới với tài sản 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 12 năm sau, tài sản của ông chỉ còn lại số không tròn trĩnh, theo tuyên bố của chính ông. Nguyên nhân đến từ hàng loạt vụ kiện tụng phức tạp, những thương vụ thất bại và những công ty bị quản lý yếu kém.
Nhiều người cho rằng Tập đoàn RCom (Reliance Communication) của Anil đã không thể theo kịp sự phát triển của ngành công nghiệp viễn thông. Trong quá trình chật vật để chạy theo những thay đổi của thị trường, công ty này đã liên tục vay nợ để lao vào cuộc chiến giảm giá.
Nợ nần chồng chất, cuối cùng RCom tuyên bố phá sản. Theo các nhà phân tích, việc tỷ phú Mukesh Ambani lấn sân sang thị trường viễn thông đã đặt dấu chấm hết cho công ty của em trai. Mối quan hệ giữa anh em nhà Ambani dường như hòa bình trở lại sau khi Mukesh ra tay giúp Anil trả khoản nợ 80 triệu USD cho hãng viễn thông Ericsson của Thụy Điển.
Khi đó, Anil có nguy cơ bị bỏ tù nếu không trả được khoản nợ. Sau khi được giải cứu, ông đã dành những lời khen có cánh cho anh trai tỷ phú và nói “anh ấy đã ở bên và ủng hộ tôi trong quãng thời gian đầy thử thách này”.
Dù được giải cứu, sự thất bại của các công ty do Anil đứng đầu là điều rõ ràng. Chỉ trong một năm, tổng vốn hóa của 6 công ty ông nắm giữ đã mất hơn một nửa giá trị. Hồi tháng 2 năm nay, tại một tòa án ở London (Anh), ông tuyên bố tài sản của mình không còn gì và thậm chí nếu có thanh lý cũng không đủ để trả các khoản nợ quá hạn.
Dù được giải cứu, sự thất bại của các công ty do Anil đứng đầu là điều rõ ràng. Chỉ trong một năm, tổng vốn hóa của 6 công ty ông nắm giữ đã mất hơn một nửa giá trị. Hồi tháng 2 năm nay, tại một tòa án ở London (Anh), ông tuyên bố tài sản của mình không còn gì và thậm chí nếu có thanh lý cũng không đủ để trả các khoản nợ quá hạn.
Mukesh Ambani và sự trỗi dậy của gã khổng lồ
Sau khi nhận được một nửa tài sản từ công ty của cha, Mukesh Ambani nhanh chóng vụt lên trở thành người giàu nhất Ấn Độ và thậm chí qua mặt Jack Ma để giành ngôi vương người giàu nhất châu Á.
Chiến lược kinh doanh quyết đoán giúp ông nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của cả bạn bè lẫn đối thủ trong giới kinh doanh. Minh chứng rõ ràng nhất là sự quyết liệt của ông trong cuộc chiến giá trên thị trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt của Ấn Độ với việc cho ra mắt dịch vụ 4G Jio.
Tài sản của Mukesh tăng vọt sau hàng loạt khoản đầu tư vào Jio Platforms. Các tên tuổi lớn như hãng công nghệ Mỹ Facebook, công ty đầu tư KKR và quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia đều muốn rót vốn vào công ty này.
Sau chiến dịch gọi điện nội mạng miễn phí và dịch vụ dữ liệu giá rẻ, Jio hiện có hơn 340 triệu khách hàng, là công ty số một thị trường. Mới đây, Facebook đã đầu tư 5,7 tỷ USD vào Jio Platforms. Đây là thương vụ lớn nhất của Facebook sau khi mua WhatsApp năm 2014.
Nhờ giá cổ phiếu Reliance vọt lên mạnh mẽ, khối tài sản của Mukesh Ambani đã tăng lên đến 64,5 tỷ USD trong năm 2020, giúp ông trở thành người châu Á duy nhất có mặt trong top 10 người giàu nhất thế giới. Theo thống kê thời gian thực của Forbes, tài sản của ông hiện là 72,7 tỷ USD.