Anh hùng Quàng Văn Liến: Người đồng cam, cộng khổ với đồng chí, đồng bào vùng Đông Bắc Lào

Trên biên giới Đông Bắc Lào, những già làng cao niên của những bản Mông, bản Lào, bản Xá... vẫn còn nhắc đến người lính Biên phòng Quàng Văn Liến cùng Đội công tác Đồn Biên phòng 17, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu suốt 5 năm (1964 - 1968), gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào nơi biên cương Đông Bắc Lào.

CANDVT Lai Châu dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới vào năm 1968. Ảnh: Tư liệu

CANDVT Lai Châu dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới vào năm 1968. Ảnh: Tư liệu

Lời dặn dò của anh năm ấy vẫn được đồng đội ghi nhớ: “Nhân dân Lào cũng như nhân dân Việt Nam đều bị đế quốc xâm lược. Đồng bào các dân tộc Lào cũng khổ cực như đồng bào các dân tộc Việt Nam. Có khó khăn, gian khổ thì Đảng mới cần chúng ta đến đây giúp đỡ đồng bào khỏi cảnh khổ cực”. Ngày 25/8/1970, đồng chí Quàng Văn Liến đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1959, cùng với sự ra đời của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), khu CANDVT Tây Bắc cũng được thành lập với biên chế hai Tiểu khu S7 và 59 có trách nhiệm chỉ huy, điều hành các đồn, trạm CANDVT và các đại đội trực thuộc. Cuối năm 1962, Khu tự trị Tây Bắc đổi 17 châu thành 17 huyện, tách Khu tự trị Tây Bắc thành 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ.

Lực lượng CANDVT Lai Châu lúc bấy giờ được tổ chức theo địa dư hành chính của tỉnh Lai Châu và chính thức được thành lập ngày 7/2/1963. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, CANDVT Lai Châu đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu diệt hàng chục toán phỉ, dập tắt cuộc bạo loạn; đập tan âm mưu lôi kéo dân ta sang Lào ở khu vực Ba Chà, huyện Mường Nhé. Điều tra phát hiện 140 tên phỉ, 7 tổ chức phản động, 5 ổ nhóm ngụy quân, ngụy quyền, bắt sống 66 tên, tiêu diệt 43 tên, gọi hàng 300 tên, thu 189 súng các loại, 17 điện đài và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Trong thành tích chung ấy, có sự góp công của người anh hùng dân tộc Xá, người con của xã Đoàn Kết, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) mang tên Quàng Văn Liến. Sinh năm 1938, đồng chí nhập ngũ năm 1961 và tham gia công tác tại Đồn Biên phòng 17. Sau một thời gian công tác tại đồn, Quàng Văn Liến đã được cấp trên tin tưởng giao cho làm Đội phó Đội công tác cơ sở ngoại biên, có địa bàn hoạt động tại vũng Lô Cao, một bản Mông có 5 tộc người giáp biên giới Việt Nam. Vùng này tuy đã được cách mạng Lào giải phóng từ năm 1960, song vẫn còn bị địch tranh chấp, trật tự an ninh hết sức bất ổn, đi lại vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Phong tục tập quán của người dân không những lạc hậu, mà còn bị địch khống chế, đe dọa, cướp bóc nên càng thêm khó khăn, bần cùng.

Đồng chí Quàng Văn Liến cùng anh em trong tổ khi đó chưa biết tiếng Lào, song anh đã bình tĩnh, động viên mọi người cùng kiên trì hoạt động. Anh tìm mọi cách tiếp xúc với đồng bào để gần gũi, hỗ trợ bà con và đồng thời học tiếng Lào. Đội công tác ngoại biên lăn lộn gió sương để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhường cơm, sẻ áo cho các gia đình nghèo khổ, chăm lo cho người già, trẻ em.

Mỗi lần về đơn vị báo cáo, anh lại dành phần phụ cấp ít ỏi của mình để mua kim chỉ, thuốc men đem sang Lào giúp đỡ người nghèo. Sau một năm gắn bó, anh đã tự học và nói thành thạo tiếng Lào, tiếng Mông, từ đó, công tác thâm nhập địa bàn, vận động nhân dân cũng thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Anh cùng với cán bộ địa phương vận động nhân dân di canh từ núi cao xuống núi thấp làm ruộng. Buổi đầu dân không tin sợ ma, anh đã làm công tác tư tưởng đối với những gia đình cơ sở và đưa họ xuống trước. Những gia đình này làm ruộng, cấy lúa cho bông chắc mẩy, cây cải lên xanh, cho thu hoạch khá mà không thấy ma làm, dần dần đồng bào tin tưởng bảo nhau theo xuống núi. Đã có trên 30 gia đình từ trên các núi cao xuống thấp làm ruộng theo cách làm ăn mới. Ruộng lúa, hoa màu nào của gia đình cũng tốt, cũng có thóc gạo ăn no, chấm dứt nạn đói kinh niên kéo dài bao kiếp đời.

