'Anh hùng bàn phím' ở Trung Quốc tấn công VĐV bất chấp thắng, thua

Dù thắng hay thua ở kỳ thế vận hội lần này, nhiều thành viên trong đội tuyển thể thao của Trung Quốc vẫn trở thành nạn nhân để các 'anh hùng bàn phím' miệt thị, chửi rủa.

Sau khi đội tuyển Trung Quốc thua cuộc trước tuyển Nhật trong trận chung kết nội dung bóng bàn đôi nam nữ, hai VĐV Liu Shiwen và Xu Xin nhanh chóng hứng chịu những lời chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Ngay khoảnh khắc cả hai lên bục nhận HCB, trang cá nhân của họ đã tràn ngập những lời đe dọa, chửi rủa như "cút xuống địa ngục" hay "biến đi" từ nhóm khán giả quá khích, theo Washington Post.

Trong suốt Olympic Tokyo 2020, một bộ phận khán giả cực đoan ở Trung Quốc theo dõi sát sao từng động tĩnh của đoàn thể thao nước nhà lẫn các đối thủ. Những người này không ngần ngại đưa các bình luận mang tính hạ bệ, lăng nhục.

 Cặp VĐV Liu Shiwen và Xu Xin (ngoài cùng bên trái) trên bục nhận HCB môn bóng bàn, nội dung đánh đôi nam nữ. Ảnh: Reuters.

Cặp VĐV Liu Shiwen và Xu Xin (ngoài cùng bên trái) trên bục nhận HCB môn bóng bàn, nội dung đánh đôi nam nữ. Ảnh: Reuters.

Bị coi là tội đồ

Sau khi chịu cơn phẫn nộ từ dân mạng, Liu Shiwen và Xu Xin đều đưa ra lời xin lỗi.

"Tôi thấy mình đã làm toàn đoàn thất vọng. Tôi xin lỗi mọi người", Liu nói với phóng viên sau trận đấu trong nước mắt lưng tròng.

“Cả đất nước đều mong chờ trận chung kết này. Tôi nghĩ toàn đội Trung Quốc không thể chấp nhận kết quả", Xu nói.

Về phía hai người đã đánh bại Liu và Xu, họ tự dưng cũng phải nhận những lời xúc phạm vì đã thi đấu xuất sắc hơn.

Vì bức xúc, VĐV bóng bàn Jun Mizutani của Nhật Bản đã lên án, yêu cầu cần có cách xử lý thích đáng cho hành vi lạm dụng trực tuyến mà anh và người đồng đội Mima Ito phải hứng chịu từ khán giả nước láng giềng.

 Tham vọng của Trung Quốc ở Olympic không chỉ là đạt huy chương mà còn muốn khẳng định vị thế dẫn đầu. Ảnh: AFP.

Tham vọng của Trung Quốc ở Olympic không chỉ là đạt huy chương mà còn muốn khẳng định vị thế dẫn đầu. Ảnh: AFP.

Ở trường hợp khác, một VĐV thể dục dụng cụ của Nhật Bản cũng bị đổ lỗi là được thiên vị khi chiến thắng đối thủ nổi tiếng người Trung Quốc.

Đăng bức ảnh kèm lời xin lỗi vì không giành được vé vào chung kết, VĐV bắn súng Wang Luyao cũng bị dân mạng "ném đá" và phải xóa tài khoản Weibo.

Giới chuyên gia cho rằng không có gì lạ khi tinh thần dân tộc của người Trung Quốc tăng cao trong thời gian diễn ra Olympic, đặc biệt là khi sự kiện tổ chức ở Nhật Bản, quốc gia vốn có nhiều hiềm khích với Trung Quốc.

Tuy vậy, sự thái quá của các "anh hùng bàn phím" Trung Quốc có dấu hiệu vượt qua sự kiểm soát trong hơn nửa tháng diễn ra thế vận hội.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tìm nhiều cách để khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người dân. Điều này cũng dẫn đến tinh thần căm ghét người nước ngoài và coi những người không đem về vinh quang cho đất nước là tội đồ.

 Tuyển thủ bắn súng Wang Luyao phải xin lỗi vì đăng ảnh "tự sướng" sau khi không lọt vào được chung kết. Ảnh: Sina.

Tuyển thủ bắn súng Wang Luyao phải xin lỗi vì đăng ảnh "tự sướng" sau khi không lọt vào được chung kết. Ảnh: Sina.

Thắng vẫn bị chửi mắng

Suisheng Zhao, giám đốc điều hành của Trung tâm Hợp tác Trung - Mỹ tại Đại học Denver (Mỹ), cho biết thế vận hội Olympic có ý nghĩa quan trọng với người Trung Quốc.

Nếu Olympic Bắc Kinh 2008 đánh dấu sự tái xuất của Trung Quốc trên đấu trường thế giới, thì thế vận hội năm nay, được tổ chức trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc với các cường quốc khác trên thế giới, được coi là cơ hội để chứng tỏ rằng nước này không chỉ vươn lên mà đã ở vị thế dẫn đầu.

Do đó, điều dễ hiểu là các VĐV mang huy chương về hay có thành tích tốt được ca ngợi hết lời.

VĐV Su Bingtian (31 tuổi) của môn chạy nước rút được truyền thông Trung Quốc gọi là ngôi sao quốc gia, "điều kỳ diệu làm nên kỳ tích" khi trở thành người châu Á đầu tiên kể từ những năm 1930 đầu tiên lọt vào trận chung kết nội dung chạy 100 m nam.

Tang Xijing (18 tuổi), VĐV thể dục dụng cụ 18 tuổi đạt HCB, cũng nhận được "cơn mưa lời khen" từ dân mạng khi sử dụng các bài hát mang nội dung tôn vinh quê hương trong bài biểu diễn.

 Yang Qian bị dân mạng chỉ trích vì từng đăng bài quảng cáo cho Nike hồi năm 2020. Ảnh: AFP.

Yang Qian bị dân mạng chỉ trích vì từng đăng bài quảng cáo cho Nike hồi năm 2020. Ảnh: AFP.

Đầu tuần trước, hai VĐV môn đua xe đạp đã đeo huy hiệu in hình cựu lãnh đạo của Trung Quốc khi bước lên bục nhận huy chương. Hành động được khán giả ở quê nhà tôn vinh, song khiến BTC không hài lòng vì vi phạm quy định do Ủy ban Olympic đưa ra.

Tuy vậy, ngay cả khi các VĐV mang thành tích về cho đất nước, điều đó vẫn không đảm bảo họ an toàn tuyệt đối trước sự soi mói của cộng đồng mạng.

Yang Qian, người giành được HCV môn bắn súng, bị đào xới lại một bài đăng cũ trên mạng xã hội và vẫn hứng chịu sự phẫn nộ. Trong bài đăng đó, cô khoe BST giày của mình đến từ thương hiệu Nike. Trước đó, hãng giày nổi tiếng này bị khách hàng Trung Quốc tẩy chay vì phát ngôn động chạm đến vấn đề nhạy cảm ở nước này.

Theo ông Zhao, sự hung hăng quá mức của nhóm "anh hùng bàn phím" này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi thế vận hội Olympic mùa đông 2022 diễn ra ở Bắc Kinh sau 6 tháng nữa, không lạ khi những khán giả cực đoan sẽ lại lần nữa trút sự tức giận, không hài lòng lên các thí sinh nước mình lẫn các nước khác nếu kết quả không vừa ý họ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-hung-ban-phim-o-trung-quoc-tan-cong-vdv-bat-chap-thang-thua-post1249866.html