Ảnh hưởng COVID-19, Bộ Tài chính xây dựng kịch bản điều hành ngân sách thế nào?
Do diễn biến của COVID-19 diễn ra nhanh chóng, phức tạp trên diện rộng, nên từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng 'kịch bản' điều hành ngân sách phù hợp.
Trong gần như suốt năm 2020, đại dịch COVID-19, cùng với đó là thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng đến hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó tác động vô cùng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước (NSNN). Do đó, “kịch bản” điều hành ngân sách cũng phải thay đổi nhằm phù hợp với các cân đối vĩ mô khác.
“Kịch bản” điều hành ngân sách thay đổi từng thời điểm
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông thường như hàng năm, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng về kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng các kịch bản để điều hành.
Năm nay, trước diễn biến của dịch COVID-19 diễn ra nhanh chóng, phức tạp trên diện rộng, vì vậy từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng “kịch bản” điều hành ngân sách phù hợp. Đơn cử cuối tháng 2/2020, Bộ Tài chính xây dựng “kịch bản” điều hành ngân sách theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,96 - 6,25%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu là 6,8%.
Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra “kịch bản” tăng trưởng kinh tế khoảng 5,3%, trong khi giá dầu giảm sâu so với dự toán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không đạt kế hoạch, Bộ Tài chính một lần nữa lại phải điều chỉnh “kịch bản” cân đối ngân sách Nhà nước.
Đến nay, dịch bệnh tuy đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến một nền kinh tế mở như nước ta, bài toán cân đối ngân sách lại một lần nữa phải tính toán lại. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu ngân sách Nhà nước năm nay sẽ sụt giảm mạnh, dự kiến giảm 189 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tương đương 12,5%.
Trong khi đó, chi tiêu cho chống dịch và an sinh xã hội (XH) lại tăng (đến hết tháng 10/2020, ngân sách Nhà nước đã chi 5,1 nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách, chế độ cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời đã chi 12,69 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19).
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện thu ngân sách giảm mạnh nhưng chúng ta vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, khả năng bội chi ngân sách Nhà nước sẽ tăng. Ước thực hiện tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ vào khoảng 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.
Theo đó, mức bội chi dự kiến tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.
Do đó, Bộ Tài chính đã xác định, một trong những giải pháp quan trọng trong cân đối thu - chi ngân sách là tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, từ đó giảm áp lực cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây cũng là một nguyên tắc được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước mà chúng ta phải áp dụng triệt để, đó là: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”.
Dư địa cắt giảm chi thường xuyên
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản Nhà nước đã giúp tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần trong tổng chi ngân sách. Cụ thể, tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 (ước 63,4%) theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, giảm mạnh so với thời điểm cuối nhiệm kỳ trước là 67,7% năm 2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù chi thường xuyên giảm mạnh qua các năm nhưng nhiều vấn đề tồn tại trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Có thể kể đến: tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật vẫn tồn tại; nhiều lễ hội, hội nghị, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách…
Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế... thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt nhưng thực tế chi phí cho con người vẫn chiếm tới trên 70% chi cho con người, cho thấy nhiệm vụ này vẫn còn phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nữa.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), năm nay, công tác tinh giản biên chế đã đạt kết quả tốt với số công chức giảm gần 8%, viên chức giảm 7,56%. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm giảm các khoản chi thường xuyên. “Nhưng rõ ràng là cần phải giảm nữa và quyết liệt hơn thì gánh nặng nợ công mới bớt căng thẳng” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói và cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cắt giảm hoặc thuyên chuyển công tác đối với bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” để giảm bớt gánh nặng lương cho ngân sách.
Ở khía cạnh cơ quan quản lý, Bộ Tài chính thừa nhận, những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức…
Do đó, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách Nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi…
Đặc biệt, đối với năm 2020, với những yêu cầu chi phát sinh do dịch bệnh lớn như trên, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm mạnh chi thường xuyên. Trong đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (trừ một số đối tượng cụ thể) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020. Đồng thời, để chia sẻ khó khăn với Nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội lùi thời hạn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân. Với những giải pháp trên, Bộ Tài chính ước tổng kinh phí tiết kiệm ước đạt khoảng 14,7 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đủ điều kiện; những khoản chi thường xuyên đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chậm phân bổ hoặc không phân bổ không đúng nhiệm vụ dự toán bị cắt giảm…
Theo các chuyên gia, những khó khăn do đại dịch COVID-19 mang lại là thách thức vô cùng lớn, song cũng là bài học kinh nghiệm quý báu của chúng ta trong điều hành chính sách tài khóa, điều hành cân đối ngân sách Nhà nước. Những giải pháp mà chúng ta đang thực hiện sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giảm chi, nhất là giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách nhằm tạo dư địa cho chính sách tài khóa cho việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội.
Năm 2020, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Ước thực hiện tổng chi ngân sách Nhà nước là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Trong đó, chi thường xuyên ước khoảng 1.068,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%) so dự toán, chủ yếu là tăng do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-tai-chinh-van-con-du-dia-trong-giam-chi-thuong-xuyen-ar585102.html