Tiếp đó, anh hướng dẫn đồng bào làm ăn theo tổ đổi công cày cấy 2 vụ, từ đó, hàng năm các hộ gia đình đều thu hoạch vụ mùa rất tốt, anh được dân bản tin yêu như con em ruột thịt. Giai đoạn này, anh đã cùng tổ xây dựng được 5 cơ sở giúp ta nắm tình hình đánh địch. Nhiều lần địch cho biệt kích gián điệp nhảy dù xuống địa bàn, nhân dân đã hỗ trợ Đội công tác cùng bộ đội nước bạn truy lùng, tiêu diệt địch nhanh chóng. Cũng có lần bị địch tập kích, anh em Đội công tác không chạy kịp, nhân dân đã không quản ngại hiểm nguy, che giấu trong nhà, không để địch phát hiện.

Cùng với công tác vận động quần chúng, tổ chức xây dựng cuộc sống mới để không ngừng nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần cho nhân dân, đồng chí Quàng Văn Liến đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí cùng đồng đội bắt sống, tiêu diệt nhiều tên phỉ và biệt kích. Vào tháng 4/1966, trong trận phục kích ở Ba Sang, anh đã bắt sống một tên phỉ ẩn nấp trong một gia đình.

Tới tháng 7/1966, anh đã thuyết phục thành công một gia đình người Mông có con theo phỉ về hàng. Tên này cung cấp cho ta khá nhiều tài liệu quan trọng, sau đó, chính hắn đã vận động một tên phỉ khác đem vũ khí về hàng. Phát huy kết quả này, đồng chí Quàng Văn Liến đã chỉ huy tổ công tác của mình dùng tên phỉ này để tuyên truyền, vận động các bản làng lân cận và đã gọi hàng thành công thêm 4 tên phỉ.

Là một chiến sĩ thuộc dân tộc ít người, trình độ còn hạn chế nhưng có thể nói, đồng chí Quàng Văn Liến đã thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, luôn yêu thương, chia sẻ cùng đồng chí, đồng bào. Đơn cử như tháng 8/1968, suốt 3 ngày đêm truy lùng bọn gián điệp biệt kích ở khu vực Hát Si, khi tổ công tác của bạn hết lương thực, đồng chí Quàng Văn Liến đã nhường khẩu phần của mình cho bạn, động viên mọi người quyết tâm tỏa đi khắp đầu rừng xó núi để truy lùng. Khi giáp mặt, đồng chí Quàng Văn Liến xung phong tiến lên bắt sống một tên và yểm trợ cho đơn vị bắt gọn 6 tên nữa, kết thúc trận đánh nhanh gọn.

Suốt 5 năm liên tục công tác ở Lào, người anh hùng dân tộc Xá ấy đã cùng đồng đội hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, song vẫn luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đồng cam cộng khổ, chiến đấu kiên cường để bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc nước bạn. Riêng đồng chí Quàng Văn Liến đã gọi hàng 3 tên phỉ, bắt sống một tên và đã cùng đồng đội bắt sống 6 tên biệt kích, 28 tên phỉ, thu nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng, góp phần làm nên thành công của chiến dịch 800 giúp bạn Lào, thu 65 súng các loại, đập tan hệ thống phòng thủ của bọn đặc vụ Tưởng - thổ phỉ trên biên giới Việt Nam - Lào.

Khi viết bài viết này, tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm về giai đoạn sau này của đồng chí Quàng Văn Liến, song không hiểu vì nguyên do gì, mà thông tin về người anh hùng nơi biên cương Tây Bắc này rất ít ỏi, thậm chí, có người nhớ láng máng rằng sau đó, anh đã hi sinh trong một trận đánh biệt kích và không có một bức ảnh nào. Lòng tôi trĩu nặng, bởi cống hiến của con người ấy, những hy sinh nỗ lực của người chiến sĩ Biên phòng ấy xứng đáng được nhắc nhớ như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là vẻ đẹp của những thanh niên dân tộc thiểu số trước vận mệnh non sông chứ không chỉ đơn giản như thế này. Tôi nợ anh hùng Quàng Văn Liến và bạn đọc một cái kết đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-quang-van-lien-nguoi-dong-cam-cong-kho-voi-dong-chi-dong-bao-vung-dong-bac-lao-post472141.html