Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động và các hàm ý chính sách
Đối với Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích như giúp tăng năng suất lao động nhờ áp dụng những công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, song cũng đặt ra nhiều thách thức như mất việc làm và những vấn đề xã hội khác.
Bài viết nhận diện những vấn đề đặt ra đối với lao động Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đưa ra những hàm ý về mặt chính sách nhằm giải quyết bài toán đối với người lao động để ứng phó với bối cảnh mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến kinh tế - xã hội
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, phạm vi và tính phức tạp vô cùng lớn, đòi hỏi các quốc gia phải chủ động hơn nữa trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại. Trong cuộc cách mạng này, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội đều bị tác động, đặc biệt những tác động đối với lĩnh vực lao động và việc làm là rất lớn.
CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo rô-bốt, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ là sự liên kết các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh… hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc.
Các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh của công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, tự động hóa đi đôi với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát triển mạnh hơn, thậm chí với những kỹ năng trước đây chỉ có con người sở hữu, nay máy móc có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ.
Cuộc CMCN 4.0 cũng mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia. Những ứng dụng của CMCN 4.0 là các công cụ giúp cho việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức sản xuất, quản lý. Con người có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ nhờ sự hỗ trợ của internet, dữ liệu lớn, sự phát triển của hệ thống thông tin trực tuyến, mạng xã hội... Dữ liệu lớn giúp cho việc thu thập và phân tách dữ liệu dễ dàng hơn, thông qua đó có thể hỗ trợ việc ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.
Sự phát triển của công nghệ tự động sẽ giúp giải phóng sức lao động cho con người, tăng năng suất lao động nhưng cũng đẩy hàng triệu người phải đối diện với nguy cơ mất việc làm. Nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh truyền thống cũng sẽ biến mất nhanh chóng. Ví dụ: Vào năm 1998, hãng máy ảnh Kodak tuyển dụng 170.000 người lao động, chiếm 85% thị trường giấy ảnh trên thế giới nhưng gần đây lĩnh vực kinh doanh này đã không còn hoạt động.
Các lĩnh vực nghề thủ công cũng sẽ biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện ngành, nghề mới đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Theo nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Sự ra đời của các nhà máy thông minh, trong đó máy móc đóng vai trò chủ đạo có thể tự vận hành toàn bộ quy trình sản xuất, thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây.
Cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ dẫn tới xu hướng các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào quốc gia của mình trên cơ sở áp dụng công nghệ “nhà máy thông minh”, chứ không đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động. Đây là thách thức lớn, đặc biệt là với các quốc gia có lực lượng lớn lao động tay nghề thấp, đòi hỏi quốc gia đó phải có tầm nhìn chiến lược để thực hiện việc chuyển đổi tư duy về nghề nghiệp, quan hệ hợp đồng, quan hệ lao động cho người lao động.
Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc, nó có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai và làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm.
Nguy cơ đối với người lao động Việt Nam
Với CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều cơ hội về phát triển trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, ngân hàng, tài chính... Sự phát triển và áp dụng các thành tựu mới về công nghệ sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, góp phần trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Mặt khác, việc áp dụng công nghệ số đã và đang giúp tạo công ăn, việc làm cho một số lĩnh vực ngành, nghề mới ở Việt Nam như lái xe công nghệ, dịch vụ nhà cho thuê (Airbnb), kinh doanh trực tuyến..., qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và cải thiện đời sống của một nhóm người lao động.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số và quá trình robot hóa sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm nghiêm trọng đối với người lao động. Những việc làm có nguy cơ bị loại bỏ hoặc cắt giảm mạnh bao gồm: Công việc lặp đi, lặp lại; các giao dịch mà nhân viên không cần bằng cấp, chỉ dựa trên quy trình chuẩn như các giao dịch tài chính...
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (2019), trong 10 năm tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, văn hóa kinh doanh, mô hình tổ chức… Có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có rủi ro trung bình (có xác suất bị thay thế từ 30-70%) và 12% có rủi ro thấp (có xác suất bị thay thế dưới 30%). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xử lý, thích ứng với sự thay đổi này.
Có thể thấy, nguy cơ lao động ngành Nông, lâm và thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo... bị thay thế là rất lớn. Đây là những ngành, nghề đang tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và góp phần cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, trong đó, ngành Nông, lâm và thủy sản với 83,3% số việc làm có rủi ro cao; công nghiệp chế bến, chế tạo với 74,4% số việc làm có rủi ro cao; bán buôn, bán lẻ có 84,1% số việc làm có rủi cao (Bảng 1).
Trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống, nguy cơ bị thay thế bởi máy móc và thiết bị tự động cũng khá cao như trồng trọt (khoảng 13,7 triệu việc làm); chăn nuôi (gần 3,2 triệu việc làm); làm vườn (1 triệu việc làm); đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (0,84 triệu việc làm)… Một số ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng tác động của cuộc cách mạng này như chăm sóc sức khỏe, y tế giáo dục, bán lẻ, giao thông vận tải. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội khác.
Một số yêu cầu đặt ra
Trong bối cảnh CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia hiện nay là phải có tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức. Khi xem xét tác động của cuộc CMVN 4.0, các quốc gia cần lưu ý đến tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế, công nghệ sản xuất, mô hình quản lý mà còn cả các tác động về xã hội.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp các quốc gia cócơ hội phát triển thịnh vượng hơn, kết nối và hội nhập nhanh chóng, đồng thời cũng phải đối diện với những thách thức về thất nghiệp, việc làm, bất bình đẳng, sự gia tăng tính dễ bị tổn thương cho các nhóm đối tượng trong xã hội.
