COP29: Điều gì đang cản trở các cuộc đàm phán khí hậu?

Khi Hội nghị khí hậu 2024 của Liên hợp quốc (COP29) tại Baku, Azerbaijan bước sang tuần thứ hai, những lo ngại ngày càng gia tăng về tiến độ chậm chạp trong các cuộc đàm phán.

Biến đổi khí hậu do nhiệt độ toàn cầu tăng từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đang gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.

 Ngày càng có nhiều hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong tuần này sẽ giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán. Ảnh: Sean Gallup/Getty

Ngày càng có nhiều hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong tuần này sẽ giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán. Ảnh: Sean Gallup/Getty

Thế nhưng, một tuần trôi qua, COP29 vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là các thỏa thuận liên quan đến tài chính khí hậu – một ưu tiên hàng đầu của hội nghị.

Jan Kowalzig, chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Oxfam, nhận xét: "Tuần đầu tiên của COP29 không đạt được kết quả cần thiết để chúng ta có thể lạc quan về tuần thứ hai. Hai chủ đề chính của hội nghị - tăng tham vọng bảo vệ khí hậu và hỗ trợ các nước thu nhập thấp - đều đang bị cản trở bởi những lập trường đối lập".

Trước tình hình này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tại G20 ở Rio de Janeiro, Brazil, đưa ra những giải pháp mang tính quyết định để phá vỡ thế bế tắc tại Baku. Ông nhấn mạnh: "Kết quả thành công tại COP29 vẫn trong tầm tay, nhưng cần có sự lãnh đạo và thỏa hiệp, đặc biệt từ các quốc gia G20".

Số tiền, người chi trả và người nhận

COP29 khởi đầu không suôn sẻ, với sự vắng mặt của lãnh đạo từ các quốc gia quan trọng như Đức, Pháp và Mỹ. Đáng chú ý, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev còn gây tranh cãi khi gọi dầu mỏ và khí đốt – nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu – là "món quà từ Chúa".

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ lần thứ hai rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, còn Argentina rút lui khỏi các cuộc đàm phán, đe dọa khả năng nhận tài trợ khí hậu của nước này.

Một vấn đề mấu chốt là thỏa thuận về Mục tiêu Tài chính Khí hậu Mới (NCQG), cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà kinh tế ước tính rằng đến cuối thập kỷ này, các nước đang phát triển (không bao gồm Trung Quốc) sẽ cần khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm để đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa đạt được đồng thuận về số tiền cuối cùng, nguồn tài trợ và cách phân bổ. Các nước phương Tây muốn Trung Quốc và các quốc gia giàu có ở Vùng Vịnh đóng góp, đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân tham gia huy động đầu tư.

Manuel Pulgar-Vidal, chuyên gia khí hậu tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) bình luận: "Mọi thứ xoay quanh tiền bạc: số tiền, người chi trả và người nhận là chìa khóa để phá vỡ bế tắc và đạt kết quả mạnh mẽ tại COP29".

G20: Hy vọng cuối cùng?

Tuần này, bộ trưởng các quốc gia sẽ đến Baku để tham gia đàm phán với hy vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng trước hạn chót.

Wopke Bastiaan Hoekstra, Ủy viên Liên minh châu Âu về Hành động Khí hậu, lạc quan rằng: "Dù tình hình địa chính trị khó khăn, chúng ta vẫn có thể đạt kết quả tích cực".

Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của G20, nhóm chiếm 85% GDP toàn cầu và 80% lượng phát thải: "Thế giới đang chờ đợi các nước G20 lên tiếng. Đây là cơ hội để họ thể hiện vai trò lãnh đạo".

Trong khi áp lực ngày càng tăng, các nhà đàm phán cần đạt thỏa thuận mang tính đột phá, từ tài chính đến giảm phát thải và thích ứng. Nếu không, COP29 có nguy cơ thất bại, làm chậm tiến độ chống biến đổi khí hậu toàn cầu khi thời gian không còn nhiều.

Cao Phong (theo DW, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cop29-dieu-gi-dang-can-tro-cac-cuoc-dam-phan-khi-hau-post321949.html