Anh-EU và hậu Brexit: Tình cảm dẫn dắt, lý trí quyết định
Anh-EU đã ký thỏa thuận về hợp tác thời hậu Brexit ngay trước thềm Giáng sinh. Thực chất của thỏa thuận đó là gì? Ai nhân nhượng? Ai được và ai mất những gì? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã làm cho mùa Giáng sinh và Giao thừa năm nay thật buồn tẻ đối với châu Âu. EU và chính phủ Anh kịp có được ngay trước Giáng sinh thỏa thuận về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit).
Nhưng sẽ quá khiên cưỡng khi cho rằng đấy là món quà Giáng sinh và Giao thừa tốt lành cho cả hai bên. Đành rằng thỏa thuận này giúp hai bên tránh được kịch bản Brexit tồi tệ nhất nhưng trong thực chất mới chỉ đủ để "có còn hơn không có", có nghĩa chỉ là thỏa thuận ít xấu nhất chứ hoàn toàn không phải tốt nhất.
Cái giá phải trả của nước Anh
Sau hơn 47 năm là thành viên EU, nước Anh và EU đường ai nấy đi và từ nay chỉ còn liên hệ với nhau thông qua thỏa thuận mới đạt được này. Cuộc phân ly này khiến EU đau đớn nhiều hơn nước Anh vì Brexit làm EU bị tổn hại về thể diện và uy danh, làm EU ngậm ngùi nhận thấy lực hướng tâm không lấn át được lực ly tâm trong quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục. Brexit buộc EU phải thật sự cầu thị để tự thay đổi nếu muốn ngăn cản tiền lệ do Brexit gây ra rồi đây trở thành thông lệ.
Đối với nước Anh, cái giá phải trả cho Brexit rất đắt. Thủ tướng Anh Boris Johnson dùng đại ngôn vĩ tự để ngợi ca thỏa thuận này thế thôi chứ trong thực chất ông Johnson đã phải nhượng bộ cho EU nhiều hơn và cơ bản hơn so với được EU nhượng bộ để hai bên đi đến sự nhất trí về thỏa thuận này.
Sẽ quá khiên cưỡng khi cho rằng đấy là món quà Giáng sinh và Giao thừa tốt lành cho cả hai bên. Đành rằng thỏa thuận này giúp hai bên tránh được kịch bản Brexit tồi tệ nhất nhưng trong thực chất mới chỉ đủ để "có còn hơn không có", có nghĩa chỉ là thỏa thuận ít xấu nhất chứ hoàn toàn không phải tốt nhất.
Ông Johnson về cập đến việc nước Anh giành lại về chủ quyền quốc gia hoàn toàn. Nhưng người này hiểu về chủ quyền quốc gia như chủ quyền quốc gia được hiểu chung cho tới nửa đầu của thế kỷ 20 trên thế giới và ở châu Âu. Cách hiểu như thế về chủ quyền quốc gia đã trở nên lỗi thời từ rất lâu rồi ở châu Âu. Một khi quyết định tham gia EU, các nước ở châu Âu đều biết trước rất rõ là sẽ có những quyền chủ quyền quốc gia riêng được hòa nhập vào chủ quyền chung của EU và bù lại, các nước sẽ giành về những cái lợi to lớn và chính đáng mà quốc gia ở bên ngoài EU không thể có được.
Đã xa và qua từ rất lâu rồi cái thời nước Anh có cả đế chế thuộc địa bao trùm khắp thế giới. Ngày nay, nước Anh cần rất nhiều thời gian và phải trả nhiều giá đắt để có được đối tác chính trị cũng như kinh tế và thương mại thế giới đủ tầm cỡ và tiềm năng thay thế EU, nếu như không muốn nói là không thể có được. Bởi vậy, ông Johnson luôn dọa là sẵn sàng không cần thỏa thuận với EU về Brexit thế thôi chứ thừa ý thức đầy đủ rằng số phận tương lai của đảo quốc phụ thuộc vào mối liên hệ với EU. Phía EU cũng biết điều này nhưng không ỷ thế chơi sát ván với ông Johnson và dồn nước Anh vào chân tường trong suốt quá trình đàm phán. Lý trí mách bảo cả hai bên rằng cuối cùng phải đạt được thỏa thuận với nhau bằng mọi giá và vì thế, lý trí đã quyết định kết cục cuối cùng của chuyện đàm phán.
Tình cảm, lý trí và các kịch bản
Nhưng cả hai phía lại đều đã cùng để cho tình cảm chi phối toàn bộ quá trình đàm phán. Hai bên làm găng với nhau đến cùng bởi đều biết rằng rồi sẽ đạt được thỏa thuận với nhau. Hai bên cùng nhiều lần đề cập đến khả năng xảy ra kịch bản Brexit không với bất kỳ thỏa thuận nào với nhau về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ sau Brexit vì đều biết rằng sẽ cùng nhau không để cho kịch bản này xảy ra.
Qua hai điều sau đây có thể thấy rất rõ nước Anh và ông Johnson đã thất thế như thế nào với EU trong chuyện Brexit.
Thứ nhất, thỏa thuận giữa hai bên dày gần 1300 trang bao gồm những nội dung mà gần như đều đã được EU mời chào chính phủ Anh từ cách đó đến cả nửa năm, chỉ có riêng mức độ hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh nước Anh là có khác. Như thế có nghĩa là ông Johnson có thể thỏa thuận với EU từ cách đây nhiều tháng chứ không cần phải dền dứ đến tận trước Giáng sinh. Ngoài ra, về hạn ngạch đánh bắt hải sản, ông Johnson cuối cùng rồi cũng phải nhượng bộ EU. Nói theo cách khác, ông Johnson làm găng với EU trong đàm phán không phải để rồi đạt được thỏa thuận tốt cho nước Anh hơn so với nhượng bộ của EU mà chẳng qua chỉ để khai thác tác động dân túy và chính trị xã hội nội bộ của hình ảnh kiên quyết tranh đấu đến cùng với EU vì lợi ích của nước Anh.
Thứ hai, ngay sau khi ký kết thỏa thuận, chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen, đã có phát biểu đại ý không có nền kinh tế nào thoát khỏi sức hút của lực vạn vật hấp dẫn của nền kinh tế mạnh hơn. Nếu hiểu theo cách đọc giữa dòng thì ở đó có hàm ý về phân định đẳng cấp, xác định thứ bậc và tách biệt vị thế.
Bốn năm rưỡi kể từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit là khoảng thời gian EU và Anh sử dụng để xử lý ổn thỏa chuyện Brexit. Brexit đã khiến hai Thủ tướng Anh bị mất quyền và làm EU bị tổn thương cả trên thân thể lẫn trong tâm hồn. Cử tri Anh dùng tình cảm để lựa chọn Brexit. EU dùng lý trí để thuyết phục phía Anh ở lại trong EU. Hai bên chủ ý để cho tình cảm dẫn dắt toàn bộ quá trình đàm phán về Brexit, nhưng rồi cuối cùng vẫn phải để cho lý trí quyết định kết cục cuối cùng của chuyện này.
Cả hai còn đều phải tiếp tục trả giá cho Brexit ở thời hậu Brexit.