Anh hùng Tư Cang - 'Người tình báo nhân dân'
'Tôi được đào tạo về tình báo theo giáo trình các nước hiện đại, nhưng tôi nghiệm ra rằng để hoạt động tình báo thành công, ngoài nghiệp vụ tốt thì phải lấy dân làm gốc, đó chính là công tác tình báo nhân dân' – Đại tá anh hùng Tư Cang nói.
Từ cây gậy tầm vông
“Gia đình tôi ở Long Phước, xã anh hùng thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc nhỏ tôi học giỏi, nhận học bổng 3 năm trường tỉnh, sau đó đậu Trường Pétrus Ký của Sài Gòn, đứng hạng 7 trong tổng số những người bản xứ thi năm ấy, và cũng được học bổng. Trong không khí cách mạng sôi sục, thay vì phấn đấu học tập để làm một chân công chức lương cao cho Pháp hay Nhật thì năm 1944 tôi về làng xin gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền Phong. Tháng 8/1945 tôi cầm gậy tầm vông, cùng lực lượng ta ra thị xã giành chính quyền”. Ở tuổi 95, người anh hùng Tư Cang vẫn rất nhanh nhẹn và có một trí nhớ thật phi thường. Ông tiếp tôi trong căn nhà đầy hình ảnh kỷ niệm một thời hoạt động tình báo.
Từ năm 1950 -1954, Tư Cang là Phó trưởng tiểu ban Quân báo của tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (gồm cả các vùng phía Nam Sài Gòn). Năm 1954, ta chuẩn bị đánh lớn vào Sài Gòn, Tư Cang trực tiếp vẽ bản đồ cầu chữ Y cho bộ đội tấn công. Quân ta đã áp sát nội đô thì có lệnh “không đánh nữa, đình chiến rồi!”. Tư Cang và đồng đội lên tàu tập kết ra Bắc.
“Tôi tập kết ra Bắc, chẳng hiểu sao suốt nửa năm trời chỉ làm chiến sĩ, sau đó mới được phong trung đội trưởng, rồi lên chính trị viên”. Anh chấp nhận sự phân công mà không kêu ca.
Trong thời gian công tác tại miền Nam, Tư Cang đã tự học lái xe, bắn súng, trau dồi ngoại nhiều ngoại ngữ. Ông nói: “Khi ra Bắc, trong quá trình huấn luyện mọi người phát hiện ra tài bắn súng của tôi và cử đi tham dự giải bắn súng toàn quân”.
Cuộc thi bắn súng tại Sầm Sơn có sự tham gia của các kiện tướng nổi tiếng lúc bấy giờ, đặc biệt có xạ thủ huyền thoại Trần Oanh - người sau này phá kỷ lục thế giới và kỷ lục châu Á. Anh hùng Tư Cang nói: “Về thành tích tôi không thể so với các vận động viên chuyên nghiệp suốt ngày ăn tập được như Trần Oanh, nhưng thành tích của tôi cũng nằm ở tốp trên. Điều đặc biệt là chỉ mình tôi cầm hai súng ngắn, bắn hai tay, một tay bắn chậm, một tay bắn nhanh!”.
Suốt thời kỳ tập kết tại miền Bắc cùng đồng đội, ông không hề hé lộ về công việc quân báo của mình tại miền Nam và ông cũng không thấy có ai đề cập tới việc đó.
“Cuối cùng, ngày tôi chờ đợi đã đến” - người anh hùng tủm tỉm kể.
“Đúng vào đêm cả đơn vị chúng tôi thuộc biên chế trường lục quân tập trung ở Ngã tư Sở để lên đường vào Nam thì một chiếc xe bịt kín chạy tới. Tôi nằm bên trong, nghe rõ người ta hỏi: “Chúng tôi tìm người tên là Trần Văn Quang (Bí danh của Tư Cang khi ra Bắc tập kết). Tôi trốn, không vội ra, nói: “Ở đây không có ai tên Trần Văn Quang”. Thế là xe quay đi, một lúc sau trở lại, họ lại nói: “Rõ ràng ở đây có người tên Trần Văn Quang cơ mà”. Khi ấy tôi mới bước ra và lên ô tô, một mình tôi trong đêm di chuyển theo hướng khác”.
Bắt đầu từ đêm đó, Trần Văn Quang chuyển sang học về hoạt động tình báo tại Hà Nội, rồi trở lại miền Nam bằng thân phận, giấy tờ và con đường hoàn toàn khác.
