Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hoạt và những chiến công

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, những người lính từng trực tiếp cầm súng chiến đấu lại hân hoan ngược dòng lịch sử trở về thời khắc thiêng liêng, để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất. Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về một thời máu lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hoạt, xã Cẩm Xá (thị xã Mỹ Hào). Trong dòng ký ức ấy, cuộc đời quân ngũ của người lính đặc công Nguyễn Văn Hoạt như một thước phim tư liệu với những trận chiến đấu ác liệt của ông và những người đồng đội đã trải qua trong suốt những năm kháng chiến.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hoạt trò chuyện cùng học sinh Trường THPT Mỹ Hào (thị xã Mỹ Hào)

Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hoạt tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Sau ngày nhập ngũ, ông Hoạt tham gia huấn luyện một thời gian rồi được tuyển chọn, biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 31, Bộ Tư lệnh đặc công. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn với chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hoạt bởi theo lời Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được...”. Ông Hoạt tự hào nhớ lại: Mỗi người lính chúng tôi khi tham gia vào lực lượng đặc công đều được huấn luyện cách đánh đặc biệt, đó là luồn sâu, bí mật, chọn đúng trọng điểm của địch để tiêu diệt. Dù đánh độc lập hay phối hợp cùng bộ binh, pháo binh, xe tăng đều khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Ông Hoạt không bao giờ quên những lúc luồn lách qua lớp lớp hàng rào thép gai, hàng rào bùng nhùng của địch với bom, mìn, pháo đạn xen dày đặc. Những người lính đặc công phải chầm chậm bò qua các vật cản, nếu phát hiện bom, mìn phải cẩn thận vô hiệu hóa và đánh dấu để đồng đội phía sau được an toàn. Vượt qua khu vực nào, những chiến sĩ đặc công cẩn thận trả lại hiện trường như ban đầu để bảo đảm bí mật tối đa. Mọi vị trí của vật cản đều được ông ghi nhớ, phác thảo lại, lên kế hoạch tác chiến, sẵn sàng cho ngày tấn công vào sâu trong sào huyệt địch.

Năm 1972, mặt trận Trị Thiên Huế là một trong các chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Tại mặt trận này, ông Hoạt đã phá hủy 9 kho đạn pháo 105 và 155mm (với 4 vạn quả), chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm tên địch, phá nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Chiến công của ông được thể hiện cụ thể qua các trận chiến như: Trận Đồng Lâm lần thứ nhất, ngày 24/7/1972, ông Hoạt làm tổ trưởng một tổ đánh độc lập. Ngay từ những giây phút đầu tiên, ông diệt xong hỏa điểm được phân công, sau đó tiếp tục chỉ từng mục tiêu cho đồng đội đánh tiếp. Khi có lệnh rút, ông xin ở lại, bắn đạn pháo sáng thu hút hỏa lực địch về phía mình, nhờ đó đơn vị rút an toàn. Trận Đồng Lâm lần thứ hai, ông Hoạt xung phong đi điều tra tình hình. Đêm ngày 5/8/1972, ông dẫn tổ đột nhập vị trí địch, phá hủy 10 kho đạn pháo, diệt hàng trăm tên. Riêng cá nhân ông Hoạt phá hủy 5 kho đạn pháo. Trận Đồng Lâm lần thứ ba, đêm ngày 3/9/1972, tuy phải dẫn tổ vượt bãi trống 500m, qua 7 lớp rào kẽm gai và 5 lần bị địch báo động bắn dữ dội nhưng ông Hoạt vẫn mưu trí đưa tổ vào vị trí chiến đấu, phá hủy 7 kho đạn pháo (khoảng 3 vạn quả). Riêng cá nhân ông phá hủy 3 kho đạn pháo. Trận Đồng Lâm lần thứ tư, đêm ngày 5/10/1972, sau khi chỉ các mục tiêu cho tổ viên thì bất ngờ một đồng chí trong tổ vướng phải mìn, địch bắn ra dữ dội, ông Hoạt dù bị thương nhưng vẫn đi tìm đồng đội bị thương để đưa ra ngoài, sau đó trở lại đánh địch. Ở trận này, ông phá được 1 vạn quả đạn pháo 175mm. Những chiến thắng trên mặt trận Trị Thiên Huế, trong đó có chiến công của chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hoạt đã góp phần tạo nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi huy hoàng, trọn vẹn, non sông thu về một mối, đất nước sạch bóng quân xâm lược.

Với quá trình rèn luyện và những chiến công lập được trên chiến trường, tháng 9/1972, ông Hoạt vinh dự được kết nạp Đảng. Đặc biệt hơn, ngày 23/9/1973, Thượng sĩ Nguyễn Văn Hoạt, Trung đội trưởng đặc công, Đại đội 1, Tiểu đoàn 31, Bộ Tư lệnh Đặc công đã được Nhà nước tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi đó ông Hoạt mới 21 tuổi. Sau chiến tranh, ông Hoạt được cử đi học tại Trường Sĩ quan Đặc công, Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Binh chủng Đặc công, như: Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Biệt động I; Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công. Ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Ông Hoạt chia sẻ: Trải qua bao nhiêu mất mát, hy sinh, giờ đây tôi thật sự hạnh phúc khi thấy quê hương mình “thay da đổi thịt” từng ngày. Cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều, theo hướng tiến bộ, hiện đại. Sống trong hòa bình, chúng ta được ấm no, hạnh phúc hơn nhưng đừng quên rằng, có rất nhiều người đã phải hy sinh xương máu, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để đánh đuổi kẻ thù, đưa đất nước bước tới đài vinh quang. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay hãy phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tiếp bước cha anh để nhân lên mãi ngọn lửa tinh thần của các thế hệ cha, anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202304/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-nguyen-van-hoatva-nhung-chien-cong-0000527/