Ðánh giá tác động và cân nhắc kỹ nội dung Luật đầu tư PPP

Chiều 16-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án Luật PPP).

Tờ trình về dự án Luật nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật PPP trong bối cảnh hiện nay của đất nước nhằm thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP nói riêng. Xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP; xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác. Bảo đảm quy định của luật phù hợp với các cam kết trong điều ước quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên. Thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân, sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư hạ tầng, dịch vụ công; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Thảo luận về dự án Luật PPP, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số đại biểu cho rằng, phải xác định đây là luật hình thức hay nội dung, nếu là luật hình thức thì có thể đơn giản hơn, nếu là luật nội dung thì phải bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật. Mục đích của dự án luật này nhằm tạo ra cơ chế pháp luật đặc thù cho hình thức PPP. Tuy nhiên, nhiều nội dung tại dự thảo luật đụng chạm tới nhiều luật khác cho nên cần phải đánh giá tác động và cân nhắc kỹ lưỡng. Việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng cũng cần có căn cứ rõ ràng, không nêu chung chung. Trong dự án luật có đề cập việc thành lập hội đồng thẩm định PPP, nhưng nếu không quy định thủ tục, thời gian thẩm định cụ thể như thế nào sẽ gây phức tạp thêm về mặt hành chính, thủ tục, dễ gây phiền hà, có thể làm chậm dự án PPP.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cùng một số đại biểu cho rằng: Ðây là một luật lớn, có vai trò quan trọng, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khi luật này ra đời, cần tính đến việc xử lý những dự án cũ cho nên điều khoản chuyển tiếp trong dự án luật cần phải rõ ràng, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà đầu tư đã đầu tư rồi. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm phần đánh giá hiệu quả sử dụng đất, nhất là hình thức đổi đất lấy công trình trong thời gian qua có thành quả, hạn chế như thế nào, để rút ra bài học, cân nhắc nội dung nào nên cho vào trong dự án luật, nội dung nào cần hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh nêu ý kiến: Việc thực hiện dự án PPP thường có bốn giai đoạn: chuẩn bị đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thành lập doanh nghiệp và ký hợp đồng; thực hiện dự án. Nếu thực hiện các bước này không chuẩn sẽ gây hệ lụy xấu về mặt kinh tế - xã hội. Nếu dự án luật này tiếp cận cả bốn giai đoạn nêu trên sẽ dẫn đến việc xung đột với các luật khác. Vì vậy, dự án luật có thể tiếp cận theo hướng tập trung về ký kết hợp đồng, thành lập doanh nghiệp, còn việc lựa chọn nhà đầu tư có thể làm theo Luật Ðấu thầu, nhằm giảm áp lực cho dự án luật và để dự án luật được rõ ràng, chi tiết hơn.

Một số đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu mức độ tham gia của Nhà nước ở một số lĩnh vực, tránh sự tham gia tràn lan, trong đó cần giảm bớt phần bảo lãnh của Nhà nước, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng. Trong dự án luật cần làm rõ về cơ chế chia sẻ rủi ro, đó là trong thời gian thực hiện dự án nếu xảy ra trượt giá, hoặc đột biến thì cần tính tới việc có cơ chế để điều chỉnh quyền lợi sao cho hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước. Ðây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu cụ thể, hợp lý. Ngoài ra, một số đại biểu đặt vấn đề cần làm rõ nội dung PPP và xã hội hóa, khác nhau như thế nào. Ðồng thời, xây dựng dự án luật cần dựa trên nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh, bảo đảm phần vốn của Nhà nước, trong đó chú trọng nguyên tắc Nhà nước không bị mất quyền chi phối khi thực hiện PPP.

Cũng trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Theo đó, các đại biểu thống nhất việc chi 77 tỷ 490 triệu đồng cho năm địa phương.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41590702-%C3%B0anh-gia-tac-dong-va-can-nhac-ky-noi-dung-luat-dau-tu-ppp.html