“Tình báo nhân dân”
Năm 1962, Tư Cang vào chiến khu D và được phân công xuống Củ Chi. Anh nói: “Tôi được tổ chức giao trách nhiệm phụ trách cụm tình báo H63 thay anh Mười Nho do anh bị ốm nặng. Cụm của chúng tôi thay đổi tên nhiều lần, thành viên chủ chốt có Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo), Tư Cang… ”.
Anh hùng Tư Cang tiết lộ: “Hoạt động trong lòng địch rất khó khăn. Khi tôi vào, nhiều lưới tình báo bị vỡ, bị bắt, tù đày. Ngay cả thầy của tôi, người dạy tôi về tình báo ở Hà Nội, nhưng khi thầy vào Nam làm cụm trưởng một cụm thì cụm ấy bị vỡ, bị bắt hết. Do tính chất quan trọng của H63, tôi đã liên tục sáng tạo ra các cách thức hoạt động đảm bảo hiệu quả và an toàn”.
Chia sẻ cùng phóng viên, Anh hùng Tư Cang (tên thật là Nguyễn Văn Tàu) nói: “Công tác tình báo ở các nước phương Tây hay Liên Xô chủ yếu là hoạt động đơn tuyến giữa các điệp báo viên, trong khi đó công tác tình báo của chúng ta là tình báo nhân dân. Chúng tôi sống, hoạt động trong sự đùm bọc của nhân dân. Giữa Sài Gòn khốc liệt, nếu không có nhân dân thì chúng tôi không thể tồn tại”.
Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo nổi tiếng làm việc cho báo Mỹ, một trí thức sống hòa đồng. Anh thu thập tin tức tình báo quan trọng nhờ mối quan hệ rộng với chính quyền và các cơ quan của Mỹ. Liên lạc cho Phạm Xuân Ẩn là cô Nguyễn Thị Ba - được tạo dựng dưới vỏ bọc một người bán trang sức rẻ tiền ở chợ, người bị Phạm Xuân Ẩn “tông xe” nên hay ghé thăm cho quà.
Tám Thảo, tiểu thư đài các sống giữa nội thành, trong vai một cô học trò tiếng Anh của Phạm Xuân Ẩn. Tư Cang thì giữ vai tài xế cho tiểu thư Tám Thảo.
Sau thời gian làm liên lạc cho Phạm Xuân Ẩn, cô Tám Thảo đã được đào tạo hoạt động độc lập thu thập tin tình báo từ một cơ quan của Mỹ. Cô Tám Thảo nói với phóng viên: “Tôi được chính anh Tư Cang động viên, bồi dưỡng để phát triển thành một nữ tình báo độc lập với anh Ẩn”.
Người cụm trưởng H63
Anh hùng Tư Cang nói: “Điều quan trọng nhất trong nghề tình báo đó là tạo dựng niềm tin, sự sắt son cho chính bản thân mình và anh em trong cụm của mình. Chúng tôi tin rằng dù phải hi sinh, cũng không bao giờ phản bội đồng đội”.
Anh hùng Tư Cang nhớ mãi một khoảnh khắc sinh tử: “Tổ chức cử Tư Lâm vào hỗ trợ cho cụm H63. Tôi vẽ bản đồ nơi ở cho Tư Lâm tìm tôi, trên đường đi anh bị bắt. Các đồng chí báo tôi sự việc để tôi trốn đi, nhưng tôi không trốn, tôi chờ Tư Lâm. Tôi tin anh ấy không dẫn địch đến bắt tôi. Nếu anh ấy phản bội, cả tôi và Tư Lâm cùng chết. Tôi đã chuẩn bị sẵn hai quả lựu đạn. Đúng như tôi nghĩ, Tư Lâm không khai, anh đã bị địch tra tấn đến chết”.
“Phải làm cho đồng đội, cho dân tin tưởng ở mình và mình cũng luôn tin tưởng các đồng đội và dân thì mới có thể hoạt động giữa vòng vây kẻ thù” - ông nói.
Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong khi biệt động thành đánh chiếm dinh Độc Lập thì Tư Cang đang ở trong nhà Tám Thảo sát cạnh đó để quan sát, làm báo cáo.
Đại tá Tư Cang kể: “Nguyên tắc hoạt động bí mật là không được sử dụng súng, nhưng hôm ấy tôi thấy anh em ta trong dinh đánh địch đã hết đạn rồi, họ đứng trên tầng cao, nhặt được gì thì ném xuống. Tôi vừa thương anh em vừa muốn cho anh em có thêm thời gian đối phó nên đã lấy súng ra bắn hai phát, hạ gục hai tên địch. Thể là bọn địch quay qua đi tìm tôi”.