Lực lượng lao động Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp của người lao động Việt Nam ngày càng được cải thiện. Số lao động có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến tăng lên. Lao động trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã được cải thiện về kỹ năng, tay nghề lao động, tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến...
Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần lao động từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống. Bên cạch đó, trình độ văn hóa và tay nghề của người lao động dù đã được cải thiện, song vẫn còn thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay, đến năm 2038, năng suất lao động của lao động Việt Nam mới bắt kịp Philippines; năm 2069 mới bắt kịp được Thái Lan. Do đó, nếu Việt Nam không tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo đón đầu thì sẽ thiếu hụt nghiêm trọng lao động khi các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam. Một thực trạng đáng quan tâm khác là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo đang ngày càng cao, tạo áp lực lên gánh nặng ngân sách nhà nước như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp xã hội, gây ra những vấn đề khó lường về an ninh, chính trị, trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế khi người lao động mất việc làm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2019, dân số từ 15 tuổi trở lên là 72,93 triệu người tăng 0,76% so với quý I/2018. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên chiếm 76,58%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 12,36 triệu người, tương ứng là 22,30% (Bảng 2). Như vậy, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn chiếm một tỷ lệ khá cao (77,7%).
Hiện nay, lực lượng lao động tập trung nhiều vào lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung, do đó thiếu hụt lao động chất lượng cao. Đồng thời, những hạn chế này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh thấp, đặc biệt giá trị nguồn nhân lực trên thị trường lao động không cao. Cũng theo Tổng cục Thống kê, số lao động làm các nghề giản đơn chiếm tỷ lệ khá cao (37-40%), tỷ lệ lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ dao động trong khoảng 6-7%. Tất cả những hạn chế nói trên, đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0.
Cuộc CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý, nhà làm chính sách tại Việt Nam, bao gồm việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Bên cạnh các thách thức, cuộc CMCN 4.0 có thể tác động lớn đến thị trường lao động, khi mà Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng ở một số ngành, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Thực tế này đòi hỏi, Nhà nước cần phải có tầm nhìn về mặt chính sách để giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cuộc CMCN 4.0.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
CMCN 4.0 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là việc làm, đời sống của người lao động Việt Nam. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách mang tính tổng thể, mạnh mẽ và tạo đột phá hơn nữa để có thể nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng này. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động dễ bị tổn thương là một yêu cầu thiết yếu. Theo đó, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp sau:
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay, đến năm 2038, năng suất lao động của lao động Việt Nam mới bắt kịp Philippines; năm 2069 mới bắt kịp được Thái Lan. Do đó, nếu Việt Nam không tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo đón đầu thì sẽ thiếu hụt nghiêm trọng lao động khi các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.
Thứ nhất, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách hướng tới chiến lược đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao trình độ công nghệ thông tin và tiếng Anh ở các bậc học theo hướng hội nhập quốc tế, phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao, ngày càng làm chủ được khoa học - công nghệ, có kỹ năng lao động, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động theo xu hướng công nghiệp hiện đại.
Thứ hai, bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo và đào tạo lại lao động; tạo điều kiện cho họ tự học tập nâng cao trình độ; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các vùng kinh tế trọng điểm; Thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, có cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành kinh phí và thời gian thích đáng cho đào tạo, đào tạo lại lao động.
Thứ ba, xây dựng phương án, đề xuất các chính sách mới phù hợp với việc thay đổi trong cơ cấu lao động, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến các ngành, lĩnh vực có khả năng lao động bị thay thế cao, phù hợp với điều kiện, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của Việt Nam.
Thứ tư, từng bước hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tiền lương bảo đảm đời sống cho người lao động. Chú trọng chăm lo xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần, nhất là quan tâm tới các dịch vụ văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thứ năm, đổi mới cơ chế và chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, chú trọng cơ chế về tài chính, thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực đổi mới công nghệ, nhất là đối với công nghệ thông tin và công nghệ tiên tiến khác. Tận dụng tiềm năng tri thức, kinh nghiệm chuyển giao công nghệ mới của lực lượng Việt kiều ở nước ngoài để tăng khả năng về mặt công nghệ cho Việt Nam, đồng thời giúp người lao động có thể tiếp cận được các công nghệ tiên tiến nhờ quá trình chuyển giao công nghệ.
Thứ sáu, học tập kinh nghiệm ứng phó của các nước khác, đặc biệt là các nước đi trước trong CMCN 4.0, có thể giúp Việt Nam tránh được những vấn đề mà các nước đó gặp phải trong việc quản lý, ban hành chính sách đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với cuộc CMCN 4.0.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2017), Tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành sản xuất, moit.gov.vn (ngày 20/8/ 2020);
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê (2019), Bản tin Cập nhật thị trường lao động, số 21, Quý I/2019;
3. Trần Thị Vân Hoa (2017),Cách mạng công nghiệp4.0 vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội;
4. Nguyễn Thị Thanh Hải(2020), Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến bảo đảm quyền con người, Cổng thông tin điện tử tapchicongsan.org.vn (ngày 8/8/2020);
5. Trần Nguyễn Tuyên (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đối với Việt Nam, hvcsnd.edu.vn (ngày 11/9/ 2020);
6. Nguyễn Thắng (2019), Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đến Việt Nam, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan (ngày 8/9/2020)