Gỡ khó cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản
Tỉnh Lâm Đồng đang có các giải pháp căn cơ, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án khai thác, chế biến khoáng sản.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 12/11/2024, trên địa bàn tỉnh đang có 88 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực; trong đó 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 82 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đến nay, trong tổng số 82 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, có 37 giấy phép đang bị tạm dừng khai thác, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động khai thác do có các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động; 6 giấy phép chưa đủ điều kiện để hoạt động khai thác (chủ yếu do chưa hoàn thiện hồ sơ về đất đai). Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, các mỏ khai thác quặng gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất sụt giảm, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; đồng thời, kiến nghị với tỉnh một số giải pháp liên quan đến quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao kết nối hạ tầng giao thông…
Như theo ông Lê Cao Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, tại mỏ đá Tây Đại Lào, TP Bảo Lộc nêu vướng mắc và đề nghị chấp thuận cho Công ty được hoạt động khai thác trở lại theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 95, ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh cấp trong phần diện tích 15,57 ha đã được cho thuê đất. Hỗ trợ Công ty trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2024 để thu hồi đất, do gặp nhiều khó khăn về giá đất và sự đồng thuận của người dân.
Còn tại Công ty Cổ phần P L.Q JoTon Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) đề nghị giãn thời gian nộp thuế và thời gian nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính do đơn vị bị đình chỉ hoạt động, hóa đơn bị cưỡng chế, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa nên nhà máy sản xuất sản phẩm không bán được vì không có hóa đơn nên không có kinh phí nộp phạt, nộp thuế.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các nội dung Sở đã thực hiện trong thời gian qua cụ thể như: Xác định giá khởi điểm, bước giá của từng điểm mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá, trình UBND tỉnh phê duyệt; lập dự toán kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản và trình UBND tỉnh phê duyệt; xác định dự toán đề án thăm dò làm cơ sở xác định tiêu chí vốn chủ sở hữu trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 510/QĐ-STNMT, ngày 7/9/2023; đã lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; đã thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; đã thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu; ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lựa chọn để lập hồ sơ mời đấu giá.
Công khai, lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp để điều hành phiên đấu giá; đã trình và UBND tỉnh đã thống nhất tỷ lệ tiền đặt trước của các mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lựa chọn để lập và đã nghiệm thu, xác nhận hồ sơ mời đấu giá.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ngày 17/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng họp rà soát quy trình, hồ sơ, thủ tục tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ theo Quyết định số 1023/QĐ-UBND; trao đổi các khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện, giám sát việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các nội dung có liên quan để đảm bảo việc tổ chức cuộc đấu giá theo quy định.
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng (tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn) để chuyển giao hồ sơ đấu giá, ký kết hợp đồng dịch vụ làm cơ sở triển khai thực hiện. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng đang dự thảo hợp đồng.
Để tìm giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp, phục vụ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm của tỉnh; tại Thông báo số 315/TB-UBND, ngày 10/10/2024, ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu các quy định của Luật Khoáng sản và các quy định của pháp luật tham mưu đề xuất, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về đăng ký khai thác khoáng sản phục vụ nội bộ công trình; vật liệu dư thừa, vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị.
Sở Xây dựng chủ trì và phối hợp các sở, ngành, địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để các đơn vị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khối lượng cát xây dựng thu hồi sau nạo vét…
Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để tổng hợp, đề xuất giá khởi điểm đối với khoáng sản (cát, sỏi) thu hồi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tổ chức đấu giá theo quy định. Sở Công thương phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra, làm việc với các đơn vị chủ hồ thủy điện để rà soát kiểm tra tình trạng hồ sơ pháp lý hoạt động nạo vét lòng hồ để tận thu khoáng sản…
Còn các UBND huyện, thành phố được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, chậm trễ trong tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi tận thu được, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng…
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ sở quan trọng, tạo ra sân chơi minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc dẫn đến tính không khả thi khi thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, có vướng mắc về thủ tục đất đai dẫn đến không có mặt bằng sạch để đấu giá; nếu tổ chức trúng đấu giá không thể triển khai đền bù thì khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản.
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tháo gỡ phần nào các vướng mắc. Cụ thể, tại khoản 25, Điều 79 quy định nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trong đó, có hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất. Đây là chính sách tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động khai khoáng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung liên quan nhằm giảm thủ tục hành chính, thời gian thụ lý hồ sơ của các dự án.