Anh, EU nhất trí về thỏa thuận thiết lập lại quan hệ sau Brexit

Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm thiết lập lại quan hệ vào ngày 19/5 sau cuộc 'ly hôn' năm 2020.

Các quan chức Anh cho rằng việc ký kết thỏa thuận - bao gồm nhiều vấn đề như an ninh, năng lượng, thương mại, du lịch và nghề cá - với các quan chức EU tại London đã đánh dấu một "ngày lịch sử" đối với cả hai bên và mở ra một "chương mới" trong mối quan hệ của họ sau nhiều năm căng thẳng sau Brexit.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, tại Tirana vào ngày 16/5/2025. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, tại Tirana vào ngày 16/5/2025. Ảnh: AFP

Chính phủ Anh cho biết trong một thông cáo báo chí rằng thỏa thuận mới sẽ "hỗ trợ các doanh nghiệp Anh, hỗ trợ việc làm cho người dân Anh và giúp người dân có thêm tiền". Thỏa thuận cũng sẽ giúp thực phẩm trở nên rẻ hơn, cắt giảm thủ tục hành chính, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU và đóng góp gần 9 tỷ bảng Anh (12 tỷ USD) vào nền kinh tế Anh vào năm 2040.

Thỏa thuận sẽ giúp việc xuất nhập khẩu thực phẩm và đồ uống dễ dàng hơn vì nó giảm bớt thủ tục hành chính vốn đã dẫn đến tình trạng xe tải phải xếp hàng dài đợi ở biên giới. Một số cuộc kiểm tra thường lệ đối với các sản phẩm động vật và thực vật cũng sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn, cho phép hàng hóa lưu thông tự do trở lại, chính phủ Anh thông tin.

"EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Sau khi xuất khẩu giảm 21% và nhập khẩu giảm 7% kể từ khi Brexit, Vương quốc Anh cũng sẽ có thể xuất khẩu trở lại nhiều sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt và xúc xích, vào EU, từ đó hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Anh", chính phủ Anh cho biết thêm.

Ngoài ra, hai bên đã nhất trí về một "quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng" mới, mở đường cho ngành công nghiệp quốc phòng của Anh tham gia vào quỹ quốc phòng "Hành động an ninh cho châu Âu" trị giá 150 tỷ bảng Anh do EU đề xuất.

Thỏa thuận cũng gia hạn quyền đánh bắt cá cho tàu của EU ở vùng biển của Anh cho đến năm 2038, một thỏa thuận mà Brussels đặc biệt mong muốn vì thỏa thuận hiện hành sẽ hết hạn vào năm tới.

Các du khách Anh sẽ hoan nghênh ít nhất một khía cạnh của thỏa thuận mới với EU bởi nó cho phép họ sử dụng thêm nhiều "eGates" (hệ thống tự động kiểm soát hộ chiếu và nhập cảnh sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và sinh trắc học) tại các sân bay EU, chấm dứt tình trạng xếp hàng dài tại cửa kiểm soát biên giới.

Anh và EU cũng cho biết họ sẽ hướng đến một thỏa thuận tạo điều cho người trẻ tuổi dễ dàng sinh sống và làm việc trên khắp lục địa. Cái gọi là "chương trình trải nghiệm dành cho thanh thiếu niên" sẽ được thiết kế để cho phép người trẻ tuổi làm việc và đi lại tự do ở châu Âu, nhưng sẽ bị hạn chế và giới hạn thời gian.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các quan chức cấp cao khác tại London cho hội nghị thượng đỉnh Anh - EU rất được mong đợi vào ngày 19/5. Hai bên đều ca ngợi sự xích lại gần nhau đạt được tại hội nghị, nó diễn ra trong bối cảnh động lực toàn cầu khó lường và các liên minh đang thay đổi.

"Đây là kết quả sau cùng rất tích cực cho cả hai bên", một quan chức cấp cao của EU bình luận với đài CNBC.

Thỏa thuận được đưa ra sau khi hai bên đã có các cuộc đàm phán căng thẳng trước thềm hội nghị ở Lancaster House, London, với những cuộc mặc cả vào phút chót về các vấn đề nhạy cảm, bao gồm chương trình đi lại tiềm năng cho thanh thiếu niên và quyền đánh bắt cá.

Sky News đưa tin, các cuộc thảo luận giữa các nhóm của Vương quốc Anh và EU đã diễn ra sau nửa đêm và một thành viên đã mô tả Chủ nhật (ngày 18/5) là một ngày "điên rồ" với những thăng trầm.

Thật vậy, hai trong số những trở ngại lớn nhất trong các cuộc đàm phán đi đến hội nghị thượng đỉnh Anh - EU lần này là quyền tiếp cận cho các tàu thuyền EU đánh bắt ở vùng biển Anh (bởi lẽ thỏa thuận hậu Brexit về quyền đánh bắt cá sẽ hết hạn vào năm 2026 và Pháp và Đan Mạch đang thúc đẩy việc gia hạn các quyền đó), và một chương trình đi lại có thể cho phép những người trong độ tuổi từ 18 đến 30 được tự do đi lại và làm việc giữa Anh và EU trong một khoảng thời gian giới hạn.

Vấn đề đối với chính quyền đảng Lao động (Anh) là làm thế nào để thống nhất về những vấn đề gai góc như vậy mà không có vẻ như họ đang quay trở lại quan hệ đối tác trước Brexit.

Bà Gesine Weber, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu chính sách công German Marshall Fund (Mỹ), cho rằng: "Keir Starmer (Thủ tướng Anh - BTV) thực sự ở trong một tình huống khó lúc này".

"Ông ấy sẽ không muốn tỏ ra quá ủng hộ châu Âu và quay lại với việc tái gia nhập EU, điều đó hoàn toàn không nằm trong khả năng. Ông ấy phải cân bằng chính trị trong nước và tìm ra sự cân bằng giữa việc xích lại gần nhau hơn và xem xét lĩnh vực nào có thể chấp nhận hợp tác, nhưng cũng phải khẳng định lại một số điều mà Vương quốc Anh rõ ràng muốn đạt được thông qua Brexit", bà Weber phân tích.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/anh-eu-nhat-tri-ve-thoa-thuan-thiet-lap-lai-quan-he-sau-brexit-d286747.html