Địch lùng sục khu phố gần dinh Độc Lập, tiếng chân địch đã lên đến cầu thang. Tư Cang hai tay cầm hai súng. Ông cũng chuẩn bị hai viên đạn trong túi áo để sau khi bắn hết cơ số đạn sẽ tự sát. Tư Cang nhớ lại: “Cầm hai khẩu súng trong tay, tôi nghĩ rằng mình hoạt động là vì nhân dân. Giờ mình nổ súng ở đây, toàn bộ gia đình người ta sẽ bị ảnh hưởng, sẽ tội cho người ta. Tôi tiếp tục chờ địch đến gần hơn”.
“Sự thành công của chúng tôi có những yếu tố may mắn nhất định, trong chiến tranh không thể nói trước được điều gì! Song điều chắc chắn là trong chiến thắng của chúng tôi, ngoài sự nỗ lực đến tận cùng của từng thành viên thì còn rất nhiều sự góp công, giúp đỡ và cả sự hi sinh của các đồng đội và người dân đùm bọc chúng tôi. Chúng tôi là những người tình báo nhân dân”. Anh hùng Tư Cang
Đúng giờ phút ấy, Tám Thảo nhanh trí mở cửa, giả vờ mới ngủ dậy, ngơ ngác không biết gì. Trong phòng Tám Thảo lại treo hình ảnh chụp chung với sĩ quan Mỹ và bản thân Tám Thảo lúc đó cũng đang làm việc cho một cơ quan của Mỹ. Đám lính thấy Tám Thảo, lúng túng xin lỗi và lui xuống, đi lục soát nhà khác.
Những tin tức tuyệt mật
Cụm H63 đã cung cấp nhiều tin tức tình báo tuyệt mật có giá trị chiến lược lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Một tin tức tuyệt mật mà Phạm Xuân Ẩn và cụm H63 có được, đó là chỉ thị từ chính phủ Mỹ đối với tình hình Sài Gòn khi xảy ra sự kiện Mậu Thân. Chính phủ Mỹ muốn lực lượng Mỹ - Ngụy phải tìm mọi cách để Việt Cộng không đánh Sài Gòn đợt hai. Dư luận Mỹ đang bất lợi, nếu Việt Cộng đánh tiếp thì Mỹ sẽ phải thương lượng, thậm chí tính chuyện rút quân.
Anh hùng Tư Cang cho biết: “Sau khi thẩm định nguồn thông tin chính xác, tôi lập tức báo với cấp trên, đề nghị ta tiếp tục đánh vào Mậu Thân đợt hai, chấp nhận gian khổ hy sinh, vì đây là thời điểm địch đang rất hoang mang”.
Chiến dịch Mậu Thân đợt hai đã diễn ra với quy mô lớn hơn đợt một, có sự tham gia không chỉ lực lượng biệt động thành mà còn các đơn vị chính quy, chủ lực.
“Anh Tư Cang là người đặc biệt, anh không phải người chỉ huy bàn giấy, anh trực tiếp chỉ đạo lưới chúng tôi ở giữa lòng địch. Hàng ngày anh chở tôi đi làm. Lấy được tài liệu về nhà tôi, anh sao chụp rồi trả lại tài liệu gốc cho tôi. Anh Phạm Xuân Ẩn và tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn vì Tư Cang luôn sát cánh với những vỏ bọc, kế hoạch và tính toán hoàn hảo”.
Nữ anh hùng tình báo Tám Thảo
“Cuộc chiến đấu đợt hai vô cùng ác liệt, có những trung đoàn hy sinh hầu hết - Anh hùng Tư Cang trầm ngâm- Song đúng như phân tích, chính phủ Mỹ sau đó đã có những cuộc họp hai bên với chính phủ Việt Nam, Mỹ chấp nhận không ném bom miền Bắc nữa. Nhiều cuộc đàm phán về việc rút lui của Mỹ khỏi Việt Nam được tổ chức khi chúng ta tổng tấn công Mậu Thân đợt 2 rồi Mậu Thân đợt 3… tại khắp các chiến trường”.
Trong và sau Mậu Thân, nhiều cụm tình báo bị vỡ, riêng cụm H63 hoạt động an toàn đến tận năm 1975. Theo cô Tám Thảo, thành công ấy dựa một phần vào tài thao lược của cụm trưởng Tư Cang.
Cụm tình báo H63 đã được phong danh hiệu Anh hùng, sau đó các cá nhân cũng được phong danh hiệu anh hùng là anh hùng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng Nguyễn Thị Ba, anh hùng Tám Thảo, anh hùng Tư Cang.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/anh-hung-tu-cang-nguoi-tinh-bao-nhan-dan-post1529074.tpo