Ðánh giá tác động môi trường trong triển khai các dự án
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên hiện nay. Vì vậy trước khi thực hiện thi công các chương trình, dự án, việc đánh giá tác động đến môi trường xung quanh là hết sức cần thiết.
Bà Ðặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) là một trong những thủ tục quan trọng mà doanh nghiệp phải thực hiện trước khi triển khai dự án để xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của việc phát triển dự án đến môi trường. Nếu không thực hiện báo cáo ÐTM sẽ không lường trước được các vấn đề về môi trường, có khi rủi ro về môi trường còn lớn hơn hiệu quả kinh tế của dự án. Báo cáo ÐTM là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án; là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường. Nếu công tác lập, thẩm định báo cáo ÐTM của các dự án được thực hiện tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Ðồng thời, giúp cơ quan quản lý giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuận lợi hơn. Từ năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh phê duyệt 20 quyết định phê duyệt báo cáo ÐTM.
Theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 29, Luật Bảo vệ môi trường 2020, đánh giá sơ bộ tác động môi trường không phải là thủ tục hành chính được thẩm định riêng mà được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Ðây là một phần nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và các báo cáo, hồ sơ này sẽ được thẩm định theo trình tự quy định của pháp luật. Nghị định số 40/2019/NÐ-CP, ngày 13/5/2019 của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm các đối tượng chiến lược và quy hoạch, như: Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng có tác động lớn đến môi trường (gồm ngành điện; khai thác dầu khí, lọc hóa dầu; giấy; công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cao su; dệt may; xi măng; thép; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản); quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh... Ngoài ra, Nghị định số 40 còn quy định danh mục dự án phải lập báo cáo ÐTM hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp hội đồng thẩm định 6 báo cáo ÐTM, 5 báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường; thực hiện cấp giấy phép môi trường cho 6 dự án, cơ sở. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường. Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp chặt chẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về môi trường theo đúng quy định.
Với chủ trương nhất quán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, công tác thẩm định, cấp phép môi trường được nâng cao, đặc biệt trong công tác thẩm định báo cáo ÐTM. Hội đồng thẩm định báo cáo ÐTM đối với từng dự án đầu tư đã xem xét, đánh giá, thẩm tra, xác định và cho ý kiến cụ thể đối với từng báo cáo ÐTM trước khi dự án được phê duyệt. Trong quá trình thẩm định, khi nhận thấy những dự án không hiệu quả, nhất là các dự án trong nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng, tỉnh kiên quyết từ chối.
“Hiện nay luật quy định về bảo vệ môi trường rất nghiêm, nếu phát hiện doanh nghiệp chưa có thủ tục báo cáo ÐTM mà khởi công thi công dự án sẽ xử phạt rất nặng. Còn trong quá trình thi công, chủ đầu tư bắt buộc phải giám sát các chỉ tiêu về môi trường theo báo cáo ÐTM đã được duyệt”. - bà Ðặng Thị Hồng Loan cho biết.